Giàu sang, lắm tiền của vẫn không phải là người có phúc, hoá ra nguyên nhân là đây

Đời ngời, truy cầu tiền bạc cũng như tìm đường trong đêm tối, ai cũng muốn tới đích nhưng loay hoay chẳng biết cách nào. Bởi giàu sang, phú quý là tại Trời, là Trời ban, cưỡng cầu vô ích. Mà tiền tài ấy không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Vì sao ư?

Phú quý tại mệnh

Từ Nhạc Ngô (1886-1949) là một nhà tướng số nổi tiếng Trung Quốc, am hiểu dịch lý, từng viết rất nhiều sách. Tương truyền, ông từng tự tính được số cho chính mình: “Thọ mệnh ta tới năm Bính Tuất 61 tuổi, Đinh Hợi 62 tuổi là mất. Nếu như qua khỏi thì sẽ kéo dài tới năm 63 tuổi, tuyệt đối không thể sống đến tuổi 64”.

Quả nhiên sau đó Từ Nhạc Ngô bị bệnh tim, mất năm 63 tuổi, ứng hợp với lời tiên đoán trước đó. Trong “Luận Phú Mệnh”, Từ Nhạc Ngô từng nói: “Phú quý là điều mà người thường ai cũng mong muốn. Nhưng phú quý cả đời thì trăm người khó có được một. Có người cả đời nghèo khó, có người nghèo trước giàu sau, có người thì giàu trước nghèo sau. Trên đời thử hỏi mấy ai trước sau như một, cả đời giàu có?”.

132 1 Giau Sang Lam Tien Cua Van Khong Phai La Nguoi Co Phuc Hoa Ra Nguyen Nhan La Day

Bởi vậy mới nói giàu sang có số, dù dùng trăm phương nghìn kế cưỡng cầu cũng không được, ngược lại có khi còn rước họa vào thân. Từ Nhạc Ngô cũng nói: “Đối với những chuyện dựa vào may rủi như bốc thăm trúng thưởng, cá cược hay chơi vé số, tôi trước nay chưa một lần thử bởi tôi biết số mệnh của mình không được giàu sang“.

Những lời này của Từ Nhạc Ngô được viết từ năm 1939, cách nay đã gần 80 năm nhưng vẫn còn đầy tính thời sự. Những tham quan bòn rút quốc khố, túi tiền của nhân dân, những thương nhân buôn gian bán lận, những kẻ lừa lọc, lợi dụng niềm tin người khác mà vét cho đầy túi tham… hầu như chẳng ai có được kết cục tốt đẹp. Trăm năm qua đi rồi, tiền bạc chỉ còn là giấy lộn mà thôi, có đúng vậy không?

Tài mệnh không cân xứng, có tiền bạc mà hao tổn phúc

Người xưa cho rằng, nếu sự giàu có của một người không tương xứng với số mệnh của họ thì cái giàu đó chẳng thể bền vững. Trong các sách tướng số xưa cũng hay giảng: “Tiền nhiều mệnh mỏng thì thân tự suy, trong cuộc sống làm gì cũng không thành” hay như: “Mệnh mỏng tiền nhiều lực bất thắng, thăng quan hoá quỷ phản hại mình”…

Nếu vận mệnh của một người đã được định sẵn là không có số giàu sang nhưng họ vẫn thông qua các mối quan hệ, thủ đoạn, thậm chí là mưu mô cưỡng đoạt mà có thì sinh mệnh của họ hấp thụ không nổi, sớm muộn cũng phải mất đi. Nói một cách hình ảnh, nó tương tự với việc ăn no quá hóa bội thực, dạ dày chỉ chứa được 2 bát mà cứ ăn cố 3 bát cuối cùng vẫn là phải rửa ruột, tống khứ ra ngoài. Mà tống khứ không kịp thì có thể còn phải bồi thường bằng chính sinh mạng của mình nữa.

Những tham quan nổi tiếng nhất lịch sử, giàu nứt đố đổ vách xưa nay đều chịu chung số phận nghiệt ngã. Lúc còn sống thì ngựa xe nghênh ngang, ra vào khệnh khạng nhưng khi phải đứng trước công lý và sự thật tất cả đều thật đáng thương. Hòa Thân là một tham quan nổi tiếng cổ kim. Ở vào thời điểm cực thịnh của mình, ông ta đã tích lũy được một gia sản khổng lồ, bao gồm: 3.000 phòng (phòng trọ, dinh thự), 8.000 mẫu đất (tương đương 32km2), 72 ngân hàng, 75 hiệu cầm đồ, 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1 thỏi = 1000 lạng vàng), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa, 9 triệu thỏi bạc nhỏ, 58.000 cân tiền ngoại, 1,5 triệu đồng tiền xu…

Thế nhưng khi Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi, vận mệnh của Hòa Thân mau chóng suy tàn. Ông bị khép tội tham ô, gia sản bị tịch biên, được ban cho dải lụa trắng để tự vẫn. Dải lụa trắng dài 3 mét ấy chính là tài sản duy nhất Hòa Thân để lại bên mình trong phút từ giã cõi đời, bao nhiêu bạc vàng châu báu đều biến thành hư ảo cả.

Cái kết bi thảm của Hòa Thân và rất nhiều kẻ tham lợi quên nghĩa đều là bởi tài và mệnh không cân xứng mà tạo thành. Đức mỏng mà lại muốn phát tài lớn thì tất là hành ác hại người, sớm muộn cũng gặp quả báo vậy.

Tài lộc vượt khỏi định số thì tổn thọ

Một người nếu hưởng phúc phận vượt quá khỏi định số của mình thì cũng phải chịu kết cục không tốt đẹp, tổn phúc báo, mất dần thọ mệnh. Vào những năm Tống Huy Tông niên hiệu Đại Quan (1107-1110) tại Túc Châu, một người họ Tiền có em sống ở phủ Thái học trên kinh thành. Đương khi đó vào mùa xuân, trong lúc thư nhàn đợi ứng thí, hai anh em liền đến Ngọc Tân viên dạo chơi.

Khi đó, họ bất ngờ gặp ba đạo sĩ đến làm quen cùng đàm đạo. Ba người đạo sĩ trán cao mày rộng, giọng nói du dương khiến người nghe không khỏi say lòng. Sau một hồi nói chuyện, ba đạo sĩ xin phép cáo từ, lúc rời đi nói: “Chúng tôi có một ít rượu quý muốn mời hai vị thưởng thức nhưng nay trời đã xế chiều không còn sớm nữa. Trưa ngày mai mời hai vị đến đây chúng ta cùng nhau vừa đàm đạo vừa thưởng rượu ngon. Nếu đến muộn thì sẽ không gặp được chúng tôi”. Hai anh em họ Tiền thấy vậy bèn đồng ý. Lúc này lại có một đạo sĩ cười nói: “Nếu như hai vị đến muộn thì có thể đào đất tìm tôi”. Hai anh em họ Tiền cho rằng đó là lời nói đùa nên cười lớn cáo từ.

Sang ngày hôm sau, vì có vài việc ngoài ý muốn nên mãi tối muộn hai anh em mới tới hoa viên. Đến chỗ hẹn chỉ thấy thức ăn thừa bày lại ở đó, còn các đạo sĩ không thấy đâu cả. Trong lòng cảm thấy thất vọng, người em liền nói: “Có lẽ nào họ là tiên nhân?”, bèn đào đất lên thử xem sao. Sau khi đào được hơn một gang thì thấy một cái bình bằng đá, mở ra lại có bức tranh vẽ ba đạo sĩ giống hệt những người đã gặp hôm qua. Ngoài ra còn có một cuốn sách dạy thuật luyện kim, hướng dẫn cách luyện thủy ngân thành bạc trắng. Người em nói: “Sư huynh lấy sách còn đệ lấy bức tranh này về nhà thắp thương thờ”. Người anh vui vẻ đồng ý.

Sau khi có kết quả ứng thí, người em đỗ đạt ở lại làm quan còn người anh thì trở về Túc Châu. Khi về nhà, người anh thử luyện kim theo phương pháp trong sách dạy. Kết quả cho ra đều hoàn toàn chính xác, không đầy mấy năm thì anh ta mua được đất đai vạn mẫu, trở thành Tiền đại phú gia.

Một ngày nọ, Tiền đại phú gia đang ngồi nghỉ trong nhà thì người hầu vào bẩm có ba đạo sĩ muốn tìm. Sau khi gặp mặt, một đạo sĩ nói: “Sự việc xưa kia ở Ngọc Tân viên ông còn nhớ không? Ông có được tiên phương của chúng tôi, không lấy tiền giúp đỡ người nghèo, ngược lại còn tham lam vô độ, một mình độc hưởng. Một người mà có được của cải quá nhiều, vượt qua khỏi định số của mình thì trời sẽ phạt, cắt giảm tuổi thọ của người đó. Bây giờ ông hối hận sửa đổi vẫn có thể kéo dài được thọ mệnh 3 năm, bằng không, ông không nghe theo thì sớm muộn cũng chết bất đắc kỳ tử. Ta vì tiết lộ thiên cơ nên bị giáng làm người phàm, sau này sẽ đến làm chủ gia đình ông”.

Sau khi đạo sĩ rời đi, Tiền đại phú gia bàng hoàng tỉnh ngộ, lập tức đem sách đi đốt, phá bỏ lò luyện kim, đóng của hiệu cầm đồ không làm nữa. Sang ngày thứ hai, thấy có một tiểu đạo sĩ đến, vừa vào trong nhà chưa kịp ngồi thì nghe người hầu chạy ra bẩm báo phu nhân vừa sinh hạ thiếu gia. Tiền đại phú gia chạy vào nhà trong xem, khi việc xong xuôi Tiền đại phú gia quay lại tiếp khách thì không thấy tiểu đạo sĩ đâu. Hỏi người hầu thì không ai biết cả. Thì ra tiểu đạo sĩ nọ đã đầu thai làm đứa con mới sinh của ông. Đúng như lời nói trước đó, sang năm thứ 3 thì phú gia họ Tiền qua đời.

***

Quần áo chẳng phải càng rộng càng tốt, mặc lên phải vừa vặn vóc dáng mới là đẹp. Cũng như vậy, tiền tài không phải càng nhiều càng tốt, phải hợp với vận mệnh của mình mới là tốt. Nghĩa là đời này người ta có bao nhiêu tiền, giàu sang độ nào đều là đã có tự trong an bài của Trời.

Nhiều người cứ không chịu hiểu rõ, cho rằng tiền bạc có được là do không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Thực ra cái “nỗ lực” cũng có thể mang về lợi lộc cho họ nhưng rất có thể đã làm tổn hại người khác, gây nghiệp báo. Như vậy, giàu sang ấy có ích gì, bạc tiền ấy có nghĩa chi đây?


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày