Vì sao châu Âu trở nên thịnh vượng?

Châu Âu được nhìn nhận như một "Cộng hòa vĩ đại” duy nhất, với hệ thống nghệ thuật và luật pháp chung. Đó là một châu Âu "khác biệt đầy lợi thế” so với tất cả các nền văn minh khác

Chỉ duy nhất châu Âu tăng trưởng nhảy vọt trong thời kỳ cận đại. Bằng cách nào họ làm được điều đó?

Vì sao châu Âu trở nên thịnh vượng? - 0

Các sử gia, nhà kinh tế học, khoa học chính trị, học giả thế giới… đã viết vô số sách để lý giải vì sao Kỷ Đại Thịnh vượng (the Great Enrichment) lại bùng nổ tại Tây Âu trong thế kỷ 18.

Theo phân tích của Giáo sư Joel Mokyr, bước phát triển nhảy vọt của kinh tế châu Âu cận đại là sự hội thành của nhiều yếu tố "cần và đủ".

Một trong những lời giải thích lâu đời nhất và thuyết phục nhất chính là sự phân rẽ về mặt chính trị trong một thời gian dài của châu Âu. Trong suốt nhiều thế kỷ, không một nhà lãnh đạo nào có thể thống nhất châu Âu theo cách mà người Mông Cổ hay Đại Minh từng thống nhất Trung Quốc.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng phép màu kinh tế châu Âu hiện đại là hệ quả ngẫu nhiên, tình cờ của thể chế. Nó không hề được thiết kế hay lên kế hoạch từ trước. Nhưng nó vẫn xảy ra, và một khi đã bắt đầu, nó sẽ tạo ra một động lực phát triển kinh tế mà nhờ đó, tăng trưởng dựa trên tri thức vừa trở nên khả thi, vừa bền vững.

Tại sao lại như vậy?

Nói ngắn gọn thì sự phân rẽ chính trị tại châu Âu đã thúc đẩy cạnh tranh năng suất. Các nước thống trị tại cựu lục địa phải cạnh tranh nhau để thu hút những trí thức và thợ thủ công xuất sắc nhất.

Nhà sử học kinh tế Eric L Jones gọi đây là "Hệ thống Thành bang”. Cái giá của việc nền chính trị châu Âu bị chia nhỏ thành nhiều thành bang cạnh tranh lẫn nhau là không nhỏ: chiến tranh gần như liên miên, cơ chế bảo hộ, nhiều hợp tác thất bại.

Dù vậy, nhiều học giả giờ đây tin rằng, trong dài hạn, việc các thành bang cạnh tranh với nhau lợi nhiều hơn là hại. Cụ thể, mô hình đó khuyến khích các sáng tạo khoa học và công nghệ hơn hẳn so với một lục địa thống nhất.

Trong chương cuối của cuốn "Lịch sử trượt dốc và sụp đổ của đế chế La Mã (1789), Edward Gibbon từng viết: "Châu Âu hiện bị chia nhỏ thành 12 vương quốc hùng mạnh nhưng không đồng đều”. Ba trong số đó được gọi là "những vương quốc thịnh vượng đáng trân trọng”, số còn lại là những vương quốc nhỏ hơn, nhưng vẫn độc lập.

Việc có nhiều quốc gia kìm chân nhau khiến cho người thống trị khó lạm dụng sự chuyên chế độc tài. Họ vừa lo sợ, vừa ngại với các thành bang láng giềng, Gibbon phân tích. Các nền cộng hòa có được trật tự, kỷ cương và sự ổn định. Nền quân chủ thấm nhuần nguyên tắc của tự do, hoặc ít nhất là có sự tiết chế. Theo thời gian, tinh thần danh dự và công lý cũng dần được đưa vào hiến pháp.

Có chung suy nghĩ, hai học giả David Hume và Immanuel Kant cũng phân tích rằng nếu những nhà thống trị bảo thủ cản trở sáng tạo gốc, các công dân thông minh nhất của họ sẽ bỏ sang vương quốc khác sinh sống (và thực tế đã chứng minh điều này).

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng sự phân rẽ chính trị là chưa đủ. Trung Đông cũng phân rẽ trong gần suốt chiều dài lịch sử, châu Phi thậm chí còn phân rẽ hơn thế, nhưng họ đều không trải qua Kỷ Đại Thịnh Vượng.

Rõ ràng còn có các yếu tố "cần và đủ” khác nữa. Quy mô của "thị trường” sẽ quyết định việc các sáng chế công nghệ và khoa học có nhận được đủ sự chú ý mà chúng xứng đáng được nhận hay không.

Lấy thí dụ, năm 1769, Matthew Boulton từng viết cho đối tác James Watt (nhà vật lý học sáng chế ra động cơ hơi nước) của mình rằng "Sẽ không đáng để tôi mất thời gian nếu động cơ sản xuất ra chỉ phục vụ 3 hạt. Nhưng nếu như phục vụ cả thế giới thì lại hoàn toàn xứng đáng”.

Với châu Âu, sự phân rẽ về chính trị và tôn giáo dường như không ảnh hưởng đến thị trường. Cộng đồng trí thức và văn hóa vẫn hiện diện với quy mô đáng kể. Mạng lưới trí thức (cả nam giới lẫn nữ giới) có quy mô xuyên lục địa. Mô hình cấu trúc của nhà thờ Thiên chúa giáo Trung cổ cũng giúp cho việc di chuyển "xuyên châu Âu” trở nên rất bình thường.

Juan Luis Vives là một trong số những nhà lãnh đạo nổi bật nhất châu Âu thế kỷ 16. Ông nghiên cứu tại Paris, sống phần lớn thời gian tại Flanders nhưng đồng thời cũng là thành viên của Đại học Corpus Christi (Oxford, Anh). Có thời gian, ông còn là gia sư cho con gái của vua Henry VIII.

Bước sang thế kỷ 17, lối sống "di động” này thậm chí còn phổ biến hơn trong giới trí thức.

Các học giả có thể di chuyển bên trong châu Âu với sự dễ dàng và tần suất chưa từng có tiền lệ, nhưng ý tưởng của họ thậm chí còn "di chuyển” nhanh hơn thế.

Thông qua báo in và hệ thống bưu chính có nhiều cải tiến, những công trình kiến thức được lan truyền rất nhanh. Trong trường hợp của những "siêu sao” như Galileo hay Spinoza, nếu như quan chức kiểm duyệt địa phương cố gắng ngăn cản nghiên cứu của họ được công bố, họ có thể dễ dàng tìm thấy những nhà xuất bản nước ngoài hứng thú với công trình đó. Điều này hoàn toàn đối lập với Đông Á.

Lấy thí dụ, những cuốn sách "bị cấm” của Galileo nhanh chóng được tuồn ra khỏi nước Ý. Cuốn Discorsi được xuất bản tại Leiden năm 1638, trong khi Dialogo được tái bản ở Strasbourg năm 1635.

Khi một phát hiện mới được công bố ở bất cứ đâu trong phạm vi châu Âu, nó sẽ được thử thách, tranh luận, chứng minh bởi cộng đồng học giả của toàn cựu lục địa.

Chính vì thế, những học giả xuất chúng thời đó thường hướng tới độc giả toàn châu Âu chứ không phải độc giả trong nước đơn thuần. Họ tự coi mình là công dân của "Nền cộng hòa Thư tín” và coi đó là một nền thịnh vượng chung tự do, một đế chế của sự thật. Và đó là một thị trường cực kỳ cạnh tranh.

, Gibbon phân tích.

Cộng đồng học giả được hưởng lợi từ cả hai mặt của mô hình châu Âu: hệ thống vương quốc cạnh tranh và một hệ thống nghiên cứu hàn lâm xuyên quốc gia hợp nhất.

Chính thực tế này đã đóng góp nhiều nhân tố văn hóa nền tảng cho Kỷ Đại Thịnh vượng: Một niềm tin vào sự tiến bộ xã hội và kinh tế, thái độ coi trọng sáng tạo khoa học và trí tuệ, những chương trình nghiên cứu nhằm vào các dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh nhất…

Mặc dù vậy, việc coi những tiến bộ kinh tế dựa trên trí thức như là động lực chính đằng sau cuộc Cách mạng Công nghiệp vẫn còn gây tranh cãi. Những thí dụ về phát minh thuần túy khoa học trong thế kỷ 18 còn khá ít, dù sau năm 1815, số lượng đã tăng nhanh hơn.

Thế nhưng nếu ta bác bỏ hoàn toàn sự liên quan của cuộc cách mạng khoa học với tăng trưởng kinh tế hiện đại, chúng ta sẽ bỏ lỡ một sự thật là nếu như không ngày càng hiểu rõ tự nhiên, những tiến bộ trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp của thế kỷ 18 (nhất là ngành dệt) sẽ không thể có được.

Một điều thú vị là những tiến bộ khoa học không chỉ được thúc đẩy bởi sự nổi lên của khoa học mở và của thị trường ý tưởng xuyên quốc gia. Chúng còn được dẫn dắt bởi sự xuất hiện của những công cụ và thiết bị tinh vi hơn.

Các công cụ quan trọng nhất bao gồm kính hiển vi, kính viễn vọng, nhiệt kế hiện đại và phong vũ biểu. Tất cả đều được phát triển vào nửa đầu thế kỷ 17.

Phát hiện về chân không và khí quyển đã đặt nền móng cho động cơ khí quyển. Đổi lại, động cơ hơi nước cũng tạo cảm hứng để các nhà khoa học nghiên cứu bản chất vật lý của việc biến nhiệt năng thành chuyển động. Hơn một thế kỷ sau cú bơm đầu tiên của động cơ hơi nước Newcomen, môn khoa học nhiệt động học đã ra đời.

Đến thế kỷ 18, sự giao thoa giữa khoa học thuần túy và lãnh địa của các kỹ sư, thợ cơ khí còn trở nên mạnh mẽ hơn. Tri thức "cái gì” tương tác liên tục với tri thức "như thế nào”.

Tất nhiên, chúng ta phải công nhận với nhau rằng Kỷ Đại Thịnh Vượng của châu Âu (và thế giới) không phải là tuyệt đối tất yếu.

Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong điều kiện ban đầu, hay thậm chí là vài tai nạn phát sinh trong dọc hành trình, nó có lẽ đã không xảy ra. Nếu như những thế lực bảo thủ quyết liệt ngăn chặn và có thái độ thù địch hơn với cái mới, nếu những thể chế chính trị và quân sự có biến động…, lịch sử đã không có một Kỷ Đại thịnh vượng.

Mức độ "trời định” trong chiến thắng của tiến bộ khoa học và tăng trưởng kinh tế tại châu Âu cũng chẳng nhiều hơn gì so với việc người Homo tiến hóa và trở thành giống loài thống trị trái đất cả.

Còn thế giới hiện tại, suy cho cùng, vẫn bao gồm nhiều thể chế đối lập và cạnh tranh. Thị trường dành cho ý tưởng đang sôi động hơn bao giờ hết, và các sáng tạo xuất hiện với tốc độ nhanh chưa từng có. Những gì chúng ta đã gặt hái được về mặt công nghệ mới chỉ ở tầm thấp, và trái ngọt lành nhất thực ra vẫn còn đợi ở tương lai.

Joel Mokyr là Giáo sư chuyên ngành kinh tế học và lịch sử tại Đại học Northwestern (Illinois).

Năm 2006, ông được trao tặng Giải thưởng Lịch sử Heineken do Học viện Khoa học Hoàng gia Hà Lan trao tặng. Cuốn sách mới nhất của ông là "Văn hóa tăng trưởng: Khởi nguồn của kinh tế hiện đại (2016)”.

Nguồn: Trí Thức Trẻ/Aeon.co


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày