Việt Nam có một nguồn tài nguyên thuốc nam phong phú, trong đó có rất nhiều vị thuốc có tác dụng giải nhiệt được dân ta quen dùng như Rau má, Diệp hạ châu (Chó đẻ răng cưa), Diếp cá… Những vị thuốc này còn được gọi với tên chung là thuốc thanh nhiệt, mát gan… Ngoài việc giải nhiệt bằng những vị thuốc có tính mát, lạnh thì nhiều người còn có thói quen sử dụng những thức uống có thể chất mát lạnh như nước đá, bia hơi, trà đá… Tuy nhiên việc giải nhiệt này theo một số thầy thuốc Đông y lại mang đến những tác hại không nhỏ.
Mùa hè: Cơ thể bên ngoài nóng nhưng bên trong lại rất lạnh
Ảnh: wordpress.com
Âm dương là quy luật tự nhiên được người xưa ứng dụng từ lâu đời. Theo người xưa, trời đất có khí âm và khí dương. Vào mùa Đông khí dương là khí ấm được bế tàng ở dưới thủy và thổ, khi ấy tiết trời lạnh giá nhưng dưới biển hay nước giếng lại ấm áp. Ngược lại vào mùa hè, khí dương thăng phát, người ta sẽ thấy xuất hiện sấm sét, thời tiết oi bức mà nước biển, nước giếng lại rất mát.
Cơ thể con người là một vũ trụ thu nhỏ, cũng có âm dương, có biểu (phần bên ngoài) và lý (phần bên trong). Cũng như ngoài trời đất, cơ thể người vào mùa đông, dương khí tiềm tàng, phần bên ngoài con người thường là lạnh nhưng thực chất phần bên trong thường lại nóng, ngược lại vào mùa hè, dương khí thăng phát, phần bên ngoài thường nóng mà phần bên trong thực lại thường lạnh.
Thuốc giải nhiệt đa phần là mát, lạnh
Giải nhiệt mùa hè chúng ta thường chọn thức uống mát lạnh. (Ảnh: vietnamnet.vn)
Những vị thuốc giải nhiệt thường có tính mát, lạnh, là những thuốc có tác dụng tả hỏa (làm vơi bớt hỏa nhiệt đi). Theo Đông y khi có bệnh hư nhược thì cần phải bổ, còn khi có bệnh thực (có tà khí) thì mới cần tả, mà nhiều thầy thuốc từ xưa vẫn cho rằng 10 người thì 9 người hư (thập nhân cửu hư). Khi dùng phép công tả thì cũng chỉ dùng đến khi vừa đủ rồi phải chuyển sang thuốc bổ. Chính vì vậy các thuốc này không phải ai cũng dùng được và nếu dùng cũng không nên dùng lâu dài, đôi khi còn cần bào chế để giảm tính mãnh liệt của thuốc.
Ngoài ra, mùa hè mang đặc tính trưởng dưỡng vạn vật, cây cối sum sê, đơm hoa kết trái. Các thuốc giải nhiệt lại thường mang theo đặc tính túc sái của mùa đông (túc sái là đặc điểm của mùa đông làm cây cối vạn vật điêu tàn, ảm đạm) ngược với đặc tính trưởng dưỡng của mùa hè. Theo sách nội kinh, mùa hè là mùa trưởng dưỡng, nếu làm trái tính trưởng dưỡng này, mùa thu sẽ dẫn đến bệnh ngược (sốt lúc nóng lúc rét), đến mùa đông thì sẽ thành trọng bệnh. Chính vì vậy mùa hè cũng không nên dùng các thuốc giải nhiệt.
Các thức uống có thể chất lạnh, khi vừa uống vào sẽ đi qua thượng tiêu. Phế là một cơ quan thuộc thượng tiêu. Dù phế thuộc hành kim, bị khắc chế bởi hành hỏa tuy nhiên phế lại rất cần hỏa cho các hoạt động của mình, đây cũng là minh chứng cho ý tương khắc mà lại tương thành trong văn hóa phương Đông. Các thức uống lạnh qua thượng tiêu trước tiên sẽ làm phế bị lạnh, từ đó ảnh hưởng đến công năng của phế mà gây ra những chứng như ho, khó thở, hen…
hẢnh: omron-yte.com.vn
Sau khi qua thượng tiêu, các thức uống mát lạnh cùng các loại thuốc giải nhiệt sẽ xuống đến trung tiêu. Trung tiêu là nơi có tỳ vị thuộc thổ, có một thứ hỏa rất đặc biệt là hỏa ở trong thổ. Thứ hỏa này chỉ giống như lửa của tàn than, rất dễ bị dập tắt nhưng lại rất quan trong trong quá trình tiêu hóa và các công năng khác của tỳ vị. Các đồ giải nhiệt ở trên khi vào trung tiêu rất dễ làm suy yếu thứ hỏa này gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của cơ thể, khiến cơ thể mệt mỏi, chân tay vô lực…
Ngoài ra, những thứ đồ giải nhiệt khi dùng nhiều, liên tục trong thời gian dài sẽ làm dương khí trong cơ thể bị suy giảm, lâu dần sẽ gây ra chứng dương hư. Đặc biệt sẽ rất nguy hiểm với người vốn có thể trạng dương hư từ trước.
Không những Đông y mà Y học hiện đại gần đây cũng phát hiện những tác dụng không tốt khi uống đồ uống có thể chất lạnh vào mùa hè. Những thứ đồ có tính chất mát lạnh cũng như có thể chất mát lạnh trừ những trường hợp được thầy thuốc chỉ định dùng trong chữa bệnh thì nói chung đều không có tác dụng bồi bổ cho sức khỏe nên không chỉ mùa hè mà cả 4 mùa đều cần hết sự hạn chế và thận trong khi sử dụng.
Thác Chi
© 2024 | Thời báo ĐỨC