Ảnh: Getty Images
Nói gì thì nói, việc biết rằng trên chuyến bay mình đang đi có chở theo một người đã chết cũng sẽ khiến không ít hành khách ái ngại. Hiểu rõ điều này nên nhiều hãng bay chọn cách nói tránh đi.
Theo báo The Sun (Anh), mỗi năm có khoảng 50.000 thi thể được vận chuyển bằng đường không và các hãng bay có cách đặt biệt hiệu cho trường hợp này để không làm kinh động tới các hành khách đi cùng. Một trong số đó là “nickname” Jim Wilson.
Theo bà Sara Marsden, tổng biên tập trang web US Funerals Online, hãng hàng không American Airlines thậm chí còn có một bộ phận chuyên hỗ trợ các nhà tang lễ trong hoạt động chuyên chở người đã mất, bộ phận này có tên là American Airlines Jim Wilson Service.
Bằng cách sử dụng biệt danh “Jim Wilson”, các dịch vụ vận tải đường không cũng như các nhà tang lễ có thể đề cập tới người chết trong khi giải quyết công việc mà không lo bị ai khác nghe thấy và hiểu được thông tin này.
Biệt danh Jim Wilson xuất phát từ tên gọi của những chiếc thùng lớn là Jim Wilson Trays vốn được dùng để bảo quản lạnh và vận chuyển thi thể.
Một số hãng bay khác đơn giản gọi các thi thể họ vận chuyển bằng những ký tự viết tắt là HR (có nghĩa “Human Remains”: thi thể).
Các thi thể được vận chuyển đường không là những trường hợp không may qua đời khi đang ở xa nhà và cần phải được chuyển về quê nhà để thân nhân lo hậu sự.
Sân bay Amsterdam Airport Schiphol của Hà Lan thậm chí còn có riêng một nhà xác để phục vụ công tác này. Nhà xác của sân bay Schiphol xử lý khoảng 2.000 thi thể mỗi năm.
Mặc dù hầu hết các hãng hàng không đều cung cấp dịch vụ vận chuyển thi thể, nhưng cũng có những hãng bay nhất định như hãng EasyJet không cung cấp dịch vụ này.
Nguồn: Tuổi trẻ online
© 2024 | Thời báo ĐỨC