Cụ bà Chu Chính Thạch, 122 tuổi từng là người sống thọ nhất tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trước khi qua đời cuối năm ngoái. Bà Chu có tổng cộng 10 người con và gần 200 người cháu, chắt.
Thời điểm năm 2019, ngoài việc đi lại khó khăn và không còn nghe tốt, bà Chu vẫn có thể tự chăm sóc bản thân, ăn uống và giao tiếp với con cháu. Năm 2021, khi phóng viên tờ The Cover của Trung Quốc đến thăm nhà của cụ Chu Chính Thạch, tình trạng sức khỏe của cụ bà vẫn rất tốt, trí nhớ suy giảm nhưng vẫn nồng nhiệt đón tiếp khách đến chơi.
Sinh nhật bà Chu và dịp Tết nguyên đán là dịp con cháu sum họp đông đủ nhất, thậm chí người trong thị trấn còn đùa rằng gia đình bà có số lượng người ngang một công ty. Nhiều người tứ phương cũng tìm đến để hỏi bí quyết trường thọ của người phụ nữ này.
Theo chia sẻ của nhiều thành viên trong gia đình, cụ bà Chu ăn uống bình thường nhưng có 4 điểm đặc biệt trong lối sống: thích vận động, sinh hoạt điều độ, sức khỏe tinh thần tốt và ưa sạch sẽ.
“Bà tôi vẫn ăn uống giống tất cả mọi người, không kén ăn. Nhưng điều đặc biệt là dù tuổi cao bà vẫn cố gắng làm mọi thứ mình có thể làm được, khi chân tay còn dẻo dai thì theo thanh niên lên núi, lội suối, tự nuôi cá và làm việc nhà. Thêm vào đó bà sinh hoạt rất điều độ, luôn ngủ trưa 30 phút, đi ngủ lúc 10 giờ tối và dậy vào 6 giờ sáng hôm sau. Ăn sáng xong bà sẽ đi dạo nhẹ nhàng”, cháu gái cụ Chu tiết lộ.
Ảnh: Toutiao
Một người cháu dâu cụ bà Chu còn cho biết thêm cụ có tâm lý tốt, luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình không nên tức giận, làm việc gì cũng phải bình tĩnh để giải quyết. Ngoài ra, cụ Chu còn sống rất sạch sẽ, nhất quyết tắm rửa hàng ngày, chăm dọn dẹp phòng ngủ. Người phụ nữ này cho rằng môi trường sạch sẽ như vậy tâm trạng con người sẽ thoải mái, sức khỏe theo đó mà cải thiện.
Tuy cụ bà Chu vẫn luôn muốn tự chăm sóc bản thân nhưng vì tuổi cụ đã cao, đại gia đình luôn cắt cử người để ở bên cạnh cụ. Chính sự quan tâm của gia đình cũng góp phần giúp sức khỏe tinh thần và thể chất của cụ Chu tốt hơn so với nhiều người cao tuổi khác.
Mỗi ngày cụ bà Chu Chính Thạch sẽ đến nhà một người con hoặc cháu để ăn cơm nên gia đình đều ghi nhớ những món cụ cần tránh. Ví dụ như cụ bà bị sỏi túi mật nên không ăn được trứng, thịt cũng phải thái nhỏ vì cụ đã rụng hết răng.
Con cháu yêu mến, thường xuyên mua quần áo cho cụ Chu vì biết cụ thích mặc đẹp. Nhiều người dù Tết đang ở nước ngoài không thể về quê ăn Tết cũng mua nhiều quà gửi về cho cụ. “Bà thường cười rất tươi khi nhận được những món quà và nói rằng chúng nó tiện lợi hơn ngày xưa nhiều”, cháu gái bà Chu Chính Thạch chia sẻ.
Cụ bà Chu Chính Thạch nhận được nhiều tình yêu thương, chăm sóc tận tình từ con cháu. Ảnh: Toutiao
Ngoài cụ Chu Chính Thạch, tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc còn cụ bà Phù Đại Ngọc 118 tuổi sống ở thị trấn Đạt Châu. Cụ Phù cũng rất chăm vận động, đi lại trong nhà hoặc đi bộ chậm rãi trong làng là thói quen cụ duy trì nhiều năm. Cụ bà này thường thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày và thích uống nước lạnh.
Việc duy trì vận động, tập thể dục hoặc đi bộ nhẹ nhàng của cụ Chu và cụ Phù được nhiều bác sĩ khuyến khích để duy trì hoạt động của tế bào, lưu thông máu tốt và nâng cao tuổi thọ.
Theo một nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ phân tích khảo sát từ 272.000 người ở độ tuổi trung niên tới cao tuổi (từ 59-82 tuổi) trong 10 năm, việc tham gia rèn luyện thể chất kể cả cường độ nhẹ nhàng, vừa phải đều giúp giảm nguy cơ tử vong sớm.
Cụ thể, chơi các môn thể thao dùng vợt như bóng bàn, cầu lông, tenis mang lại lợi ích ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, giảm 27% nguy cơ tử vong do bệnh tim và giảm 16% nguy cơ chết sớm. Bên cạnh đó, chạy bộ là bộ môn giúp ngừa 19% nguy cơ mắc ung thư và giảm 15% nguy cơ chết sớm. Đi bộ cũng được kết luận có lợi ích cho sức khỏe đáng kể chỉ sau các môn dùng vợt và chạy bộ. Ở người không tập luyện bất kể bộ môn nào, nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch, ung thư đều cao hơn, dẫn tới tuổi thọ giảm so với người thường xuyên tập luyện.
Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC