Ngày đầu làm vợ của người phụ nữ Việt ở Đức
Khi người ta hạnh phúc thì tất cả những cái khác chỉ là phụ không tên tuổi hay danh vọng, gầy hay béo, có tiền hay không có tiền nói cho đúng khi yêu nhau người ta chỉ cần có nhau vậy là đủ.
Từ 1993 đến giữa năm 1996 chúng tôi ở chung với bố mẹ Tilo, 3 đứa có 2 phòng trên tầng 3, 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, 2 Toilete và bếp núc dùng chung vì tôi nấu là chủ yếu.
Khi chung nhà bao giờ cũng nảy sinh nhiều vấn đề dù muốn hay không, nên ai có thể ở riêng thì nên ở riêng ngay từ đầu đỡ mất lòng và tránh đuợc phiền toái.
Bây giờ ông bà chỉ muốn vợ chồng tôi về ở chung, nói sang tên cho chúng tôi căn nhà của ông bà nhưng nói thật là không bao giờ tôi mắc phải sai lầm này một lần nữa. Dù có tốt đến mấy mỗi người có một cách suy nghĩ, hành động khác nhau không ai giống ai và không phải ai sống cũng biết ý nên lục đục có thể xảy ra từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Truớc khi sang tôi hỏi mẹ tôi cần bao nhiêu để trả hết nợ, mẹ nói 2000 $ – 2000 $ ngày ấy không phải là nhỏ, căn hộ cạnh nhà tôi vợ chồng em trai tôi mua cũng chỉ mất 8000 $ năm 1998 – 1999 gì đó. Thời gian này mẹ Tilo quản lý tài khoản và tiền nong cho Tilo, tôi nói phải đút lót 2500 $ đi sang Đức, giờ phải trả nên Tilo bảo mẹ đưa tiền để tôi gửi về nhà. Dạo đó các dịch vụ chuyển tiền về Việt nam cũng chưa nhiều, chúng tôi phải trực tiếp lên Berlin mới gửi đuợc.
Tilo hồi đó cũng đi làm cho ông cậu cùng bố, tôi ở nhà làm tất cả mọi việc, nấu nuớng, lau chùi, dọn dẹp, giặt giũ chả thiếu thứ gì. Sáng tôi đưa con đi nhà trẻ, sau giờ ngủ trưa khoảng 15 giờ tôi đón con, chờ đến chiều chồng tôi đi làm về.
Khi Tilo còn độc thân chồng tôi nộp mỗi tháng 300 DM tiền ăn, chúng tôi sang trả 500 DM một tháng, ngoài ra là một nửa tiền điện, nuớc, rác, cuớc điện thoại khi tôi gọi về nhà và cả một nửa tiền thuê bao điện thoại là khoản nhà nào cũng phải trả mẹ chồng tôi cũng chia đôi. Số tiền điện thoại khi Tilo gọi cho tôi lúc còn ở nhà lên tới gần 1500 DM, giá 1 phút điện thoại về Việt nam trực tiếp là 2,70 DM, không rẻ và thuận lợi như bây giờ.
Chị My Nga Kießling và chồng ngày ấy
Tôi ngày ấy vẫn nhiễm cách nghĩ của người Việt nam, nghĩa là nhịn và làm không kêu ca một lời vì nghĩ mình là con dâu, làm đuợc thì làm, song đó là một sai lầm.
Con người ta thuờng quen đi rất nhanh khi đuợc phục vụ, khi có nguời dọn dẹp thì ai cũng dễ dàng quăng ra và nghiễm nhiên chờ đợi mọi thứ đuợc dọn đi, thức ăn đuợc bày trên bàn hay quần áo đuợc giặt sạch gấp lại để đó.
Ngoài Tilo và mẹ chồng tôi, bố và hai đứa em bày bừa suốt ngày làm tôi nhiều lúc mệt mỏi nhưng cũng không nói gì, tôi nhịn.
Khoảng chừng tháng ruỡi sau ngày cuới tôi đau bụng tối mặt tối mũi nhưng không nghĩ có gì quan trọng nên nằm trên ghế Sofa trong phòng khách, hy vọng cơn đau qua đi.
Mẹ chồng tôi nấu ăn xong bảo Tilo gọi tôi qua ăn, ăn đi là hết đau, mọi người bảo vậy. Tôi lò dò sang vừa ngồi vào bàn thì thấy tối tăm mặt mũi, ngã xoài xuống rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy tôi thấy tôi đang nằm trong phòng khách và bác sĩ cũng vừa tới. Sau khi khám, bác sĩ bảo tôi phải đi viện ngay, nguy cơ chảy máu trong. Tilo không muốn gọi xe cấp cứu nên chở tôi đi bệnh viện Riesa cách nhà chừng 25 km.
Tới viện tôi đuợc đưa ngay vào phòng cấp cứu rồi họ đẩy tôi lên tầng trên cùng tới phòng mổ. Tôi nhớ mang máng là họ luồn một cái ống có gắn Kamera qua rốn soi bụng, nói chậm vài tiếng là nguy hiểm đến tính mạng vì đã chảy nửa lít máu trong bụng rồi, phải mổ ngay.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trên giưòng bệnh, Tilo ngồi kề bên, mặt đầy lo lắng và ân hận vì đã không đưa tôi đi bác sĩ sớm hơn, nhưng đúng ra tôi cũng không nghĩ là sự việc nghiêm trọng đến thế.
Bác sĩ bảo một buồng trứng của tôi bị cắt buồng trứng bên kia chỉ còn 1/3, có thể tôi sẽ không có con đuợc nữa nhưng cũng may là chúng tôi đã có 1 bé rồi.
Lúc đó đã tối nên tôi giục Tilo về với con, có thuốc giảm đau và mất nhiều máu nên tôi cần ngủ. Tilo sau giờ làm việc thuờng đưa con vào thăm vợ, bố mẹ chồng thi thoảng cũng vào thăm tôi. Mấy ngày đầu vì yếu không đi lại đuợc nên họ treo lủng lẳng 2 bên giuờng 1 bên túi chứa máu, một bên là túi có ống nối thẳng vào bàng quan, hàng ngày y tá đỡ tôi ngồi dậy để xoa lưng cho máu lưu thông.
Tôi nằm viện 8 ngày từ 27.3 đến 05.04.1993 thì họ cho về với điều kiện phải nghỉ ngơi giữ sức khoẻ.
Về đến nhà cả nhà vẫn đi làm hết nên tôi nhúc nhích dậy nấu ăn cứ kê cái ghế ra truớc bếp, chóng mặt lại nghỉ nhưng không ai biết đấy là đâu mọi người coi đó là nghiễm nhiên tôi tủi thân lắm.
Bố mẹ chồng tôi không phải không tốt, nhưng ông bà vô tình, không nghĩ ngợi và biết ý như người Việt. Nhiều lúc sòng phẳng đỡ mệt, nhưng lúc ốm đau người ta hay chạnh lòng, tôi nhớ nhà, nhớ Ngoại và bố mẹ tôi vô cùng.
Ngẫm ra ở đời chẳng có gì là trọn vẹn lấy chồng ở bên chồng thì nhớ gia đình bố mẹ lúc ở nhà thì lại nhớ chồng có con con lớn ra khỏi nhà lại nhớ con chẳng bao giờ thảnh thơi hết đuợc.
My Nga Kießling
(Anh Tilo là chồng của chị My Nga Kießling)
© 2024 | Thời báo ĐỨC