Những người thực hiện chương trình đặt ra những câu hỏi hóc búa về chất lượng và độ an toàn của các loại vitamins và thuốc bổ.
Họ tìm đến các nhận định của chuyên gia, đặt câu hỏi với các bác sĩ và các nhà nghiên cứu hàng đầu, liệu các sản phẩm này có mang đến những tác dụng tốt cho người tiêu dùng.
Kết quả tìm thấy trong ngành kỹ nghệ trị giá nhiều tỉ đô la này, một số vitamins và chất bổ sung lại thực sự có thể gây hại.
Dư vitamin: tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim
“Chúng ta yêu khái niệm một viên thuốc kỳ diệu. Rằng viên thuốc đó làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Quả là hết sức quyến rũ,” bác sĩ nhi khoa Paul Offit ở Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia cho biết trong chương trình đài PBS.
Ông đặt câu hỏi tại sao mọi người lại chọn uống các loại thuốc bổ và vitamins.
“Bạn cần vitamin để sống. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có đủ vitamin từ thức ăn không? Và tôi nghĩ câu trả lời là: Có,” Tiến sĩ Offit nói.
“Rồi bạn nhìn vô chai thuốc và đọc được hàng loạt các vitamin có hàm lượng lớn hơn rất nhiều so với những gì bạn cần hằng ngày.
“Cho đến giờ có nhiều nghiên cứu cho thấy nếu bạn nạp vào người số lượng vitamin lớn, bạn đang làm tổn thương chính mình. Có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư và bệnh tim của bạn.
“Tôi nghĩ, ít người ý thức được được rủi ro mà họ đang phải đối mặt.”
"... Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu bạn nạp vào người số lượng vitamin lớn, bạn đang làm tổn thương chính mình," bác sĩ Paul Offit
Cuộc điều tra của Frontline cũng tìm hiểu khía cạnh khoa học của 3 loại vitamins và thuốc bổ thông dụng nhất: vitamin D, vitamin E, và dầu cá.
Dầu cá từ lâu là loại thuốc bổ người ta uống nhiều nhất với niềm tin viên thuốc be bé đó có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau thắt tim và các bệnh tim mạch khác.
Nhưng sau khi tổng hợp các nghiên cứu tốt nhất về dầu cá từ các tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới, nhà dịch tễ học Andrew Grey từ Đại học Auckland đưa ra lập luận hoàn toàn khác.
“Tôi nghĩ đối với bệnh tim mạch, có thể nói rằng không có bằng chứng nào thuyết phục việc uống dầu cá giúp bảo vệ cơ thể chống lại các cơn đau tim đột ngột thứ nhất, hay lần thứ hai,” Tiến sĩ Grey nói.
“Những người được khuyên nên làm điều đó (uống dầu cá chống đau tim), hoặc đang làm, đang lãng phí thời gian và tiền bạc của họ.”
Suy gan vì thuốc bổ thảo mộc
Tiến sĩ Herbert Bonkovsky là một chuyên viên điều tra làm việc trong mạng lưới tổn thương gan, chương trình do Học viện Quốc gia về Y tế của Hoa Kỳ tài trợ.
Ông bày tỏ những quan ngại của mình về những nguy hại một số thuốc bổ hay thực phẩm chức năng gây ra.
“Chúng gây ra tổn thương gan, loại phát triển nhanh nhất, theo những gì chúng tôi quan sát được trong nhóm gan bị suy yếu vì dùng thuốc. Tần suất mà chúng ta đang thấy đã tăng gần gấp ba lần trong 10 năm qua,” Tiến sĩ Bonkovsky nói.
Năm 2013, tiểu bang Hawaii ở Mỹ chứng kiến một đợt bùng phát bệnh gan, mà sau đó các quan chức y tế xác định có liên quan đến một thứ thực phẩm bổ sung cho những người tập thể hình gọi là OxyElite Pro, trong đó có chứa một hợp chất gọi là aegeline.
“Aegeline là một thành phần của cây Bael, các chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp tự nhiên đã dùng nhiều thế kỷ nay, và khá là an toàn,” Tiến sĩ Bonkovsky cho biết.
“Nhưng họ (công ty sản xuất OxyElite Pro) không sử dụng chiết xuất từ cây Bael. Họ mua aegeline do một công ty dược Trung Quốc sản xuất, ít nhất là công ty này tuyên bố đó là aegeline, và chỉ trong vòng vài tháng, bắt đầu quan sát thấy những bệnh nhân bị suy gan, chủ yếu ở Hawaii và vài nơi khác.”
Cũng năm 2013, một người mẹ của bảy đứa con qua đời vì suy gan, sau khi uống OxyElite Pro.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) từ đó đã xác định sự liên quan của OxyElite với hơn 70 trường hợp suy gan nữa. Nhưng công ty này đã phủ nhận trách nhiệm.
Mối quan ngại về thuốc bổ và bệnh suy gan cũng xuất hiện ở Úc, sau khi một thanh niên Tây Úc kể lại chuyện anh đã mất đi lá gan vì uống bột protein có chiết xuất trà xanh và một loại thuốc bổ thảo mộc có chiết xuất quả nụ garcinia cambogia.
Dữ liệu ghi nhận được ở Úc từ năm 2011 đến nay cho thấy ít nhất có sáu người Úc phải cấy ghép nội tạng trong vòng năm năm qua sau khi dùng các loại thuốc bổ làm từ thảo mộc.
Khi thuốc bổ là viên bột chứa… chất khác
Năm 2010, bác sĩ phụ khoa David Baker tiến hành cuộc điều tra những loại thuốc bổ chứa thảo mộc black cohosh – thăng ma đen, thường được dùng điều trị các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh và cải thiện sinh lý của phụ nữ.
Ông Baker đã mua hàng chục nhãn hiệu các loại thuốc bổ tuyên bố có thành phần hoàn toàn là loại thảo dược này, và ông bắt đầu thử nghiệm DNA.
"... Có những người muốn trục lợi dễ dàng, bằng cách lừa đảo, bỏ vô chai thuốc cái thứ gì đó rẻ tiền và có sẵn. Vậy nên, người tiêu dùng hãy cẩn thận," bác sĩ David Baker
Kết quả bất ngờ.
“Ba mươi phần trăm không có chút black cohosh nào trong đó. Và trong các mẫu mà chúng tôi kiểm tra, chúng tôi có thể xác định được các loại cây khác trong đó nữa, từ các cây trồng làm cảnh ở Trung Quốc", Tiến sĩ Baker nói.
Tiến sĩ Baker và các cộng sự của ông đã công bố kết quả này trong một tạp chí chuyên ngành nhưng đã không nhận được nhiều sự chú ý. Họ tiếp tục thử nghiệm, và kết quả tìm được tương tự, cũng hết sức quan ngại.
“Hơn 15 phần trăm thuốc bổ nhận là saw palmetto – chiết xuất cây cọ lùn, không có miếng nào là saw palmetto. Những thuốc bổ nhận là devil's claw – cây móng quỷ, thì 100 phần trăm không có chút nào devil's claw, hoặc bị pha nhiễm, hay gặp một số vấn đề khác.
“Những gì tôi nhìn thấy là, có những người muốn trục lợi dễ dàng, bằng cách lừa đảo, bỏ vô chai thuốc cái thứ gì đó rẻ tiền và có sẵn.
“Vậy nên, người tiêu dùng hãy cẩn thận,” Tiến sĩ Baker cảnh báo.
Nguồn: sbs.com.au
© 2024 | Thời báo ĐỨC