Gian nan du học sinh Việt: Đi không đặng, ở không xong!

Du học sinh có thể quay trở lại cuộc sống bình thường mới hay không vẫn là bài toán của thì tương lai.

Đường trở lại còn… tùy nước

Dịch COVID-19 đã làm xáo trộn mọi kế hoạch của du học sinh Việt Nam, lên đến khoảng 190.000 người (tính đến tháng 3/2020). Bạn Minh Duy (TP.HCM) đang là sinh viên năm thứ hai tại Trường đại học (ĐH) Ryutsu Keizai (Nhật Bản), bị “kẹt” lại Việt Nam suốt nửa năm qua vì Nhật chưa mở cửa trở lại.

Hiện, để trang trải cuộc sống và phòng hờ, Duy phải rẽ hướng… bán cá viên chiên.

“Trong thời gian ở Nhật, các công ty tạm đóng cửa vì dịch, không có việc làm thêm nên tôi về nước để giảm áp lực kinh tế. Đâu ngờ, về rồi ở luôn nửa năm và chưa biết khi nào Nhật sẽ cho nhập cảnh trở lại. Tôi cùng mấy người bạn đành mở quán ăn vặt để cầm cự”, Duy cho biết. Cũng như Duy, không ít du học sinh đã lỡ học kỳ tháng Tư và kể cả học kỳ tháng Bảy này vì Nhật gần như vẫn chưa cho phép nhập cảnh. Nhiều sinh viên dù có visa nhưng vẫn phải đợi máy bay và lệnh cho phép nhập cảnh. Những sinh viên không qua được chỉ còn cách bảo lưu. Với tình hình hiện tại, kỳ tháng Mười cũng chưa chắc có thể sang do dịch nhiều nơi có dấu hiệu bùng phát trở lại. 

Thịnh Nguyễn (TP.HCM) lại rơi vào cảnh trớ trêu là không thể đăng ký học online và dở dang một năm vì COVID-19.

Thịnh vừa tốt nghiệp lớp dự bị ĐH tại Úc. Trước khi kịp đăng ký vào một trường ĐH tại Thụy Sĩ thì dịch xảy ra nên Thịnh hiện không thuộc “biên chế” một trường nào. Tận dụng mọi mối quan hệ của gia đình, Thịnh bay từ Úc về Singapore và sau đó về Việt Nam chờ trường học và các nước mở cửa trở lại, nhưng chưa biết sẽ chờ đến bao giờ.

Còn Phùng Thị Bích Phương (tỉnh Nam Định) đã quay trở lại Trường ĐH Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc) để học tiếp cao học nhưng hành trình trở lại hết sức gian nan. Ngày 18/2, khi Hàn Quốc xuất hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 31, cuộc sống của người dân Daegu bị xáo trộn. Du học sinh Việt vội vã để lại những áp lực học hành và công việc để về nước. Chưa bao lâu, Phương nhận được email của trường đề nghị trở lại Hàn Quốc trước ngày 30/3, nếu không buộc phải bảo lưu kỳ học. Đi thì đối mặt với nguy hiểm nhưng không qua sẽ bị hết visa phải xin lại. Học cao học còn phải nghiên cứu khoa học…

Sự lo lắng làm sao để qua lại Hàn Quốc đã lấn át cả nỗi lo dịch bệnh. Đặt vé, hủy vé, đi đường vòng sang Thái, sang Đài bất thành. Các trung tâm du học đề nghị liên kết để thuê một chuyến máy bay dành cho du học sinh. Sau bao trầy trật, giữa tháng Tư, nhiều du học sinh đã trở lại Hàn và tuân thủ các quy định về cách ly phòng dịch. “Suốt học kỳ qua, tất cả các môn đều học online, cuộc sống có những khó khăn và hiện đã tạm ổn dù Hàn Quốc vẫn còn ca nhiễm”, Phương cho hay.

Thấp thỏm đi hay ở

Gây hoang mang nhất là thông báo mới đây của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE): sinh viên quốc tế có thể sẽ phải rời khỏi Mỹ nếu cơ sở giáo dục họ theo học chuyển sang dạy online 100% vào học kỳ mùa thu tới. Đối tượng chịu ảnh hưởng là sinh viên đang có visa học thuật F-1 và học nghề M-1. Ngọc Liên (TP.Vũng Tàu), sinh viên năm hai Trường San Jose City College (California), cho hay: quy định này yêu cầu du học sinh muốn ở lại Mỹ phải học ít nhất 9 tín chỉ trên lớp và không quá 3 tín chỉ online. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện tại, nhiều trường dự kiến chỉ mở lớp online, đồng nghĩa sinh viên nếu không chuyển sang trường có dạy trực tiếp thì không thể ở lại.

“Tôi đã liên hệ với một số trường ĐH trong nước để chuyển về học tiếp. Tuy nhiên, chưa biết khi nào sẽ về được vì đã đăng ký chuyến bay cứu trợ của Chính phủ nhưng vẫn chưa có kết quả chính xác”, Ngọc Liên băn khoăn.Phụ huynh có con du học bậc phổ thông càng lo lắng hơn. Chị Minh Trâm (Q.3, TP.HCM) có con đang học lớp 11 tại Minnesota (Mỹ) nhưng trường học đóng cửa, con chị phải qua Seattle ở tạm nhà bà con.

Chị Trâm kể: “Khi hay tin, tôi thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Ngày nào cũng phải điện thoại nói chuyện để con đỡ stress. Tôi đang liên lạc với trường xem học kỳ tới dạy như thế nào để xác định thuộc diện ở hay về. Song song đó, tôi tìm hiểu các trường quốc tế tại Việt Nam để trong trường hợp bất khả kháng thì con có thể chuyển tiếp về học mà không bị gián đoạn”.

132 1 Gian Nan Du Hoc Sinh Viet Di Khong Dang O Khong Xong

Ông Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: mỗi ngày, đều có các du học sinh điện thoại, email để hỏi việc chuyển tiếp về học. Với du học sinh bắt đầu học năm nhất thì có thể xét tuyển theo diện học sinh tốt nghiệp tú tài quốc tế, học sinh nước ngoài... Nhưng với sinh viên năm 2, năm 3 thì khó chuyển tiếp hơn vì sự tương thích giữa hai chương trình đào tạo, điểm số...

Hoặc giả, cũng có trường hợp không thể quay trở lại mà phải rẽ hướng vì không thể cầm cự về điều kiện kinh tế…

Gia Tuệ

Nguồn: phunuonline


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày