70 tuổi bạn không nên hi vọng vào 5 điều

Có câu nói: “Càng hy vọng càng dễ thất vọng. Nâng mình lên cao, rơi xuống càng đau”. Thà ở chỗ thấp ngay từ đầu thì ít nhất luôn được sống một cuộc đời ít thăng trầm.

1 70 Tuoi Ban Khong Nen Hi Vong Vao 5 Dieu

Sau khi bước sang tuổi 70, tôi nhìn lại những ước mơ mà mình đã có khi còn trẻ và thấy rằng nhiều trong số đó là viển vông và tốt hơn hết là nên từ bỏ chúng

Sau một quá trình dài trải nghiệm, tôi đã thôi không đặt nhiều hy vọng vào 5 điều sau đây:

1. Không quá tin vào câu “có nhiều con thì có phúc”

Có con là niềm hạnh phúc lớn nhất, nếu có nhiều con, tương lai ít nhất sẽ có một đứa có triển vọng. Khi một người già đi, nhiều con thay phiên nhau hỗ trợ, điều này khiến họ giảm bớt áp lực và sẽ nhận được sự báo hiếu từ nhiều khía cạnh hơn. Với lý tưởng này, ông bà nội của tôi đã đẻ đến 7 người con.

Sau khi ông nội tôi qua đời, bà nội tôi sống một mình hơn 10 năm. Mãi cho đến khi không thể đi lại được nữa, bà mới phải nhờ cậy đến con cháu. Mấy cô chú cùng nhau bàn bạc cách xoay xở những ngày cuối đời của bà.

Các cô của tôi nói: “Tôi là phụ nữ đã có gia đình, thuyền theo lái gái theo chồng, các anh con trai nên chăm bà nhiều hơn, tôi phụ được bao nhiêu thì phụ”. Ông bác cả nói: “Tôi cũng ốm nặng, đến bản thân còn lo không xong”. Chú ba đã qua đời, mợ ba nói: “Chồng tôi đã mất, cảnh nhà cửa côi cút, công việc ngổn ngang, lại không có lương hưu, có thể tự lo cho mình là tốt rồi”. Chú tư đi ở rể nhà người khác nên không dám nói gì.

Cha mẹ già có thể có nhiều con, nhưng vấn đề là tất cả đều có gia đình nhỏ của mình nên khó tránh khỏi sự ích kỷ. Họ có thể lôi hoàn cảnh ra để so sánh và đẩy khéo trách nhiệm.

Từ thời điểm đó tôi ngày càng hiểu rằng, tôi phải dựa vào chính mình, tự lo liệu và chu cấp cho mình. Ít nhất về mặt tài chính, nếu có tiền tiết kiệm thì con cái chỉ phải đóng góp một chút thì việc nuôi cha mẹ già sẽ không quá khó để phân xử đến thế.

Nhiều con quả thực có phúc, tuy nhiên, chúng ta không nên dựa vào đó mà chủ quan, ăn tiêu hoang phí. Đến già nếu có chút tiền do lao động chăm chỉ và tiết kiệm thì bản thân đỡ lo nghĩ, con cái cũng dễ bề chăm sóc.

2. Không còn nghĩ rằng “tình yêu lúc xế chiều nào cũng là tình yêu đích thực”

Người ta thường nói: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, câu nói này có phần chân lý, nhưng cũng có điều kiện thực tế.

Ở tuổi trung niên, nếu một người tái hôn và chăm sóc chu đáo cho con của người bạn đời mới và con chung thì gia đình có thể sẽ dần tốt đẹp hơn. Về già, họ vẫn có thể tận hưởng sự chăm sóc của con cái. Nhưng khi một người đã 60, 70 tuổi mà mất vợ thì sẽ khó tìm được một người bạn đời lý tưởng để duy trì sự hòa hợp.

Lúc này, con cái trong nhà đã lớn, việc ông già lấy vợ sẽ có sự phản đối. Tình yêu lúc xế chiều là một giao dịch. Chẳng hạn, cô ấy chỉ đồng ý với người đàn ông sau khi ông ta tặng cô căn nhà của mình hoặc cho cô đứng tên các tài sản thừa kế khác.

Điều đáng sợ hơn nữa là trong một số mối quan hệ chạng vạng, con cái của một số người đang học đại học và phải chi rất nhiều tiền. Khi đó, họ đến với một người để cùng họ nuôi con học đại học. Sau khi con cái phương trưởng, họ vứt bỏ mối quan hệ để đi theo con.

Một số người già không có lương hưu sẽ tìm một người già có lương hưu để dựa vào. Thời điểm này, tiền quan trọng hơn tình cảm. Họ đều là những bộ xương già, họ ít tin vào tình yêu đơn thuần và trông đợi nhiều hơn vào việc bảo vệ lợi ích vật chất.

3. Không quá coi trọng nhà cửa

Sau khi đã 70 tuổi, một khi không thể đi lại được nữa, chúng ta thường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải giải quyết quyền thừa kế. Con cái sẽ tranh giành nhà, nhưng người được nhà chưa chắc đã muốn chăm sóc cha mẹ già. Nếu một ông già trao thừa kế cho người ngoài thì con cái của họ sẽ rất bất hạnh.

Cũng có khả năng người già được gửi vào viện dưỡng lão và không thể sống tại nhà riêng của mình. Ngôi nhà cũng không còn thuộc về họ. Cuối cùng tôi phát hiện ra rằng, ngôi nhà cũng là vật ngoài thân, khi sống chỉ ở một phần, khi chết không thể mang đi được.

4. Không theo đuổi “trường thọ và nhiều phước lành”

Có người nói, chỉ cần có lương hưu, sống trăm năm thì trăm năm hạnh phúc. Trên thực tế, sau khi một người mất đi sức khỏe, hạnh phúc cũng dần biến mất. Đặc biệt là khi họ đang dần trút những hơi thở cuối cùng, sống thêm một ngày là một ngày cảm thấy đau khổ. Và khó có người con hiếu thảo trước bệnh tật lâu ngày.

Khi nằm xuống, bạn cảm thấy khó chịu và phải làm phiền con cái. Trước khi bạn ra đi, con cái sẽ chăm sóc cho bạn. Nhưng sau một thời gian dài, con cái không thể chăm sóc bạn toàn thời gian. Chúng còn phải làm việc trang trải sinh hoạt và nuôi dạy con cái.

Nếu con cái không có tiền, truyền thống gia đình không được tử tế thì người già đau ốm chính là gánh nặng.

Hãy sống tốt mỗi ngày và đừng theo đuổi tuổi thọ bằng việc cầu cúng và uống nhiều thuốc bổ. Vui vẻ từ trong tâm hồn, điều này sẽ khiến bạn hạnh phúc từ bên trong.

5. Không tùy tiện lựa chọn “về quê nghỉ hưu”

Nhiều người già có ý tưởng “lá rụng về cội”, nhưng đa số họ không thể trở về quê hương. Đặc biệt là những người lớn tuổi sinh ra ở nông thôn đều cảm thấy tuổi thơ của mình quá đẹp và con người miền quê thì ngọt ngào, nhân hậu.

Nếu về sống ở nông thôn, bạn có thể nuôi gà, cũng có thể trò chuyện với hàng xóm. Khi không có việc gì làm, bạn cũng có thể tham gia các cuộc vui giản dị.

Nhưng những người xa xứ nhiều năm sẽ cảm thấy đủ mọi bất tiện khi về quê: giao thông đi lại bất tiện, thực phẩm không đa dạng, có việc khẩn cấp thì không dễ gọi xe; môi trường sống không tốt lắm, khắp nơi đều có chuột và bọ; những ngôi nhà cũ cần phải sửa chữa, chi phí cũng không hề nhỏ; hàng xóm cũ hầu hết đã chuyển vào thành phố nên mọi thứ đều vắng vẻ; dù quê hương, nhưng xung quanh cũng đều là người lạ, v.v.

Làm nông cũng là một công việc vất vả và nếu không quen với môi trường và nguồn nước, bạn có thể không làm tốt được. Một trang trại thực sự không phải là một nhà nghỉ chỉ cần phục vụ bữa sáng. Ở đây vài ngày thì rất sảng khoái, nhưng ở đây một, hai tháng thì không còn vui nữa. Liệu bạn có thể tất bật dọn chuồng gà, làm cỏ vườn và cho bò ăn cỏ mỗi ngày hay không?

Cảnh quê có thể vẫn đẹp nhưng phong tục, tập quán đã thay đổi, việc chăn nuôi cũng không dễ dàng như bạn tưởng.

Khi mọi người già đi, họ cần thay đổi “hy vọng” của mình và học cách để mọi chuyện diễn ra theo tự nhiên. Sống một cuộc sống bình lặng, đơn giản, và buông bỏ những ý tưởng không thực tế.

Hãy trân trọng những người xung quanh nhưng đừng khăng khăng đòi hỏi sự vĩnh cửu của mối quan hệ, mọi người có thể sum họp và giải tán một cách tự do.

Thay vì cầu trời khấn Phật cho sức khỏe, người già nên tu trì đạo đức, tự rèn luyện thân thể, chú ý đến những thay đổi trong cơ thể để điều chỉnh thích hợp và chấp nhận quy luật sống chết. Hãy đối xử tốt hơn với con cái, còn việc chúng có hiếu thảo hay không thì phải dựa vào lương tâm mỗi người. Sau 70 tuổi, thà đặt hy vọng vào chính mình thay vì trông cậy vào người khác. Bạn nên sống thật tốt và hạnh phúc ngay bây giờ.

Nguồn: Aboluowan


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày