Theo nhà vật lý học Geoffrey West, biến đổi khí hậu không phải là cách gọi thay thế của hiện tượng ấm lên toàn cầu như một số người nghĩ. Nó mang một nghĩa rộng hơn, phản ánh tính bất định/hỗn loạn mà hiện tượng ấm lên toàn cầu ảnh hưởng đến các đại dương và bầu khí quyển của Trái đất.
Nói cách khác, chúng ta sẽ không chứng kiến nhiệt độ trung bình Trái đất tăng lên đều đặn một cách bình thường. Thay vào đó, những hình mẫu thời tiết nhân loại đã quen thuộc trong hàng thế kỷ qua đang chuyển biến nhanh chóng theo hướng thất thường.
Gió bão càn quét ở khu cảng Coconut Grove thuộc thành phố Miami, bang Florida - Ảnh: REUTERS
Thử quan sát một khía cạnh đáng lo của ấm lên toàn cầu: Nó sẽ khiến các luồng gió vốn trước đây giúp các cơn bão di chuyển từ nơi này sang nơi khác thổi chậm lại, kết quả dẫn đến các trận mưa kéo dài ở một vài nơi, và hạn hán ở những nơi khác.
Như trường hợp bão Harvey vừa qua ở Mỹ: một phần nguyên nhân cơn bão này gây ra thiệt hại nặng là do nó “neo lại” ở thành phố Houston.
Harvey bị mắc kẹt giữa hai hệ thống cao áp không lâu sau khi đổ bộ vào bang Texas, kết quả là thay vì tiếp tục di chuyển, nó đứng lại một chỗ trong nhiều ngày, trút xuống mặt đất một lượng mưa lên đến 127cm.
Nhà khoa học khí quyển Charles Green thuộc ĐH Cornell tin rằng sự ấm lên ở Bắc cực khiến các luồng gió mạnh ở tầng đối lưu (jet stream – dòng tia) thổi chậm lại, góp phần vào sức tàn phá kéo dài của bão Harvey. Nếu nhận định này là chính xác, sẽ còn nhiều siêu bão tương tự xuất hiện trong thời gian tới.
Ông Green cho rằng các trận hạn hán nghiêm trọng gần đây ở miền tây nước Mỹ cũng gây ra bởi cùng hiện tượng, vì dòng tia thổi chậm khiến các khối không khí khô bị kẹt ở một vị trí.
Tại sao tình trạng ấm lên toàn cầu ảnh hưởng đến gió và bão?
Vì nó không xảy ra đồng đều. Bắc cực ấm lên nhanh hơn các khu vực khác của Trái đất, dẫn đến nhiệt độ chênh lệch không còn nhiều như trước đây.
“Sự chênh lệch nhiệt độ này chính là yếu tố gây ra các luồng gió” – chuyên gia Green giải thích.
Ngoài ra, còn một loạt ảnh hưởng mà hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể tác động đến các cơn bão như: Bề mặt nước biển ấm tích tụ nhiều năng lượng hơn, không khí ấm giữ được nhiều hơi ẩm… Cụ thể, vùng nước của Vịnh Mexico, nơi hai cơn bão Harvey và Irma vừa đi qua, ấm hơn 2-4 oC so với cùng thời điểm trong lịch sử.
Hiện nay, cuộc tranh luận trong giới khoa học không phải xoay quanh câu hỏi “liệu ấm lên toàn cầu có góp phần vào thời tiết cực đoan không”, mà là “hệ quả nào của ấm lên toàn cầu gây ra hủy diệt nhiều nhất”.
Nhà vật lý Geoffrey West cho rằng sự hỗn loạn mang lại bởi ấm lên toàn cầu là cái giá chúng ta phải trả cho nền văn minh “ngăn nắp” ngày nay. Không có lý do gì để “xấu hổ” hay chối bỏ nó, con người tốt hơn nên nhìn về phía trước để nhận ra vẫn còn có thể giảm nhẹ thiệt hại và thích nghi.
Theo Phúc Long / tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC