Đun nước rau mùi để tắm vào chiều 30 Tết là truyền thống mà ông cha ta truyền lại từ ngàn xưa. Đây còn là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Rau mùi thường được sử dụng làm thức ăn trên mâm cơm của người Việt. Loại rau này còn có tên là ngò, mùi ta, hồ tuy, ngổ thơm, nguyên tuy… Cây thuộc họ thảo nhỏ có nguồn gốc ở vùng Tây Nam Á, cao từ 20 – 50 cm. Cây mùi có thân mảnh và nhẵn, màu lục tươi mát mắt, thân có nhiều nhánh, mỗi nhánh lại có nhiều lá, lá cây có răng hoặc tua.
Cây mùi để đun lấy nước tắm phải là mùi già đã trổ hoa kết trái, thân cây đã chuyển sang nâu tía, được nhổ cả rễ và phải được rửa sạch. Chỉ cần 1-2 bó mùi là đã được nồi nước to đủ cho cả gia đình.
Tác dụng khi tắm bằng nước rau mùi
Mùi thơm của cây mùi rất đặc biệt, vừa dịu dàng thanh thoát vừa pha chút cay cay sảng khoái, giúp thư giãn đầu óc rất tốt.
Trong Y học cổ truyền, rau mùi có vị cay, tính ấm, lành tính, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, chống táo bón, đặc biệt còn giúp lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe… Rau mùi còn có tính sát khuẩn cực tốt, chứa chất chống oxy hóa cao, giúp diệt những vi khuẩn có hại ở cả đường hô hấp lẫn ngoài da.
Những trường hợp không được tắm nước rau mùi
Tuy rau mùi có rất nhiều công dụng nhưng một số trường hợp sau đây không nên sử dụng. Đó là những người mắc bệnh ngoài da như viêm da cơ địa, da trầy xước chảy máu, bị bong tróc da hoặc nhiễm trùng da.
Không tắm khi vừa ăn no vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng và tim, dẫn đến tiêu hóa kém, chóng mặt, tim đập nhanh.
Trước khi sử dụng, chúng ta cần rửa sạch lá mùi rồi đun sôi để tránh nhiễm khuẩn. Khi tắm nên pha loãng chúng ra bằng cách hòa thêm nước nóng lạnh để tắm được thoải mái hơn.
Hà Hà (Tổng hợp)
Nguồn: PNSK
© 2024 | Thời báo ĐỨC