Báo cáo của Viện nghiên cứu dân số Dục Oa có trụ sở tại Bắc Kinh ngày 21/2 cho thấy chi phí nuôi dạy một người con ở Trung Quốc cho đến năm 18 tuổi là 538.000 tệ (gần 78.000 USD), gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức 4,11 lần ở Mỹ; 4,26 lần ở Nhật Bản và 2,08 lần ở Australia.
Nếu chỉ tính riêng khu vực đô thị, chi phí lên tới 667.000 tệ (92.700 USD).
Hàn Quốc, đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, cũng là nơi có chi phí nuôi con đắt đỏ nhất thế giới, cao gấp 7,79 GDP bình quân đầu người.
Hai em bé cùng người nhà vui chơi ở Cố Cung sau hôm tuyết rơi ở Bắc Kinh ngày 21/2. Ảnh: AFP
Báo cáo đề cập chi phí cơ hội (phần thu nhập mất đi do không lựa chọn một cơ hội khác) khi nuôi con, chủ yếu là ở phía người mẹ. Người bố chỉ mất thời gian rảnh rỗi trong khi người mẹ giảm 2.016 giờ làm việc trong giai đoạn chăm sóc trẻ từ khi mới sinh đến 4 tuổi, mất đi thu nhập 63.000 tệ (8.700 USD), theo mức lương trung bình 30 tệ một giờ. Thu nhập từ lương của phụ nữ cũng giảm 12-17%. Thời gian rảnh rỗi giảm đi 12,6 giờ đối với mẹ có một con từ 0-6 tuổi và 14 giờ với người có hai con.
Từ năm 2010 tới 2018, thời gian phụ huynh giúp con làm bài tập về nhà mỗi tuần ở tiểu học tăng từ 3,67 tiếng lên 5,88 tiếng.
"Vì những lý do như chi phí nuôi dạy con đắt đỏ, phụ nữ gặp khó khăn trong cân bằng giữa gia đình và công việc, mức độ sẵn lòng sinh con của người Trung Quốc ở mức gần thấp nhất thế giới", báo cáo có đoạn. "Mức sẵn lòng sinh con" là thuật ngữ chỉ số lượng con cái lý tưởng trong quan niệm của người dân, ở Trung Quốc là dưới hai con, theo một số cuộc khảo sát.
Nghiên cứu do Liang Jianzhang, doanh nhân sáng lập trang web thương mại du lịch Ctrip nổi tiếng kiêm giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh, dẫn đầu. Năm ngoái, dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tục, tiếp tục đặt thêm gánh nặng lên quỹ hưu trí của chính phủ.
Số ca sinh năm 2023 ở Trung Quốc là hơn 9 triệu, bằng một nửa so với 2016. Phụ nữ ngày càng có xu hướng trì hoãn hoặc từ chối làm mẹ bởi e ngại tác động tiêu cực đến sự nghiệp và tài chính. Năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ và sau đó khuyến khích phụ nữ sinh con thứ ba. Một số tỉnh xóa hạn chế về số lượng con cái trong một hộ gia đình.
Lijia Zhang, nhà văn đang viết sách về sự thay đổi của phụ nữ Trung Quốc đối với hôn nhân và làm mẹ, cho hay chi phí giáo dục và nhà ở cao làm tăng gánh nặng chi phí nuôi con.
"Nhiều phụ nữ mà tôi phỏng vấn cho hay không đủ khả năng sinh con thứ hai hoặc thứ ba. Một số người cảm thấy chỉ có thể nuôi dạy tốt một con, số khác thậm chí không muốn sinh con", Zhang nói.
"Yếu tố quan trọng khác là thái độ của họ đã thay đổi. Nhiều phụ nữ thành thị và có học thức không còn coi làm mẹ là bước thiết yếu trong cuộc đời hay là yếu tố cần để có hạnh phúc".
Một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy tỷ lệ sinh, từ trợ cấp tiền mặt cho con sinh thêm cho tới giảm giá dịch vụ thụ tinh nhân tạo. Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng năm Giáp Thìn có thể tăng dân số do người Trung Quốc quan niệm đây là năm tốt lành.
Tuy nhiên, các biện pháp khuyến sinh của chính quyền đa phần không thay đổi xu hướng giảm tỷ lệ sinh. Theo báo cáo, chính quyền cần đưa ra các chính sách khẩn cấp ở tầm quốc gia để giảm chi phí nuôi dạy con càng sớm càng tốt như trợ cấp tiền mặt, giảm thuế, tiếp cận dịch vụ bảo mẫu nước ngoài, cho phép làm việc linh hoạt và cho phụ nữ độc thân quyền lợi sinh con giống phụ nữ đã có gia đình.
Các biện pháp này có thể nâng số ca sinh mới thêm ba triệu. Năm 2023, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc là 1, một trong những mức thấp nhất thế giới. Tổng tỷ suất sinh khuyến cáo (tỷ lệ trung bình để duy trì ổn định quy mô dân số) theo Tổ chức Y tế Thế giới là 2,1.
"Tỷ lệ sinh giảm sẽ tác động sâu sắc đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế, sức đổi mới, chỉ số hạnh phúc của người dân và cả mục tiêu chấn hưng quốc gia. Lý do cơ bản khiến Trung Quốc có tỷ lệ sinh gần như thấp nhất thế giới là vì có chi phí nuôi con gần như cao nhất thế giới", báo cáo kết luận.
Hồng Hạnh (Theo Guardian/Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC