Ung thư đại trực tràng có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày ở nam và ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở nữ. Bệnh diễn biến phức tạp, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể như gan và phổi.
Ung thư đại trực tràng thường không có các triệu chứng ban đầu một cách rõ ràng, vì vậy, gần 80% bệnh nhân nhận thấy rằng mình có bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.
7 nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng
Di truyền
Ung thư đại trực tràng là một trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền. Một số hội chứng di truyền như FAP, HNPCC làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng, đặc biệt là có thể phát triển bệnh ở độ tuổi rất trẻ.
Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cũng sẽ tăng cao nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh ung thư đại trực tràng, đặc biệt là thân nhân có quan hệ huyết thống gần thì nguy cơ mắc bệnh tăng cao.
Những thành viên trong gia đình có 1 trong 2 hội chứng nêu trên, hoặc gia đình có tiền sử mắc ung thư đại trực tràng phải tầm soát ung thư đại trực tràng từ sớm, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người thích ăn thịt đỏ, đồ ăn nhanh, chất béo, đồ nướng
Thịt đỏ, thịt chế biến sẵn được liệt kê vào nhóm tác nhân gây ung thư do vậy cần hạn chế ăn nhiều. Thay vào đó, bạn nên chọn thịt trắng như cá, thịt gà, thịt gia cầm…nên chọn thực phẩm tươi sạch.
Ngoài ra, thức ăn chứa nhiều mỡ, thịt nướng ở nhiệt độ cao… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bị bệnh viêm loét đại tràng
Bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn (một loại viêm đường ruột) cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Khi mắc các bệnh này, đại tràng thường bị viêm kéo dài và niêm mạc có thể bị loét từ đó dẫn đến ung thư.
Có tiền sử bị polyp đại trực tràng
Polyp đại trực tràng là tổn thương nhỏ có dạng khối u, đa phần là lành tính. Tuy nhiên, một số ít trong các polyp này có thể chuyển thành ung thư, nhất là polyp có kích thước lớn hoặc có nhiều polyp.
Người lười vận động
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những người ít vận động, hay ngồi một chỗ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn những người khác.
7 nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng
Người trên 40 tuổi
Các chuyên gia đã chỉ ra, đa phần bệnh nhân ung thư đại trực tràng nằm ở độ tuổi trên 40. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo những người ở độ tuổi này nên nội soi đại tràng định kỳ mỗi năm 1 lần để phát hiện sớm các bất thường và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, những người dưới 40 tuổi cũng không chủ quan vì thực tế cho thấy lứa tuổi này vẫn có thể mắc ung thư đại trực tràng.
Người thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng mà cũng là yếu tố nguy cơ chung của đa số các loại bệnh ung thư.
Ngoài các đối tượng nêu trên, những người hút thuốc lá, nghiện rượu cũng có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng.
Các phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng:
– Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Đây là xét nghiệm rẻ tiền, đơn giản, có độ nhạy phát hiện các khối ung thư 70-80 %. Phương pháp này được khuyến cáo thực hiện hàng năm nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ung thư đại trực tràng.
– Nội soi đại tràng: Phương pháp nội soi chính xác nhưng việc thực hiện khá phức tạp. Bệnh nhân phải được xổ ruột, nhịn ăn vì nội soi có thể gây đau nên thường cần tiền mê. Qua nội soi đại tràng nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ các khối polyp trong lúc soi.
– Nội soi đại tràng ảo: Bệnh nhân phải được xổ ruột và chụp CT đa lát cắt, sau đó máy điện toán dựng hình lại lòng đại tràng. Nội soi đại tràng ảo có thể phát hiện phần lớn các khối polyp trong lòng đại tràng. Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện ra polyp thì phải nội soi đại tràng (thật) để cắt polyp.
© 2024 | Thời báo ĐỨC