“Lúc tôi biết cha mẹ bán nhà, tâm lý tôi rất phức tạp. Tôi dặn lòng mình phải cố gắng học thật chăm chỉ để không phụ lòng và sự hi sinh của cha mẹ”
Đã qua rồi cái thời có được tấm bằng đại học ở nước ngoài sẽ đảm bảo một công việc tốt ở Trung Quốc. Nhiều du học sinh khi trở về nước đã bị sốc trước thực tế cạnh tranh khắc nghiệt.
Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc sẵn sàng bỏ núi tiền để con họ được du học với mong muốn tấm bằng đại học nước ngoài sẽ là “chìa khóa vàng” cho một công việc tốt ở trong nước. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy.
Lương ngày càng “bèo”
Nếu như trước đây ở Trung Quốc cầm một tấm bằng đại học nước ngoài sẽ bảo đảm một thu nhập khởi điểm cao ngất ngưởng thì giờ đây thực tế đã khác.
Theo báo SCMP, mức lương khởi điểm trung bình của các du học sinh Trung Quốc khi về nước đã giảm từ 10.000 nhân dân tệ xuống còn 6.000 nhân dân tệ (khoảng 20 triệu đồng) trong năm nay. Khoảng cách về mức lương giữa những người học trong nước và du học đã bị rút ngắn đáng kể.
Thậm chí, có người chỉ được hưởng mức lương khoảng 3.500 nhân dân tệ (khoảng 12 triệu đồng), một con số quá thấp so với chi phí bỏ ra để được học tại các trường đại học của Mỹ, Anh hay Úc.
Theo một cuộc khảo sát giấu tên của tờ Đô Thị khoái báo (Hàng Châu, Trung Quốc), 28% du học sinh khi được hỏi thừa nhận họ được đề nghị nhận mức lương khoảng 6.000 nhân dân tệ/tháng cho công việc trong nước; 40% được đề nghị khá hơn, từ 6.000 tới 8.000 nhân dân tệ.
SCMP cho rằng việc ngày càng có nhiều người ra nước ngoài học và trở về nước là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Ngoài ra, chất lượng đào tạo trong nước ngày càng được nâng cao, nhà tuyển dụng Trung Quốc có nhiều sự lựa chọn hơn trước.
Đã từng có trường hợp gần 10.000 người nộp đơn cho một chiếc ghế công chức bình thường, chỉ “lo trà nước”.
Khi ngày càng nhiều người về nước, áp lực cạnh tranh giữa những người mới về và người trong nước sẽ ngày càng tăng.
Mọi thứ khi đó sẽ được đem ra bàn cân và nhà tuyển dụng sẽ không vì tấm bằng đại học nước ngoài mà tuyển một người không có năng lực thật sự.
Bán nhà để du học
Đó là trường hợp của Lin, 26 tuổi, một du học sinh Trung Quốc vừa trở về từ Úc. Sau 6 năm học ở nước ngoài, Lin quyết định về nước và xin một công việc.
Mặc dù điểm bài thi IELTS không tốt, Lin vẫn được nhận vào học chuyên ngành tài chính tại ĐH Monash ở Melbourne.
Để có tiền trang trải cho chuyện học hành của Lin, gia đình cô đã quyết định bán nhà và dành ra khoảng 1,2 triệu nhân dân tệ cho 6 năm đại học của con gái.
– Lin kể với Đô Thị khoái báo.
Nhưng Lin đã không làm được như cô ấy nói. Nợ môn, Lin bị buộc phải chuyển sang một trường đại học khác, trầy trật ở đó trước khi được tốt nghiệp vào đầu năm nay.
“Tôi không thể chờ thêm được nữa. Tôi muốn đi làm ngay. Tôi đã dành 6 năm, tốn không biết bao nhiêu tiền bạc của cha mẹ trong khi các bạn của tôi đã đi làm được 2, 3 năm rồi” – Lin nói và cho biết cô hào hứng khi nộp đơn xin việc bao nhiêu thì thất vọng sau màn phỏng vấn bấy nhiêu.
Cô gái trẻ không có bất kỳ mối liên hệ, kinh nghiệm xã giao nào để phục vụ công việc tại Trung Quốc. Và lẽ dĩ nhiên, người ta đã không chọn cô.
Hồi năm ngoái, một loạt điều tra của Hãng tin Reuters đã phơi bày các đường dây chạy trường đại học Mỹ cho các công dân Trung Quốc. Tâm lý sính ngoại, không quan tâm tới năng lực thực sự của bản thân vẫn còn hiện diện trong suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc muốn đi du học.
Năm 2007, chỉ có khoảng 44.000 du học sinh Trung Quốc về nước nhưng đến năm 2016, con số này đã tăng lên gấp 10 lần, lên mức 432.000.
Số lượng công dân Trung Quốc đổ ra nước ngoài học cũng ngày càng tăng.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2016 có khoảng 544.500 du học sinh Trung Quốc, trong đó phần lớn là đang theo học tại các trường đại học/cao đẳng.
Theo Bảo Duy / tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC