Từng bị sốc văn hóa khi tới Đức, nữ du học sinh giành 2 bằng Thạc sĩ loại giỏi

Khi mới sang Đức, cô sinh viên Trần Thị Mai chưa biết đến những buổi tiệc tùng dành cho sinh viên quốc tế và cảm thấy rất xa lạ với điều đó.

Hoàn thành 2 chương trình Thạc sĩ tại Đức với tấm bằng giỏi, hiện đang là chuyên gia về Dữ liệu và Ứng dụng trong phòng “Giá toàn cầu” tại Tập đoàn hóa dược phẩm Merk KGaA, chị Trần Thị Mai (sinh năm 1988) đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh cuộc sống tại nước Đức.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, trong khi các bạn đồng trang lứa đã bắt đầu ổn định công việc, cuộc sống gia đình thì Trần Thị Mai vẫn khao khát cơ hội được đi du học, mở mang kiến thức.

Miễn học phí, học xong được ở lại 18 tháng, được phép đi lại không cần visa giữa các nước trong khối Schegen… là một số lý do khiến chị Mai lựa chọn du học tại Đức.

Tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Kinh tế học và Các thể chế tại Đại học Marburg, sau đó chị Mai ở lại trường đại học công tác và làm nghiên cứu sinh.

Sau hơn hai năm, nhận ra niềm yêu thích của mình với ngành học Data Science (Khoa học Dữ liệu), chị đã ngừng làm nghiên cứu sinh và tiếp tục theo học Thạc sĩ Khoa học Dữ liệu tại Đại học Ứng dụng Darmstadt.

“Những ngày đầu mới sang Đức thật khó quên với bản thân mình. Là một người không giỏi thích nghi với cuộc sống mới, nên mình luôn cảm thấy khó khăn trong giao tiếp, hòa nhập với cuộc sống tại Đức”, chị Mai bồi hồi nhớ lại.

132 1 Tung Bi Soc Van Hoa Khi Toi Duc Nu Du Hoc Sinh Gianh 2 Bang Thac Si Loai Gioi

Sau khi có hai bằng Thạc sĩ loại giỏi, Trần Thị Mai đã có công việc ổn định tại Đức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Sốc văn hóa” trong những ngày đầu tới Đức

Tại Đức mỗi năm học mới bắt đầu có truyền thống các khóa sinh viên cũ giúp cho khóa sinh viên mới làm quen những khu vực xung quanh thành phố.

Các khóa sinh viên sẽ gặp nhau để giao lưu vào buổi tối, mọi người sẽ đi từ quán rượu này đến quán rượu khác suốt cả đêm như thế. Buổi tiệc chào đón các sinh viên quốc tế thường kết thúc vào lúc 6 đến 7 giờ sáng.

132 2 Tung Bi Soc Van Hoa Khi Toi Duc Nu Du Hoc Sinh Gianh 2 Bang Thac Si Loai Gioi

Chị Trần Thị Mai hiện đang là chuyên gia về Dữ liệu và Ứng dụng trong phòng “Giá toàn cầu” tại Tập đoàn hóa dược phẩm Merk KGaA. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Mai cho biết: “Lúc đầu mình cảm thấy rất khó khăn với điều đó nhưng sau một thời gian, cùng với những người bạn, mình đã quen hơn và biết cách thích nghi với những buổi tiệc như thế và qua đó có thể quen biết thêm được nhiều bạn bè hơn”.

Mai tiết lộ, nếu ở Việt Nam mà đi chơi qua đêm có thể bị đánh giá là thói hư, thì ở phương Tây đó lại là chuyện hoàn toàn bình thường.

Sinh viên ở Đức tận dụng những buổi “party” để làm quen và có thể trở thành những cặp đôi sau này. Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên đều biết giới hạn của mình để không hư hỏng, không gây rắc rối cho việc học tập.

Sự giúp đỡ của nhà trường và thầy cô

Chị Mai chia sẻ, khối lượng kiến thức mà sinh viên phải học nặng hơn nhiều so với ở Việt Nam, thậm chí nặng hơn một số nước khác như Anh và Mỹ.

Ngoài thời gian học trên lớp, bạn sẽ phải bận rộn làm bài tập nhóm, thuyết trình hay bài luận. Điểm yếu của du học sinh Việt Nam là khả năng viết luận, và chính chị Mai cũng từng bị rơi vào hoàn cảnh ấy, gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình học tập.

132 3 Tung Bi Soc Van Hoa Khi Toi Duc Nu Du Hoc Sinh Gianh 2 Bang Thac Si Loai Gioi

Nữ du học sinh Trần Thị Mai và các bạn học tập tại Đức (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Việc đọc sách, chuẩn bị tài liệu ở nhà trước buổi học là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, giảng viên luôn bận với việc nghiên cứu, giảng dạy; tuy nhiên họ sẽ luôn dành thời gian mỗi tuần để tiếp sinh viên. Vì vậy, nếu có điều gì chưa hiểu nên đến trao đổi trực tiếp với giảng viên hoặc gửi email, thay vì chỉ im lặng”, chị Mai chia sẻ.

“Nếu mình là người thông minh nhất trường mà không dám nói ra ý kiến của mình thì sẽ không ai biết mình thông minh cả. Hơn nữa, mình đang là sinh viên nên hoàn toàn có quyền nói sai”, câu nói của một vị giáo sư tại hội thảo ở Berlin đã khiến chị thay đổi hoàn toàn trong phương pháp học, tự tin hơn rất nhiều.

Làm thêm tại nước Đức

Chia sẻ về khó khăn trong việc tìm kiếm công việc làm thêm, chị Mai cho biết, thời gian đầu mới sang, chị dành toàn bộ thời gian cho việc học. Sau khi học xong 1 kỳ, chị mới bắt đầu đi tìm kiếm các công việc làm thêm.

Phần lớn du học sinh Việt Nam tại Đức thường làm thêm tại các cửa hàng, siêu thị, khách sạn. Tuy nhiên, những công việc này chiếm phần lớn khá nhiều thời gian, thường làm đến 11-12 giờ đêm, thời gian này là tương đối muộn để chuẩn bị cho buổi sáng ngày hôm sau học.

Sau khi hỏi thăm và tìm kiếm, chị có làm thêm tại một cửa hàng Sushi của người Việt tại Đức. Công việc chính ở đây là đứng ở quầy bar để rót nước cho khách và để chia đồ ăn lên trên một cái quầy.

Đây được cho là công việc khá nhẹ nhàng và kết thúc sớm vào khoảng 9 giờ đến 9 giờ 30 tối. Một tuần, chị Mai làm thêm 2 buổi tối nên vẫn cân bằng được, đảm bảo thời gian ổn định cho học tập.

Một tháng sau khi nhận công việc tại nhà hàng, chị bắt đầu nhận thêm một công việc mới tại trường đại học là trợ lý sinh viên cho chương trình Thạc sĩ Kinh tế học Trung đông.

Các trường đại học ở Đức thường hay nhận sinh viên vào để làm trợ lý sinh viên tại các khoa khác nhau hay các chương trình Thạc sĩ khác nhau.

Công việc trợ lý sinh viên là một công việc tốt để cho những bạn có hướng sau này lên nghiên cứu sinh tiến sỹ hoặc về công việc nghiên cứu phía sau thì có thể chú ý để tìm những công việc này .

Những công việc này sinh viên phải hỏi trực tiếp giáo sư khi nào họ cần, họ sẽ báo với mình, sau đó mình có thể nộp hồ sơ, nơi nào nhận thì mình làm. Theo chị, công việc này là công việc bàn giấy nên nó nhẹ nhàng và thu nhập cũng tương đối tốt.

Người Đức luôn thẳng thắn, đúng giờ và kỷ luật

Sau khoảng 1 năm sinh sống tại Đức, Mai mới dần thích nghi với văn hóa tại đây. Theo Mai, người Đức rất thẳng thắn và thật thà. Nếu chúng ta tặng một món quà mà họ cảm thấy không phù hợp, thì họ có thể hỏi lại chúng ta là liệu có muốn nhận lại món quà ấy về dùng không?

Bên cạnh đó, người Đức có những tính cách rất nổi bật là nguyên tắc, đúng giờ, kỷ luật, trách nhiệm... tất cả đều như vậy, tạo nên một xã hội mạnh mẽ. Họ luôn lên kế hoạch cụ thể cho bất kì cuộc hẹn nào. So với môi trường làm việc tại Việt Nam, người Đức rất rõ ràng giữa công việc và đời tư. Họ thường nói chuyện với nhau về vấn đề chính trị, kinh tế hơn là về đời sống riêng.

“Người Đức hẹn rất đúng giờ. Nếu bạn đến muộn 2 phút, cũng sẽ được coi là đi muộn. Điều này rất khác so với thói quen tại Việt Nam và nhiều nước khác”, chị Mai chia sẻ.

Theo chị Mai, để thích nghi nhanh với cuộc sống tại Đức, điều quan trọng là phải có những người bạn để mình cùng sẻ chia, cùng tâm sự. Nhờ có sự đồng hành của một số người bạn nước ngoài mà Mai đã nhanh chóng vượt qua thời gian khó khăn ban đầu để dần thích nghi với cuộc sống bên Đức.

Hiện tại, chị Mai đang là chuyên gia về Dữ liệu và Ứng dụng trong phòng "Giá Toàn cầu" (Global Pricing Team), tại tập đoàn hóa dược phẩm Merck KGaA, một trong 10 tập đoàn hóa dược lớn nhất ở Đức.

Chia sẻ về lý do định cư ở Đức sau khi học Thạc sĩ, chị Mai cho hay, một phần là do chị muốn thử sức làm việc ở một môi trường mới và môi trường làm việc tại Đức khá phù hợp với tính cách của chị.

“Mình luôn tạo ra nhiều cơ hội cho bản thân mình. Sau khi làm một thời gian tại Đức với thu nhập ổn định, mình quyết định nộp hồ sơ làm việc tại đây và hiện nay đã có gia đình nhỏ tại Đức”, chị Mai tâm sự.

Theo giaoduc.net.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày