Nhưng những lầm tưởng về bản chất của bạo lực tình dục đã dẫn đến những cách nhìn méo mó, khiến nạn nhân thêm phần xấu hổ, cảm giác tội lỗi và quay sang tự trách bản thân.
Những lầm tưởng chung về cưỡng hiếp và tấn công tình dục cũng ảnh hưởng đến khả năng đánh giá của bồi thẩm đoàn khi xem xét, cân nhắc thông tin, chứng cứ vụ việc một cách khách quan tại tòa án.
Sau đây là năm lầm tưởng và sự thật ẩn sau chúng.
1. Hầu hết các vụ tấn công tình dục đều do người lạ gây ra
Chuyện kể theo kiểu một phụ nữ bị tấn công tình dục khi đang đi bộ qua con hẻm tối giờ đây vẫn được chiếu đầy trên TV.
Nhưng trong đời thật, hành vi cưỡng hiếp và tấn công tình dục nghiêm trọng lại xảy ra nhiều hơn tại nhà, được thực hiện bởi người nào đó thân thuộc với nạn nhân.
Ở Anh (England), Xứ Wales và Úc, cứ năm phụ nữ lại có một người bị bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời.
Khảo sát quốc gia về bạo lực tình dục của Mỹ cũng ước tính con số tương tự: cứ năm phụ nữ lại có một người bị cưỡng hiếp, trong lúc con số này ở đàn ông cứ 71 người thì một người bị.
Thế nhưng ở Anh Quốc, có một báo cáo riêng cho thấy kẻ gây án là người lạ chỉ chiếm 10% trong số các vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục nghiêm trọng; 56% các trường hợp là do bạn đời, bạn tình của nạn nhân gây ra, và 33% còn lại là do bạn bè, người quen hay thành viên khác trong gia đình.
2. Nạn nhân 'thật sự' bị tấn công tình dục luôn trình báo ngay lập tức
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, 46% các vụ cưỡng hiếp được ghi nhận có trình báo vào ngày sự việc xảy ra - trong khi đó 14% người phải sáu tháng sau mới trình báo việc họ bị tấn công.
Nếu nạn nhân là trẻ em thì xu hướng trì hoãn việc lên tiếng thậm chí còn cao hơn: chỉ có 28% nạn nhân dưới 16 tuổi trình báo về vụ việc trong ngày, trong lúc một phần ba số đó chờ hơn sáu tháng mới lên tiếng.
Đó chỉ là con số trên các vụ tấn công đã được trình báo.
Rất nhiều vụ khác không bao giờ được biết đến. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, các nghiên cứu ước tính cứ ba vụ tấn công tình dục xảy ra thì hai vụ không bao giờ được trình báo.
Nghiên cứu cho thấy ước tính cứ ba vụ tấn công tình dục xảy ra thì hai vụ không được trình báo
Có rất nhiều lý do giải thích vì sao một số người trì hoãn việc trình báo hoặc không bao giờ nói ra, như khi những lời chia sẻ đăng theo hashtag #WhyIDidn'tReport (Tại sao tôi không trình báo) trên Twitter xuất hiện đã cho thấy.
"Rất nhiều người không trình báo vì họ không muốn kẻ gây án phải vào tù: có thể vì họ yêu người đó, hoặc đó là người thân trong gia đình, hoặc đó là bạn đời và họ còn lệ thuộc vào thu nhập của người đó," Nicole Westmarland, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực và Xâm hại Durham, Anh Quốc lý giải.
"Một trong những nguyên nhân phổ biến khác mà tôi nghe được từ sinh viên là họ không muốn hủy hoại phần đời còn lại của người đó."
Thậm chí ngay cả như vậy, "thì vẫn không có bằng chứng nào cho thấy thời gian trình báo thì có liên hệ gì tới tính chân thực của nội dung trình báo," bà nói.
3. Nếu cuộc tấn công tình dục được trình báo ngay lập tức, quá trình điều tra và truy tố có thể dễ dàng hơn
Sự thật đúng là nạn nhân các vụ cưỡng hiếp và bao lực tình dục nếu lên tiếng sớm thì có khả năng sẽ được giám định pháp y, liên quan đến việc lấy dấu và mẫu từ cơ thể để xác định nguồn tinh dịch, nước bọt hay DNA.
Nhân viên giám định cũng có thể ghi nhận tình trạng thương tích như vết cắt, xây xước hay bầm tím, có thể tăng sức nặng cho cáo buộc tội phạm.
Nhưng giám định pháp y không hẳn sẽ dẫn đến việc bắt giữ, buộc tội kẻ gây án, thậm chí dù vụ án có được điều tra - như trong hàng trăm ngàn vụ án cưỡng hiếp vẫn còn chưa được xử lý ở cơ quan cảnh sát và các cơ quan lưu trữ giám định khắp Hoa Kỳ.
Chưa hết, bằng chứng thể chất có vẻ như không mấy tác dụng nếu kẻ bị cáo buộc là bạn đời hay người quen thân. "Hầu hết các vụ án ngày nay không đào sâu vào câu hỏi có hành vi giao cấu xảy ra không - hay bằng chứng pháp y về việc có giao cấu, mà đi sâu vào tìm hiểu xem sự giao cấu đó có được đồng thuận hay không," Westmoreland cho biết.
Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Anh, 26% các vụ cưỡng hiếp và xâm hại tình dục nghiêm trọng được báo cáo ngay trong ngày xảy ra sự việc sẽ dẫn đến việc có người bị truy tố, và số này giảm xuống 14% cho mỗi ngày hoặc nhiều ngày trôi qua.
Nếu trình báo ngay trong ngày, nạn nhân hoặc người trình báo có nhiều cơ hội hơn hẳn trong việc đưa vụ việc ra toà, tuy điều này cũng chẳng khác biệt gì nhiều lắm nếu nạn nhân dưới 16 tuổi.
Trong khi đó ở Hoa Kỳ, các báo cáo riêng rẽ cho thấy chỉ có 18% các vụ cưỡng hiếp được trình báo là dẫn tới việc bắt giữ kẻ nào đó và chỉ có 2% dẫn đến việc buộc tội kẻ gây án.
4. Nếu bạn không 'thực sự' muốn, bạn phải chống cự
Mỗi người phản ứng khác nhau khi bị cưỡng hiếp hay tấn công tình dục.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2008 có tên "Serial Survivors", nhà tội phạm học Jan Jordan từ Đại học Wellington đã mô tả về các cách thức rất khác nhau mà 15 phụ nữ đã phản ứng khi bị tấn công tình dục bởi cùng một người đàn ông: một số cố gắng nói chuyện với anh ta, một số khác chống trả, còn một số khác cố gắng đưa tâm trí họ rời khỏi hiện trường - một quá trình mà các nhà tâm lý gọi là "phân ly".
Một nghiên cứu khác, theo đó phân tích 274 bản báo cáo của cảnh sát Hoa Kỳ, nhận thấy chỉ có 22% nạn nhân chống trả lại vụ cưỡng hiếp bằng cách đánh trả và gào thét. Đa số (56%) cố gắng cầu khẩn kẻ gây án, trong khi một số người khác mô tả cảm giác "cứng đờ vì sợ hãi".
Mỗi kịch bản khác nhau sẽ hiệu quả ít nhiều tùy thuộc vào từng tình huống khác nhau.
Chẳng hạn như các phụ nữ chống trả nhiều khả năng sẽ tránh được việc bị cưỡng hiếp, nhưng họ cũng có nguy cơ bị thương tích nặng hơn trên cơ thể nếu kẻ tấn công họ có vũ khí.
Mặt khác, cầu khẩn, khóc lóc, nói lý lẽ với kẻ gây án có khả năng dẫn đến bị thương tích nặng hơn nếu cuộc tấn công xảy ra trong nhà và khả năng bị bạo hành tình dục cao hơn nếu có sự can thiệp từ bên ngoài xảy ra (chẳng hạn như có ai đó can thiệp).
Một nghiên cứu cho thấy chống trả hoặc cầu xin trong khi bị tấn công tình dục có thể gia tăng rủi ro bị thương tích hoặc tệ hơn là bị xâm hại tình dục, trong một số trường hợp
Điều quan trọng là ta có thể hiểu rằng mỗi người không nhất thiết có khả năng điều khiển phản ứng của bản thân trong tình huống như vậy.
Một số người rơi vào tình trạng tê liệt cơ thể không mong muốn, còn gọi là "ức chế cường tính" (tonic inhibition) khi phải đối mặt với hiểm nguy cực độ.
Một nghiên cứu của Thụy Điển tiến hành trên 298 phụ nữ đến khám ở phòng khám khẩn cấp cho các vụ hiếp dâm trong vòng một tháng sau khi bị tấn công tình dục cho thấy 70% nạn nhân bị tình trạng cứng đờ vì ức chế cường tính và 48% bị ức chế cường tính cực độ trong suốt thời gian bị tấn công - và những ai từng trải qua tình trạng đó có khả năng bị sang chấn tâm lý sau chấn thương và trầm cảm nghiêm trọng nhiều tháng sau đó.
5. Trải nghiệm đau đớn làm xáo trộn ký ức: có thể bạn nhớ nhầm những gì đã xảy ra
Rất nhiều người từng bị cưỡng hiếp hay xâm hại tình dục thường cho rằng họ có ký ức rất rõ ràng về một số hình ảnh, âm thanh và mùi hương liên quan đến vụ xâm hại - thậm chí dù vụ việc đã xảy ra nhiều thập niên trước.
Nhưng khi được hỏi hãy nhớ lại chính xác xem vụ việc xảy ra giờ nào, ai hay cái gì ở đâu vào thời điểm nào đó - những thông tin chi tiết mà cảnh sát và công tố viên thường tập trung vào để xác định thông tin về tội phạm - thì nạn nhân có thể sẽ gặp khó khăn trong việc nhớ lại, hoặc tự mâu thuẫn với bản thân, và do đó làm hỏng lời khai của chính mình.
"Đây chính là sự tương phản bi kịch giữa hệ thống luật hình sự và bản chất của ký ức bị tổn thương và cách mọi người thường có xu hướng mô tả về chúng," Amy Hardy, nhà tâm lý học lâm sàng tại trường Kings College London nói.
Đó là vì ký ức với những sự kiện đau thương thường nằm rải rác khác nhau giữa ký ức thường ngày.
Thông thường, chúng ta mã hóa những gì ta thấy, nghe được, ngửi thấy, nếm được và cảm thấy trên cơ thể, cũng như cách tất cả những yếu tố đó sắp xếp lại với nhau và có ý nghĩa ra sao với ta - và với nhau, những loại thông tin khác cộng lại có thể giúp ta nhớ lại các sự kiện theo trình tự lớp lang.
Nhưng khi xảy ra sự kiện đau đớn, cơ thể ta tràn ngập các hormone căng thẳng.
Điều này khiến não bộ chỉ tập trung vào khoảnh khắc ở đây và ngay bây giờ, thay vì nhớ được cả bức tranh lớn.
Trong khi xảy ra sự cố đau thương, cơ thể ta tràn ngập hormone gây căng thẳng, khiến não bộ chỉ tập trung vào chi tiết
Điều này có lý ở góc độ tiến hóa. "Khi gặp nguy hiểm, tốt hơn là ta phải tập trung vào những gì mình đang trải qua, giúp kích thích ta phản ứng bằng cách chiến đấu, bỏ chạy hay cứng đờ, thay vì tập trung vào ý nghĩa rộng hơn và cố gắng hiểu sự việc," Hardy giải thích.
"Chúng ta cũng biết rằng nếu người ta bị phân ly trong quá trình xảy ra sự cố đau thương - nơi phần nhận thức của não bộ ngừng hoạt động và chúng rơi vào trạng thái trống rỗng hoặc đờ đẫn - chúng phóng đại quá trình phân mảnh này, vì vậy ký ức của họ còn bị hiệu ứng ở đây - bây giờ nhiều hơn."
Hardy đã thử nghiệm tác động của quá trình ghi nhớ ký ức này trên trải nghiệm của nạn nhân khi trình báo các vụ xâm hại tình dục với cảnh sát.
Bà nhận thấy những người nào cho thấy tình trạng phân ly cao hơn trong khi bị tấn công tình dục sẽ cảm thấy ký ức của họ bị phân mảnh nhiều hơn khi cảnh sát phỏng vấn, và những người có mức độ phân mảnh trong trí nhớ cao hơn thường cảm thấy họ kể lại sự việc xảy ra kém mạch lạc hơn hẳn.
Và sau đó, chính những yếu tố này khiến họ ít khi tiếp tục theo đuổi vụ kiện xâm hại hơn.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC