Thức uống "béo ngậy" đang khiến giới trẻ "phát nghiện", ẩn chứa nguy cơ gây trọng bệnh
Sau khi trào lưu trà chanh, sữa tươi trân châu đường đen "lụi tàn", thì có hàng loạt trào lưu mới xuất hiện, trong đó cà phê muối là thức uống đang được lòng rất nhiều bạn trẻ.
Khác với cà phê thông thường, cà phê muối có vị béo ngậy, đắng nhẹ và hơi mặn... rất kích thích vị giác, ngay cả những người không uống được cả phê cũng có thể thưởng thức món đồ uống này. Điều đó khiến thức uống này ngày càng "hot", thậm chí gây nghiện. Điều đó tiềm ẩn không ít rủi ro về sức khỏe.
Theo ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng: "Ban đầu khi được hỏi cà phê muối có gây hại không, tôi cho rằng nó tương đối thú vị, dùng cũng hay hay. Lâu lâu uống 1 lần cũng chẳng gây hại gì. Tuy nhiên, cà phê muối ngày càng hot, có người nói ngày nào cũng uống 2-3 ly. Khi tôi xem công thức pha chế, tôi thấy có công thức dùng 2g muối, có công thức khác lại dùng đến 5g muối cho 1 ly cà phê, như vậy là quá nhiều".
ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng.
Theo khuyến nghị, mỗi người chỉ nên dùng không quá 5g muối/ngày. Đó là tổng lượng muối dùng cho cả quá trình chế biến thực phẩm, chấm thức ăn... Do đó, việc uống 1-2 ly cà phê muối mỗi ngày sẽ dẫn đến tình trạng thừa muối.
Vị chuyên gia khuyên cà phê muối chỉ nên là thức uống lâu lâu dùng 1 lần, tối đa 1 ly/ngày, hơn nữa "uống cà phê thường sẽ tốt hơn".
Dùng quá nhiều muối từ lâu đã là vấn đề được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo vì sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong sớm. Theo WHO, mỗi năm có khoảng 4,1 triệu người tử vong trên thế giới do ăn thừa muối, trong đó, có tới 11 người tử vong/ngày vì hấp thụ quá nhiều muối.
WHO cũng cảnh báo rằng việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể khiến 7 triệu người tử vong vào năm 2030.
WHO khuyến nghị nên tiêu thụ khoảng 5g (hoặc một thìa cà phê) muối mỗi ngày. Tuy nhiên, hầu hết mọi người trong chúng ta đều tiêu thụ 10,8g muối/ngày.
Lợi ích của việc cắt giảm muối khỏi chế độ ăn uống của bạn
Ngăn ngừa đầy hơi
Bạn có thể tránh được tình trạng đầy hơi khi giảm lượng muối tiêu thụ. Bởi chế độ ăn nhạt thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa của bạn và giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
Tăng cường sức khỏe xương
Chế độ ăn nhiều muối làm tăng lượng canxi bị mất qua đường tiểu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương như loãng xương. Do đó, bạn có thể cải thiện sức khỏe xương bằng cách giảm lượng muối mình tiêu thụ.
Bảo vệ các cơ quan nội tạng
Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này như suy tim, suy thận. Do đó, việc xây dựng một chế độ ăn nhạt có thể làm giảm được nguy cơ này.
Chống phù nề
Ăn thừa muối làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặc biệt ở bệnh nhân có suy tim, xơ gan. Giảm ăn muối có thể giúp bạn hạn chế điều này.
4 mẹo giúp bạn ăn nhạt hơn
Chọn thực phẩm tươi thay vì đóng gói
Bạn nên chọn thực phẩm tươi thay vì thực phẩm đóng gói hoặc đóng hộp vì chúng thường được bổ sung thêm muối. Hãy mua rau và trái cây tươi thay vì mua trái cây, rau đông lạnh.
Kiểm tra nhãn
Khi mua các món đồ đóng hộp, hãy đọc nhãn thực phẩm và chọn loại có ít muối hơn.
Hạn chế chấm thực phẩm
Tạo thói quen nêm nếm đồ ăn ở lượng vừa phải, hạn chế chấm thực phẩm là cách giúp bạn không nạp quá nhiều muối.
Nói không với thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn có thể rất hấp dẫn nhưng bạn nên tránh chúng bằng mọi giá bởi chúng thường được bổ sung thêm các chất như muối, đường hoặc dầu vào... để tăng cường hương vị.
Theo Toquoc
© 2024 | Thời báo ĐỨC