Cuộc sống, cơ hội và thách thức khi Du học ở Đức

Một điều cũng rất quan trọng mà nhiều sinh viên Việt Nam và cả phụ huynh có con du học chưa coi trọng đúng mức là những kỹ năng tổ chức cuộc sống và giao tiếp - ứng xử trong xã hội.

Thiếu những điều kể trên, bạn sẽ không thể học tập thành công trên nước Đức được.

Số sinh viên Việt Nam hiện du học ở Đức đã tăng một cách đáng kể trong mấy năm trở lại đây. Họ là một thành phần tương đối tách biệt trong cộng đồng ngừơi Việt tại Đức, với lối sống riêng, sinh hoạt riêng và những suy nghĩ, dự tính riêng.

Cuộc sống, cơ hội và thách thức khi Du học ở Đức - 0

Ngày càng nhiều sinh viên đi du học

Khi được hỏi: “Tại sao chọn nước Đức du học?’’ thì có đến 80% sinh viên đều trả lời: “Vì có thân nhân đang sống ở đây hay vì cha mẹ, anh chị đã từng là nghiên cứu sinh, hoặc đi học nghề, làm việc ở bên Đông Đức trước kia.’’ Con số 2.500 sinh viên Việt Nam đang học tại nước Đức ngày càng tăng. 

Bạn Phạm Trí Ngọc, đang theo học ngành cơ khí tại Đại học Damrstadt cho biết: “Năm 1993 khi mới đến học tại tiểu bang Hessen, thì số sinh viên Việt Nam học tại đây chưa tới 10 người, đến nay thì con số này lên tới gần 200 người.’’ 

Những văn phòng dịch vụ đưa học sinh sang Đức du học thi nhau nở rộ ở Hà Nội và Sài Gòn. Hai viện Goethe ở hai thành phố lớn không đủ lớp và giáo viên giảng dạy tiếng Đức, nhiều lớp tư nhân nhạy bén thời sự đang mở ra dành học viên. 

Điều kiện đầu tiên là học sinh phải qua được kỳ thi Đức ngữ - tuy nhiên khi sang đây sinh viên vẫn phải theo học một năm Đức ngữ trước khi vào Đại học, thứ hai là thân nhân học sinh phải có số tiền 12.000 Euro trong tài khoản để bảo đảm cuộc sống và học phí cho con em mình. 

Thử thách hội nhập 

Có thể nói học phí ở các Đại học bên Đức rất thấp, gần như là lệ phí tượng trưng, trước đây chỉ là 160 Euro cho một semester 3 tháng, nay tăng lên 250 Euro, sắp tới sẽ tăng cao hơn. Nhưng sinh viên được miễn phí tiền tàu xe đi lại, được phép đi làm trong mùa hè để kiếm thêm thu nhập. 

Tuy nhiên rất nhiều sinh viên đều cảm thấy “Schock’’ trong thời gian đầu làm quen với nước Đức, vấn đề hội nhập là một thử thách gian nan dù có thân nhân ở đây, có một số bạn trẻ không chịu đựng nổi đã bỏ về nước chỉ sau 1 năm đầu, vì va chạm quá nhiều sự khác biệt, gặp nhiều khó khăn trong việc học và cuộc sống. 

Đời sống 

Cuộc sống ở nước Đức không phải dễ dàng, khí hậu ở Đức giá lạnh, đường phố sạch sẽ nhưng vắng vẻ, chỉ tập trung đông người ở các khu trung tâm. Người Việt sống rải rác khắp nước Đức, khó tìm được một khu phố có vài gia đình nguời Việt sống cạnh nhau, tìm được đồng hương để trò chuyện hỏi thăm vào dịp cuối tuần thật không dễ. 

Trong khi đó những bạn Đức thì có cuộc sống khác biệt, họ rất lịch thiệp tử tế nhưng luôn giữ một khoảng cách với người khác, và tiếng Đức chưa đủ để bày tỏ, một mình phải đối phó với đủ mọi khó khăn, vì vậy sinh viên thường cảm thấy đơn độc, bị cô lập giữa cuộc sống. 

Trang thông tin du học tại CHLB Đức với nhiều tin tức thực tế, tư vần, hướng dẫn thủ tục, diễn đàn do các Sinh Viên tại Đức cũng như các cựu Sinh Viên

“Làm gì để quên đi nỗi nhớ nhà, để tiếp tục việc học?’’ Câu hỏi này đã liên kết các bạn trẻ với nhau. Từ năm 1998, số sinh viên đông dần, họ thành lập những Hội sinh viên theo từng khu Đại học, làm ra những trang web để thông tin, giúp đỡ nhau, thi đấu bóng đá giao lưu giữa các Đại học, tập họp vui chơi trong những ngày lễ Tết. 

Sự khác biệt sâu xa 

Phần đông sinh viên theo học các ngành cơ khí, kỹ thuật, kinh tế và công nghệ điện tử, tập trung đông nhất là ở Đại học Dresden, Leipzig, Hannover và Frankfurt. Qua một, hai năm theo học các sinh viên đều nhận ra sự khác biệt sâu xa giữa việc học và đào tạo ở nước Đức và Việt Nam. 

Không phải chỉ học tập, đi làm thêm hay hội họp vui chơi, nhiều sinh viên vẫn ưu tư về hoàn cảnh xã hội bên nhà. Một số sinh viên ở Hannover đang hình thành nhóm Vì ngày mai để giúp đỡ trẻ em nghèo tại Hà nội. 

Bên cạnh số sinh viên du học tự túc, còn một số ít sinh viên cao học được học bổng của vài tổ chức nước Đức hay của nhà nước Việt Nam, đa số đều là Đoàn viên hay Đảng viên nên việc sinh hoạt có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. 

Học bổng nhà nước cấp cho sinh viên khoảng 600 Euro hằng tháng, tạm đủ sống, nhưng có khi gặp sự cố thì 3 tháng vẫn chưa có tiền để trả học phí và chi tiêu, sinh viên phải vay mượn bạn bè hay cấp tốc tìm việc làm thêm. 

Trên trang web của nhóm sinh viên Đại học Freiberg ghi rõ trong qui định hoạt động của Đoàn Sinh viên:“ Không tham gia các tổ chức chính trị và các vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia Việt nam và Cộng hoà liên bang Đức.’’

Khi đuợc hỏi các tổ chức chính trị đó là tổ chức nào và vấn đề nhạy cảm là gì, thì các bạn giữ im lặng!? 

Vấn đề hội nhập 

Tuy nhiên vẫn có một số ít sinh viên được học bổng của các tổ chức Đức, sau khi tốt nghiệp, có được việc làm thích hợp với trình độ đã quyết định ở lại, cũng như một số nữ sinh viên kết hôn với bạn trai Đức để được ở lại đây. 

Có thể nói vấn đề hội nhập ở nước Đức quá khó khăn, vì ngôn ngữ, thời tiết và đặc tính dân tộc của người Đức nên phần lớn số sinh viên du học tại đây cảm thấy không thích hợp với cuộc sống. Vấn đề quan trọng hơn là tình hình kinh tế nước Đức đang suy trầm nên không phải bất cứ ai khi ra trường đều tìm được một việc làm, một vị trí tốt trong xã hội Đức. 

Trong khi đó, nhiều công ty, xí nghiệp lớn của Đức đang mở rộng thị trường về phía châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi có số người biết tiếng Đức nhiều nhất vùng châu Á, nên sinh viên đều thấy vận hội tốt hơn cho mình là ở ngay Việt Nam, thế nên họ quyết định trở về với đất nước.

Theo DUHOCDUC.DE


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày