Hệ quả của 2 từ ‘nhanh lên’: Cha mẹ đang thúc đẩy hay khiến trẻ mất kiểm soát?

Các bậc cha mẹ thường giục giã con cái mình trong tất cả mọi hoạt động, ở tất cả các lĩnh vực: “Con ăn nhanh lên nào”, “Tại sao con lại làm việc chậm chạp như thế?”. Nhưng cách tác động này liệu có thể giúp trẻ thật sự cải thiện được tác phong, trở nên thực sự nhanh nhẹn?

Khi trẻ em thực hành bất kỳ một công việc nào, đặc biệt là những công việc mới mẻ đều cần có thời gian để làm quen và học hỏi. Hơn nữa mỗi đứa trẻ lại có một nhịp độ tiếp nhận, xử lý thông tin và thuần thục các kỹ năng khác nhau. Vậy nhưng, ở Việt Nam, các bậc cha mẹ có xu hướng giục giã con cái mọi thời điểm trong ngày, vào các buổi sớm, khi chuẩn bị tới trường, trong các bữa ăn, khi làm bài tập về nhà, cho tới tận khi đi ngủ. “Nhanh lên” trong nhiều gia đình vô tình lại là một trong những câu trẻ được nghe nhiều nhất.

Trái ngược lại với suy nghĩ của người lớn, việc thúc giục trẻ từ bên ngoài không giúp trẻ cải thiện được tốc độ làm việc của mình, mà ngược lại, nó là nguyên nhân của rất nhiều những biểu hiện về tâm lý và hành vi tiêu cực của trẻ trong hiện tại. Thậm chí, sự hối thúc của người lớn còn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển tính cách của trẻ.

Cùng tham khảo những tác động tiêu cực của sự giục giã, dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý.

Sự hối thúc khiến trẻ trở nên cáu bẳn và lo lắng

Hệ quả của 2 từ ‘nhanh lên’: Cha mẹ đang thúc đẩy hay khiến trẻ mất kiểm soát? - 0

Cáu bẳn và lo lắng sẽ là những tâm trạng mà trẻ thường gặp khi bị cha mẹ hối thúc nhiều (Ảnh minh họa: legend)

Người lớn thường khó chịu khi trẻ phản ứng trước những lời thúc giục. Tuy nhiên, khi nhìn trẻ dưới con mắt của một nhà khoa học, chúng ta sẽ nhận ra, chính những lời giục giã của mình lại là nguyên nhân gây ra tâm trạng tiêu cực của trẻ.

Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, ở thời điểm bị buộc phải tuân theo mệnh lệnh của người khác, đồng thời có thêm một hạn định về thời gian cần đạt đến, sẽ gây ra“cảm giác bị thúc ép”, “bị kiểm soát”. Những cảm giác này sẽ khiến lượng hooc-môn gây stress trong cơ thể trẻ sẽ tăng vọt, biểu hiện thành sự cáu kỉnh.

Không chỉ dừng lại ở thái độ “khó chịu” hiện thời, sự hối thúc của cha mẹ còn có thể để lại hậu quả lâu dài cho những đứa trẻ. Bộ não của trẻ đang được xây dựng mỗi ngày, và hình dạng của nó phụ thuộc vào kinh nghiệm hàng ngày của bé. Một số nhà thần kinh học nêu ra giả thuyết rằng củng cố những con đường mòn thần kinh trong bối cảnh những siêu kích thích gây stress hằng ngày tạo ra một bộ não với mộtxu hướng lo lắng kéo dài suốt đời.

Cha mẹ hối thúc nhiều cũng khiến cho trẻ không chú ý đến những cảm xúc của chúng trong suốt một ngày.Vì vậy vào buổi tối, tâm trẻ chứa đầy những cảm xúc tiêu cực cần giải thoát. Trong bối cảnh đó, trẻ rất dễ tìm đến những hoạt động mang tính “giải tỏa” như ăn uống, mua sắm và xem TV, chơi game. Bởi những hoạt động “thú vị” đối với trẻ này sẽ khiến chúng tạm thời thoát khỏi được tình trạng tiêu cực. Nhưng nếu thói quen này kéo dài, trẻ sẽ rất dễ rơi vào trạng thái “nghiện”, thường xuyên mong muốn được lặp lại những hành động này. Từ đó khiến trẻ nhanh tăng cân, dễ dàng mắc bệnh béo phì.

Bạn đang rèn luyện con mình thành một người “bận rộn không hiệu quả” 

Hệ quả của 2 từ ‘nhanh lên’: Cha mẹ đang thúc đẩy hay khiến trẻ mất kiểm soát? - 1

Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy con mình hạnh phúc khi lao động như thế này nếu tiếp tục hối thúc con trong cuộc sống (Ảnh minh họa: Pinterest)

Những lời giục giã của cha mẹ có thể bị coi là “những kích thích quá mức” đối với trẻ. Những kích thích này mạnh đến nỗi khiến trẻ không thể xử lý được những việc mình đang thực hiện. Hiểu một cách khái quát, sự nôn nóng của cha mẹ khiến trẻ bị cuống và rối. Chúng không có đủ không gian và bình tĩnh để quan sát và phân tích tình huống. Đó là lý do vì sao, trẻ không tìm được cách thức hiệu quả để giải quyết vấn đề. Tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ dần mất đi thói quen học hỏi và rèn luyện thuần thục từng bước nhỏ một cách có hệ thống.

Thêm vào đó, thái độ sốt ruột của cha mẹ trong thời điểm trẻ đang thực hiện những công việc của mình sẽ giống như một “con virut” làm lây lan cho trẻ cảm giác cảm giác “bản thân lúc nào cũng bận rộn”, bởi lúc nào cũng bị đặt vào tình trạng phải làm nhanh và gấp các công việc. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tổ chức và sắp xếp công việc của trẻ sau này. Thay vì xem xét công việc để thiết lập thứ tự ưu tiên, trẻ sẽ hình thành thói quen làm bất cứ việc nào mà trẻ cảm thấy cần làm.

Cha mẹ hối thúc, con mất hứng thú với cuộc sống

Nhưng nguy hại nhất đối với những trẻ thường xuyên bị cha mẹ thúc giục chính là mất đi cảm hứng khám phá cuộc sống và khám phá chính mình.

Khi giục giã trẻ, cha mẹ sẽ tạo ra ở con cái mình một“cảm giác không đủ đầy”. Nói cách khác, trẻ có có thể cảm thấy mình không nắm vững được những điều chính yếu của công việc đang làm, biết nhưng chỉ biết một nửa, không thật sự hiểu cặn kẽ. Cảm giác này lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ đánh cắp niềm vui của sự nắm vững, tinh thông một lĩnh vực hoặc một nhiệm vụ cụ thể nào đó ở các em.

Hệ quả của 2 từ ‘nhanh lên’: Cha mẹ đang thúc đẩy hay khiến trẻ mất kiểm soát? - 2

Niềm vui khám phá của trẻ là một điều vô cùng quý giá, cần trân trọng (Ảnh minh họa: liveinternet)

Giục giã hơn thế nữa còn làm gián đoán công việckhám phá thế giớicủa trẻ nhỏ, khiến chúng đánh mất động lực quan trọng nhất của sự học hỏi – Sự tò mò.Thế giới xung quanh luôn chứa đầy sự hấp dẫn với một đứa trẻ có đủ không gian và thời gian để chơi đùa, khám phá. Còn đối với một đứa trẻ phải tối ngày chạy theo lịch mà cha mẹ đã lên sẵn, những lớp học xếp nhau liên tiếp, thế giới thu hẹp lại trong cụm từ “hoàn thành nhiệm vụ”.

Bên cạnh đó, thúc giục đồng thời cũng lấy đi động lực khám phá và theo đuổi những niềm đam mê của riêng chúng. Trong khi, sự khám phá này nhất thiết là phải là một quá trình thực nghiệm chậm và có hệ thống. Hơn thế nữa, quá trình này đòi hỏi trẻ phải tập được thói quen tìm hiểu bản thân mình thông qua những khoảng thời gian hoạt động một mình mà không có sự can thiệp của người lớn. Phải chăng đây chính là lý do những đứa trẻ thời hiện đại không thực sự biết điều bản thân mình mong muốn.

Cuối cùng, khi không còn kiên nhẫn với con trẻ, các bậc cha mẹ Việt thường dành lấy công việc để làm thay con. Điều này sẽgạt bỏ xu hướng “tự làm” của trẻ. Sự tự lập của con cũng theo đó dần bị dập tắt.

Hệ quả của 2 từ ‘nhanh lên’: Cha mẹ đang thúc đẩy hay khiến trẻ mất kiểm soát? - 3

Sự tự lập của trẻ được xây dựng từ chính sự kiên nhẫn của cha mẹ (Ảnh minh họa: Pinterest)

Nắm được những tác hại của việc thúc giục đối với con trẻ, liệu bạn còn muốn nói hai từ “nhanh lên” với con mỗi ngày? Tuy nhiên, mong muốn từ bỏ thói quen mới chỉ là bước đầu của cuộc hành trình. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình lại hối thúc con nhiều đến thế?

Phải chăng điều này bắt nguồn từ chính cách sống của bậc làm cha mẹ. Bạn có sở hữu một danh sách dài những nhiệm vụ cần làm? Khi hoàn thành danh sách ấy, bạn thấy mình đang nằm trên giường, cơ thể kiệt quệ, tinh thần mệt mỏi và không đủ sức để nghĩ lại một ngày vừa trải qua của mình? Phải chăng đã đến lúc chính cha mẹ cần tập lại cho mình cách sống từ tốn và kiên nhẫn hơn, để giúp cho những đứa trẻ của chúng có được cơ hội phát triển tốt nhất.

Nguồn: Dkn.tv


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày