Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng sớm nhất phải đến đầu năm 2021, vaccine ngừa đại dịch COVID-19 mới có thể được đưa vào sử dụng, hãng tin Reuters cho hay.
Có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu vaccine, nhưng vẫn cần thêm thời gian
Ngày 22-7, Giám đốc điều hành Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cho biết các nhà khoa học đang “đạt được những tiến bộ tích cực” trong cuộc đua tìm ra vaccine ngừa COVID-19.
Nhiều vaccine tiềm năng đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và tất cả những ứng viên vaccine này đều cho thấy tính an toàn và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch, ông Ryan cho biết thêm.
Giám đốc điều hành Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan. Ảnh: EPA/EFE
Tuy nhiên, đại diện của WHO cũng thừa nhận rằng phải đến giai đoạn đầu của năm 2021, thế giới mới có thể bắt đầu đưa vaccine ngừa COVID-19 vào tiêm chủng cho người dân.
WHO khẳng định tổ chức này đang làm việc với các bên để gia tăng quy mô sản xuất các loại vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả và đảm bảo vaccine được chia sẻ công bằng giữa các nước.
Ông Ryan nhắc lại rằng vaccine ngừa COVID-19 là một “hàng hóa toàn cầu”, tức là vaccine dành cho tất cả mọi người, bất kể họ là người giàu hay người nghèo.
Về các nỗ lực khôi phục nhịp sống bình thường, ông Ryan các trường học cần thận trọng khi mở cửa trở lại. Trong đó, điều kiện tiên quyết là chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng phải được kiểm soát.
“Chúng ta phải làm mọi việc có thể để đưa con em chúng ta trở lại trường học và điều hiệu quả nhất chúng ta có thể làm là ngăn chặn dịch bệnh trong cộng đồng”, ông Ryan nói.
Mỹ chi gần 2 tỉ USD để cung cấp vaccine miễn phí cho người dân
Ngày 22-7, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Alex Azar tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ trả gần 2 tỉ USD để mua 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) vào tháng 12 tới, theo đài Fox News.
Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar. Ảnh: AP
Ông Azar cho biết Nhà Trắng có thể chi tiền để mua thêm 500 triệu liều vaccine khác, miễn là vaccine của Pfizer đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả, cũng như được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Về phía mình, Pfizer xác nhận đã đạt được thỏa thuận với Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh và Bộ Quốc phòng Mỹ về việc bán loại vaccine do công ty này và đối tác BioNTech (Đức) phát triển. Đây là một trong bốn ứng viên vaccine mà Pfizer đang nghiên cứu thử nghiệm.
Hãng dược Mỹ cho biết giá trị chính xác của hợp đồng 100 liều vaccine đầu tiên là 1,95 tỉ USD và loại vaccine này sẽ được dùng trong chương trình tiêm chủng miễn phí cho người dân Mỹ.
Trong cùng ngày 22-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi hợp đồng với Pfizer là một thỏa thuận “lịch sử” và nước Mỹ đang “tiến rất gần tới thời điểm có được vaccine” ngừa COVID-19.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ (Mỹ) Frank Pallone lo ngại rằng Nhà Trắng có thể tạo áp lực buộc FDA cấp phép cho các vaccine ngừa COVID-19 dù chưa chắn chắc được tính hiệu quả.
Ông Menelas Pangalos, Phó Giám đốc điều hành hãng dược Anh AstraZeneca – công ty sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 do Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu – phản bác quan điểm của ông Pallone, cho rằng công ty này sẽ không bắt tay sản xuất nếu vaccine chưa chứng minh được sự hiệu quả.
Ông Pangalos cũng cho rằng tất cả các cơ quan quản lý mà AstraZeneca làm việc cùng trong quá trình nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 đều “không hạ thấp tiêu chuẩn”.
Tính đế 7 giờ sáng 23-7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 15.363.600 ca nhiễm COVID-19, bao gồm gần 278.400 ca tử vong. Trong đó, Mỹ là ổ dịch lớn nhất với gần 4,1 triệu ca nhiễm và hơn 71.100 ca tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometers. (734 từ)
Nguồn: plo.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC