Hầu hết những người trong giới kinh doanh đều có một loại "phức cảm" nhân cách nào đó hay còn gọi là "hội chứng". Ban đầu, các hội chứng đều rất khó nhận biết. Nhưng nếu bạn làm việc với ai đó đủ lâu, bạn bắt đầu nhận ra những tật xấu và thiếu sót của họ.
Có những người có tính cách khiến bạn không thể bỏ qua. Chẳng hạn, có những nhân viên mắc Hội chứng Chuyên gia, luôn muốn tham gia nói lời bắt đầu và kết thúc với bất kỳ chủ đề gì. Có những người là Môn đệ của Machiavelli, luôn có ý đồ giành quyền lực. Có những người theo trường phái Mavericks, cứ nhắc đi nhắc lại điệp khúc "Tôi làm theo cách của tôi".
Dù những kiểu người này có thể khiến người khác khó chịu, họ lại thường rất thành công vì (a) họ tự biết bản thân và (b) tật xấu của họ lại được sinh ra để thăng tiến, chứ không cản trở sự nghiệp của họ.
Cũng có người thuộc kiểu tính cách khéo léo hơn. Tật xấu của họ có vẻ ít, nhưng, mỉa mai thay, lại có thể hủy hoại nặng nề sự nghiệp của họ. Chẳng hạn:
1. Hội chứng vạch áo cho người xem lưng
Một số người cảm thấy quá an toàn đến mức sẵn sàng phơi bày điểm yếu cũng như điểm mạnh của mình. Thực tế, họ tỏ ra ham thích nói về chủ đề đó.
Trong một công ty nọ, có một nhà quản lý cực kỳ dễ chịu. Anh biết tạo động lực, nhân viên của anh rất trung thành, và cùng một lúc anh có thể làm được rất nhiều việc. Nhưng anh có hai tật xấu: hay can thiệp vào chuyện người khác và nói quá nhiều. Kỳ lạ là, anh ấy biết mình có hai tật xấu này nhưng lại hay đem chúng ra khoe, như thể đó là hai món quà được Thượng đế ban tặng.
Tuy nhiên điều này lại gây nên định kiến trong mắt các cấp trên của anh. Với họ một người hay can thiệp vào chuyện người khác và nói nhiều không đủ tin cậy để đảm bảo những chức vụ cao hơn đòi hỏi giữ bí mật hay điềm đạm. Chính vì vậy anh mãi mãi không thể thăng tiến.
2. Hội chứng nói quá nhiều về mình
Trường hợp khác là một phụ nữ rất tài năng, sở hữu một công ty PR cỡ trung. Cô rất sáng tạo và đặc biệt có sức thuyết phục khi đối thoại trực tiếp. Xét mọi tiêu chí, cô là người thành công, thế nhưng, công ty của cô không bắt kịp cạnh tranh. Thật bất ngờ khi nhiều nhân viên của cô cho rằng điểm sai của cô là: "Nói quá nhiều về mình".
Nếu cô có 20 phút trình bày đề xuất với khách hàng, cô sẽ mất 25 phút và dành hầu hết thời gian nói về những chi tiết vụn vặt hay tiểu tiết nhằm chứng minh năng lực chuyên môn của mình trong khi tất cả những gì khách hàng cần là nói một lời chào.
Tất nhiên điều này không sai trong bối cảnh cách đây vài thập kỷ khi nam giới vẫn thống trị giới kinh doanh, cô phải dành nhiều thời gian tự quảng bá cho mình và đi xa hơn là để chứng mình giá trị của mình. Tuy nhiên cô không nhận ra thời thế đã thay đổi, hiện giờ, cô đã là CEO, và thành tựu của cô sẽ tự nói tất cả.
3. Hội chứng cốc nước vơi một nửa
Nếu một tình huống có hai mặt xấu và tốt, bạn có thể tin tưởng vào người nói cho bạn biết cốc nước đã vơi đi một nửa. Mọi công ty đều cần ít nhất một người có cái nhìn bi quan để cân bằng và hạn chế sự nhiệt tình thái quá của những đồng nghiệp khác.
Không may, dù người bi quan rất quan trọng cho công ty, chẳng ai muốn luôn ở bên cạnh họ. Đó là lý do họ thường xuyên chuyển hướng sang những dự án phụ, bên ngoài công việc chính, để người ta có thể trông thấy nhưng không nghe tới họ.
4. Hội chứng ẩn dật
Có những người muốn làm những việc thật chất lượng nhưng lại thích làm việc một mình. Họ thường có vài kỹ năng xuất sắc – chẳng hạn kỹ thuật máy, luật thuế, lập trình máy tính – khiến họ cho phép mình đóng cửa với thế giới bên ngoài.
Bạn không thể kết tội họ làm việc độc lập hay không làm việc theo nhóm. Ngược lại, họ rất dễ tính. Họ sẽ đồng ý mọi việc miễn là bạn để cho họ một mình. Cuối cùng, họ được toại nguyện.
Nhờ có kỹ năng, những người này luôn có được công việc tốt. Nhưng kỹ năng đó không bao giờ giúp họ tiến xa như họ trông đợi mà thường bị kẹt lại ở cấp trung trong công ty, làm việc miệt mài sau những cánh cửa đóng chặt.
© 2024 | Thời báo ĐỨC