Thế giới vẫn luôn biết đến hệ thống tàu điện ngầm của Singapore khá hiện đại và thuận tiện. Tuy nhiên, ngược dòng thời gian, ít ai biết được rằng Chính phủ và người dân nước này đã phải trải qua những thử thách khó khăn như thế nào để xây dựng một mạng lưới tàu điện đồ sộ như ngày nay.
Vì sao người Singapore yêu thích giao thông công cộng?
Bằng cách sử dụng tàu điện ngầm, việc di chuyển quanh Singapore trở nên vô cùng dễ dàng.
Singapore – đất nước có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại vào hàng bậc nhất thế giới.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Singapore hoạt động từ 5h30 sáng đến 1h sáng ngày hôm sau. Riêng với những dịp lễ tết như đêm giao thừa, Tết âm lịch, lễ Deepavali, lễ Hari Raya, Giáng sinh và những dịp đặc biệt như ngày mất của Lee Kuan Yew (2015), tàu điện ngầm sẽ hoạt động 24/24.
Ngoài việc các chuyến tàu rất đúng giờ, thuận tiện cho người dân sử dụng, các sân ga tàu điện của Singapore cũng được nâng cấp thường xuyên nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho hành khách. Hệ thống nhà ga có thang máy và sàn có cảm nhận bằng xúc giác cho người khiếm thị. Ngoài ra, họ còn xây dựng những lối xe lăn dành cho người khuyết tật và bị bệnh.
Các sân ga tàu điện của Singapore cũng được nâng cấp thường xuyên nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho hành khách
Hầu hết các nhà ga tàu điện của Singapore được xây dựng dưới lòng đất với mục đích làm nơi trú ẩn cho người dân trong trường hợp chiến tranh xảy ra với đầy đủ dịch vụ điện thoại và Internet được phục vụ trên toàn hệ thống. Tất cả các sân ga ngầm đều có điều hòa nhiệt độ trong khi những phần nổi trên mặt đất được trang bị quạt công suất lớn. Đặc biệt, nhiều sân ga còn được thiết kế như một trung tâm thương mại với đầy đủ siêu thị, cửa hàng bán lẻ, máy bán hàng tự động hay những dịch vụ khác.
Singapore đang dần chuyển sang loại thẻ thông minh EZ Link
Bên cạnh đó, vé tàu điện ngầm tại Singapore thậm chí còn rẻ hơn cả xe buýt do được Chính phủ tài trợ. Tất cả hệ thống vé tàu của Singapore được bán tự động nên chi phí bán vé được giảm đáng kế. Hiện nay, Singapore đang dần chuyển sang loại thẻ thông minh EZ Link có khả năng thanh toán cho các cửa hàng bán lẻ hoặc nhiều tính năng khác hơn là chỉ mua vé tàu. Thậm chí, người dân có thể tích điểm mua vé online mà không cần phải xếp hàng ở những máy in vé tự động.
Đặc biệt, hệ thống tàu điện của Singapore rất an toàn với 2 lớp cửa nhằm ngăn chặn tình trạng hành khách bị kẹp hay rơi xuống đường ray. Ngoài ra, điều khiến du khách và người dân thực sự an tâm là tình trạng an ninh vô cùng tốt. Hệ thống camera dày đặc cùng ý thức cao của người dân khiến các tệ nạn xã hội không có cơ hội xảy ra, ngay cả với những chuyến tàu về đêm vắng khách.
Một quyết định không dễ dàng: Di chuyển bằng xe bus hay tàu điện?
Vào năm 1967, Chính phủ Singapore và chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã thực hiện một kế hoạch nghiên cứu kéo dài 4 năm xoay quanh vấn đề xây dựng một dây chuyền vận chuyển nhanh trong nước, hướng đến sự phát triển lâu dài trong tương lai.
Trên thực tế, khi ấy, hệ thống đường sắt Singapore (MRT) đã không nhận được tất cả đồng thuận trong kế hoạch này. Những người phản đối cho rằng việc xây dựng các nhà ga và tuyến đường sắt sẽ ảnh hưởng đến mô hình sử dụng đất cũng như hoạt động kinh tế khi mà xe bus đã trở nên quá phổ biến thời kỳ đó. Trong khi đó, những người ủng hộ tàu điện tin rằng loại hình này sẽ giúp tiết kiệm quỹ đất vốn được cho là không đủ để mở rộng đường phố và giao thông trong phạm vi lớn nhằm đáp ứng sự gia tăng nhu cầu vận tải trong nước.
Vấn đề này khi đó được đưa lên đệ trình nghị viện và thảo luận rộng rãi trên sóng truyền hình. Thậm chí những cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp đã được tổ chức nhằm xác nhận hướng đi nào là phù hợp.
Phần đường ray được xây dựng trên cao của tàu điện ngầm ở Singapore
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tính khả quan của hệ thống MRT, nhưng Chính phủ vẫn còn lưỡng lự trước những cam kết cho các hệ thống tàu điện ngầm. Đặc biệt, chi phí đắt đỏ cho việc xây dựng với 5 tỷ Dollar Singapore vốn ban đầu càng khiến Chính phủ ngập ngừng quyết định.
Ngài Ong Teng Cheong, Bộ Trưởng Bộ Truyền Thông (nay là Bộ Giao thông vận tải), đã phải thuyết phục nội các trong một cuộc thảo luận vào đầu năm 1980, rằng 5 tỷ là hoàn toàn cần thiết cho hệ thống giao thông này và sẽ mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phát triển lâu dài của Singapore:
“Đây sẽ là dự án tốn kém nhất được thực hiện tại Singapore từ trước đến nay. Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn làm là tránh lãng phí những khoản dự trữ khó kiếm của chúng ta và để lại món nợ khổng lồ cho con em chúng ta sau này. Ngay từ bây giờ, chúng tôi chắc chắn rằng đây không phải chỉ còn là dự án trên giấy tờ, chúng tôi sẽ tiến hành các dự án MRT và MRT sẽ mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của Singapore và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.”
Bản đồ tàu điện Singapore
Cuối cùng, hệ thống MRT chỉ được bắt đầu xây dựng vào năm 1983 sau hơn 10 năm đấu tranh về việc sử dụng loại phương tiện nào sẽ đem lại lợi ích lâu dài hơn cho Singapore.
Không dừng lại ở đó, việc xây dựng hệ thống MRT gặp khá nhiều thách thức. Tiêu biểu là những cuộc tranh cãi về lợi ích kinh tế, chính trị cho các vùng mà hệ thống đường sắt đi qua. Việc hệ thống MRT len được vào từng ngóc ngách của Singapore đã kéo theo rất nhiều tranh cãi, xung đột tại từng khu vực về mục đích sử dụng vốn, địa điểm đặt nhà ga cũng như những ảnh hưởng lâu dài của ga tàu đến cuộc sống người dân địa phương.
Những nỗ lực của chính phủ Singapore đã tạo nên mạng lưới giao thông hiện đại bậc nhất
Thậm chí, có những thời điểm mà số vốn quá lớn cho xây dựng, người ta càng đặt nghi vấn về tính khả thi của hệ thống MRT và cho rằng chính phủ có thể dùng nó để đầu tư cho các lĩnh vực khác.
May mắn thay, quyết định đúng đắn và những nỗ lực của chính phủ Singapore đã giúp hệ thống MRT được mở rộng, tạo nên một mạng lưới giao thông chất lượng thuộc hàng bậc nhất thế giới như ngày nay. Quả thực, không ít du khách nước ngoài khi đặt chân lên bất kỳ phương tiện giao thông công cộng nào của Singapore cũng phải thốt lên ngỡ ngàng rằng: “Cần gì phải mua ô tô!”
Nguồn ảnh: ufies.org
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC