Bài viết này là hành trình trải nghiệm thực tế của phóng viên Brook Larmer, đăng trên tạp chí lừng danh thế giới National Geographic (chúng tôi chuyển ngữ – người dịch). Nó sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quá trình khám phá những bức tượng “ngủ quên” hơn 2.000 năm dưới lòng đất và cách phục dựng chúng tại Bảo tàng Binh Mã Dũng, Trung Quốc.
Nữ nghệ nhân 57 tuổi
Đội quân đất nung và lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng có lẽ là bí ẩn thu hút rất nhiều người trên thế giới muốn khám phá, đặc biệt là các nhà khảo cổ học.
Để tìm hiểu hơn về đội quân hàng nghìn người sống động như thật, canh giữ hơn 2.000 năm trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, tôi (phóng viên Brook Larmer – người dịch) đã tìm đến quần thể lăng mộ và Bảo tàng Binh Mã Dũng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Ảnh minh họa
Khi đến Bảo tàng Binh Mã Dũng, một cảnh tượng đáng kinh ngạc đập vào mắt tôi đó là đội quân những binh sĩ đất nung được chôn cất để canh giữ “giấc ngủ” của hoàng đế Tần Thủy Hoàng.
Kể từ lần đầu phát hiện vào năm 1974, các nhà khảo cổ, nhiều nghệ nhân đã sử dụng không ít công cụ và kỹ thuật mới nhất, để góp phần mang đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ra ánh sáng sau hơn 2.000 nằm chìm dưới lòng đất.
Tần Thủy Hoàng (210 – 259 trước Công nguyên) là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, có công thống nhất đất nước và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của quốc gia này. Ông để lại nhiều công trình khổng lồ, kỳ vĩ nhưng còn không ít nghi vấn cho hậu thế dù đã yên nghỉ hơn 2.000 năm qua.
Trong một căn hầm thuộc quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng, có ba người phụ nữ trung niên đang cúi xuống lắp ghép những mảnh tượng đất nung. Trước khi phát hiện ra dấu tích về đội quân đất nung, nơi đây từng là cánh đồng trồng hoa của làng họ.
Yang Rongrong, một nghệ nhân 57 tuổi với kiểu tóc bob trẻ trung, đang vui vẻ lật lại một mảnh vỡ của đất nung trong đôi tay đầy nếp nhăn và bà cố gắng đặt nó vào một vị trí thích hợp nhất.
Hai người phụ nữ khác cười, tán đồng với cách sắp xếp của Rongrong, trông họ như thể rất thích thú khi làm công việc này ở ngôi làng gần thành phố Tây An cổ kính.
Tuy nhiên, kỳ thực những gì bà Yang và những người cộng sự của mình đang làm là để phục dựng các bức tượng đất nung bí ẩn hơn 2.200 năm, một phần không thể thiếu (vẫn chưa thể lý giải) trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Thông thường, bà Yang và các đồng nghiệp của mình thường mất nhiều ngày để biến đổi đống mảnh đất sét thành một chiến binh đất nung hoàn chỉnh, nhưng hôm nay họ rất may mắn khi hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong vài giờ.
Bà Yang chia sẻ: “Tôi không có tài năng đặc biệt gì. Nhưng gần như mọi chiến binh ở đây đã qua tay tôi”.
Kể từ năm 1974, khi một nhóm nông dân đào giếng ở gần ngôi làng nhỏ thuộc huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) tình cờ phát hiện ra căn hầm rộng lớn dưới lòng đất chứa rất nhiều bức tượng chiến binh được làm bằng đất nung, bà Yang đã gắn bó với di chỉ khảo cổ đặc biệt này.
Theo các nhà nghiên cứu, khuôn mặt của binh sĩ đất nung được chế tác từ một trong số vài chục khuôn mẫu. Sau đó, những người thợ cổ đại đã điểm thêm các chi tiết về kiểu tóc, tai, lông mày, ria mép, và râu. Nhưng kỳ lạ là dường như không có khuôn mặt nào giống nhau cả, rất đa dạng và đây giống như một đội quân thực sự.
Bà đang nhìn mảnh ghép cuối cùng trong ngày, đó là cái đầu chiến binh bằng đất nung được bảo vệ nhờ một lớp bao nhựa mỏng bên ngoài. Nhìn qua lớp nhựa, tôi thấy màu hồng, đỏ. Đây là những màu sắc gợi lên dáng vẻ ban đầu của các chiến binh đất nung được chế tác cách đây 2.000 năm.
Màu sắc bí ẩn của đội quân đất nung
Những màu sắc sống động trên các bức tượng đất nung khiến những người tới thăm Bảo tàng Binh Mã Dũng ở Tây An, dường như mường tượng ra tham vọng vĩ đại của Tần Thủy Hoàng, một vị hoàng đế mong muốn vượt ra khỏi địa ngục nơi trần thế.
Là hoàng đế đầu tiên trong lịch sử thống nhất Trung Quốc và cai trị đất nước rộng lớn, Tần Thủy Hoàng đã đóng góp rất nhiều trong triều đại hùng mạnh của ông.
Trong khoảng thời gian kể từ khi thống nhất đất nước năm 221 TCN đến khi băng hà năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử Trung Hoa, từ việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành, cho đến thống nhất các đơn vị đo lường, tiền tệ, văn tự,…
Vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc cũng sớm chuẩn bị nơi yên nghỉ cho mình từ ngay từ những ngày đầu cai trị đất nước, bằng cách chỉ huy việc xây dựng khu lăng mộ phức hợp rộng tới hơn 90 km2 như một “vương quốc dưới lòng đất”.
Phần cánh tay của một bức tượng binh sĩ đất nung gợi ý cho các nhà khoa học về nghiên cứu cách sử dụng màu sắc táo bạo để trang trí cho bộ áo giáp của đội quân ở thế giới bên kia của hoàng đế Tần Thủy Hoàng vào thời điểm hơn 2.200 năm trước.
Qua quá trình khai quật hơn 40 năm, các chuyên gia đã tìm thấy hơn 8.000 bức tượng binh sĩ đất nung chẳng ai giống ai và nhiều hiện vật quý giá.
Không đơn thuần chỉ là những bức tượng đất nung thông thường, đội quân hùng hậu và dàn ngựa chiến trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng trông sống động đến mức đáng kinh ngạc nhờ có nghệ thuật chế tác màu sắc xuất sắc của các nghệ nhân thời cổ đại như màu đỏ, xanh, tím và vàng.
Khi các cuộc khai quật tiến gần hơn tới gò đất trung tâm của lăng mộ, các nhà khảo cổ hy vọng sẽ có thể tiết lộ thêm nhiều dấu hiệu “bất thường” về đội quân đất nung.
Đáng tiếc là hầu hết các màu sắc đặc biệt này không tồn tại được vì sức mạnh tàn phá của thời gian cũng như việc tiếp xúc với không khí trong quá trình khai quật khiến chúng bị bong tróc, nứt vỡ.
Những cuộc khai quật trước đây, các nhà khảo cổ thường chỉ được nhìn vào màu sắc bóng bẩy tuyệt đẹp của những bức tượng chiến binh, trước khi lớp vỏ mỏng manh này bị không khí khô nóng ở Tây An phá hủy.
Một nghiên cứu cho thấy, chỉ cần đưa những bức tượng đất nung ra ngoài không khí, lớp sơn với màu sắc ấn tượng sẽ bắt đầu co lại sau 15 giây và tróc ra, nát vụn chỉ trong 4 phút. Dấu tích trên cổ vật hàng nghìn năm bị phá hủy trong thời gian ngắn ngủi, chỉ tương đương thời gian để luộc 1 quả trứng.
* Còn tiếp…
Theo Trí thức trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC