Theo ông Guo Xi Heng – chủ nhiệm Trung tâm y tế về giấc ngủ thuộc Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh của trường Đại học y Thủ Đô cho biết 10 điều cấm kị trong giấc ngủ của người Trung Quốc thời xa xưa.
1. Kị nằm ngửa
Nằm ngửa là tư thế ngủ phổ biến nhất của mỗi chúng ta.
Ông Guo Xi Heng cho biết, tư thế ngủ này giúp cho cột sống và toàn thân chúng ta được duỗi ra và thư giãn, thoải mái.
Nhưng đối với những người có hội chứng ngưng thở khi ngủ, nằm ngửa sẽ dễ khiến bạn thở gấp, khịt mũi hoặc ngáy do không khí hít vào bị hạn chế.
Ở một số người, tình trạng ngưng thở có thể xảy ra nhiều lần trong một đêm. Nếu một người bị ngừng thở khi ngủ, một phần não của họ có thể bị đánh thức để chỉ huy cơ thể thở, điều này sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
Vì vậy với những người bị hội chứng này, tốt nhất không nên nằm ngửa mà nên nằm nghiêng để giảm sự ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe.
2. Kị suy nghĩ nhiều trước khi ngủ
Danh y Hoa Đà nổi tiếng thời Đông Hán trong lịch sử Trung Hoa có đúc kết ra một chân lý: ‘Khi ngủ tâm ngủ trước, mắt ngủ sau’.
Theo ông Guo Xi Heng, nếu trước khi ngủ trong đầu có nhiều tạp niệm, dễ nảy sinh tâm trạng lo lắng, căng thẳng, phấn khích, dẫn đến mất ngủ.
Trên thực tế, chúng ta hiện nay thường đi ngủ khá muộn, vì thế chuyện bình ổn cảm xúc trước khi lên giường cũng rất quan trọng nếu không sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và làm giảm thời gian ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Kị nói chuyện trước khi ngủ
Người Trung Quốc xưa có câu đại ý rằng: khi ăn và khi ngủ thì không nên nói chuyện.
Trước khi ngủ, chúng ta thường có thói quen nói chuyện, tâm sự với nhau đặc biệt là những người bạn lâu ngày không gặp.
Nhưng việc này có thể trở thành một trong những nguyên nhân gây mất ngủ, đặc biệt gây hại cho những người vốn đã mắc chứng mất ngủ, khó ngủ.
Vì thế, trước khi ngủ nên hạn chế nói chuyện để trí óc và cơ thể thư giãn, yên lặng chìm vào giấc ngủ.
4. Kị bật đèn khi ngủ
Trung y cho rằng, khi con người ngủ là quá trình ‘dẫn dương vào âm’. Khi thức là dương, khi ngủ là âm. Ánh sáng là dương, bóng tối là âm. Vì thế khi ngủ tốt nhất nên ngủ trong bóng tối.
Ngoài ra, nếu bật đèn khi ngủ sẽ gây cản trở việc sản sinh melatonin (hormone gây buồn ngủ) và các hormone tăng trưởng, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn và làm tăng nguy cơ thừa cân.
Trong khi đó, cortisol lại tăng cao bất thường khi bạn tiếp xúc với ánh sáng. Việc sản sinh cortisol gây ức chế quá trình tăng trưởng, tiêu hóa và hoạt động hệ thống sinh sản và làm thay đổi phản ứng của hệ miễn dịch.
Điện từ trường thải ra từ các thiết bị điện và đồng hồ báo thức kỹ thuật số cũng là tác nhân gây khó ngủ. Điều này góp phần làm rối loạn hormone, khiến bạn tăng cân không phanh.
Ngủ trong bóng tối sẽ giúp giấc ngủ sâu hơn và tốt cho sức khỏe.
5. Kị ăn nhiều và uống rượu vào buổi tối
Theo lời chuyên gia chia sẻ, nếu ăn nhiều vào buổi tối trước khi ngủ sẽ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức, không tốt cho dạ dày.
Khi cơ thể không tiêu hóa kịp thức ăn, sẽ gây ra tình trạng tích lũy năng lượng dạng mỡ, nguyên nhân của tăng cân, béo phì.
Nhiều người thích uống một chén rượu vào buổi tối cho ấm và dễ ngủ, nhưng điều này hoàn toàn phản khoa học.
Giấc ngủ do rượu và giấc ngủ sinh lý bình thường rất khác nhau. Sau khi uống rượu, dù có đi vào giấc ngủ thì não bộ vẫn rất hưng phấn.
Vì vậy sau giấc ngủ do rượu thường khiến bạn đau đầu, mệt mỏi. Thường xuyên uống rượu buổi đêm dễ gây bệnh về thần kinh và bệnh gan.
Nguồn: Gia Đình Mới
Do đó, buổi tối nên hạn chế ăn no và uống rượu để không ảnh hưởng đến sức khỏe và tránh béo phì.
6. Kị trùm chăn kín đầu
Theo kinh nghiệm của cổ nhân Trung Hoa, trùm chăn kín đầu khi ngủ sẽ khiến không khí đi vào ít, gây cản trở hô hấp và dễ khiến bạn tỉnh giấc.
Những chiếc chăn mà chúng ta sử dụng hàng ngày không phải lúc nào cũng được giặt giũ thường xuyên nên có thể tích tụ rất nhiều bụi bẩn và vi khuẩn bám vào.
Việc trùm kín chăn lên đầu sẽ đồng nghĩa với việc bạn hít luôn cả đống vi khuẩn, bụi bẩn vào người nên gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe.
7. Kị gió lùa
Trong sách cổ Trung Quốc có ghi: ‘Phòng ngủ không được có gió lùa, nếu không lưng bị lạnh sẽ ho, vai bị lạnh sẽ đau tay.’
Khi ngủ, bạn nên chọn phòng ngủ thông thoáng nhưng tránh nằm gần cửa sổ hoặc khe hở có gió, dễ trúng gió độc.
Mùa hè, nhiều người thích để quạt thổi thẳng vào người cho mát. Nhưng điều này sẽ khiến vùng tiếp xúc trực tiếp cùng với gió khô mồ hôi nhanh hơn, và làm mất cân bằng sự bài tiết mồ hôi nên ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng.
Từ đó sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, đau đầu… Đặc biệt, là đối với trẻ nhỏ thường có thói quen mở miệng khi ngủ, điều này sẽ làm cho cổ họng bị khô, dễ bị viêm họng.
8. Kị ngủ mở miệng
Sun Simiao – một lương y thời nhà Đường đã đúc kết: ‘Khi ngủ nên ngậm miệng. Nếu mở miệng hít thở, không khí không được lọc sạch qua đường mũi, dễ gây ho, cảm lạnh, viêm họng’.
Khi ngủ mở miệng, cổ họng dễ bị khô, khoang miệng mất đi lượng nước bọt có nhiệm vụ tiêu diệt các vi khuẩn sản xuất axit. Khi axit ‘leo thang’ trong lúc ngủ, răng sẽ bị sâu và xói mòn, đồng thời miệng sẽ bị hôi khi ngủ dậy.
Thói quen ngủ há miệng có thể dẫn đến hội chứng ngừng thở khi ngủ và các vấn đề tim mạch. Lâu ngày có thể gây thay đổi mức khí máu, mất ngủ, bị nấm miệng, thay đổi giọng nói hoặc các bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp.
9. Nhịn tiểu trong khi ngủ
Nghiên cứu cho thấy, việc nhịn tiểu trong khi ngủ không chỉ gây cảm giác khó chịu, bứt rứt tạm thời mà còn có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Khi nước tiểu ứ đọng lâu sẽ thuận lợi cho những tinh thể và cặn lắng trong nước tiểu có khả năng kết tinh và nguy cơ dẫn đến sỏi niệu.
Về lâu dài, việc nhịn tiểu có thể dẫn đến mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ. Người bệnh luôn có cảm giác buồn đi tiểu mà tiểu lại ít, đau, rát, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt tình dục.
Thực tế đã có một số trường hợp bị vỡ bàng quang dẫn đến tử vong do nhịn tiểu.
10. Kị ‘ngủ nướng’
‘Ngủ sớm dậy sớm’ từ lâu đã là một thói quen tốt mà người xưa dạy lại cho chúng ta. Theo dưỡng sinh, dậy sớm có lợi cho sự trao đổi chất của cơ thể con người.
Dậy sớm có thể loại bỏ một số chất bẩn ra khỏi cơ thể, nếu thức dậy quá muộn, đại tràng không được hoạt động, không thể thực hiện tốt chức năng bài tiết.
Ngoài ra, chức năng tiêu hóa của cơ thể con người hoạt động tốt nhất là vào buổi sáng từ 7 cho đến 9 giờ, là khoảng thời gian ‘hoàng kim’ cho hấp thụ dinh dưỡng.
Việc ngủ nướng thậm chí không thể khiến bạn bớt buồn ngủ hơn mà còn gây ra tình trạng choáng váng, mỏi mệt sau khi thức dậy.
Lam
Nguồn: Gia Đình Mới
© 2024 | Thời báo ĐỨC