Được phát hiện vào năm 1927, khu di tích mộ cự thạch Hàng Gòn thuộc địa phận xã Xuân Thanh, Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ bởi khối kiến trúc đá đồ sộ được đánh giá là vô cùng độc đáo không chỉ tại Việt Nam mà cả toàn vùng Đông Nam Á.
Cho đến nay sau gần 100 năm kể từ ngày được phát hiện, nó vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Qua phân tích xác định niên đại bằng đồng vị Carbon, ngôi mộ này đã có từ cách đây hơn 2.000 năm và loại đá được tạo nên chúng chỉ có ở các tỉnh Tây Nguyên hoặc Nam Trung Bộ.
Điều này đã dẫn đến một câu hỏi lớn nhất là làm cách nào con người thời ấy có thể vận chuyển những khối đá nặng hàng chục tấn này qua một quãng đường dài như thế và họ đã sử dụng thiết bị nào để cắt phẳng, mài bóng và kết nối chúng lại với nhau hoàn hảo đến vậy?
Hàng loạt các học giả từ các quốc gia trên thế giới đã tìm đến đây để nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn không ai có thể giải được bí ẩn về ngôi mộ đặc biệt này.
Mộ cự thạch Hàng Gòn
Di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn là kiến trúc cổ bằng đá với quy mô kích thước, chất liệu xây dựng và kiểu thức độc đáo, được xây dựng bởi những phiến đá hoa cương cực lớn, có gia công tỉ mỉ phía mặt ngoài.
Có 4 tấm đứng dùng làm vách, 2 tấm ngang dùng làm đáy và nắp đậy, tất cả liên kết với nhau nhờ một hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ còn có nhiều trụ đá hoa cương nặng hàng chục tấn, có trụ cao đến 7,5 m, tạo cho mộ vẻ uy nghi bề thế (nhưng hiện nay đã bị gãy đổ). Năm 1930, mộ đã được xếp hạng trong danh mục các di tích ở Nam kỳ.
Kiến trúc của công trình có liên quan đến hình thức tín ngưỡng của cư dân cổ Đồng Nai. Đó là sự thể hiện trong nhận thức về linh hồn con người, tín niệm về một thế giới siêu nhiên, bảo quản thi hài sau khi chết.
Một số người cho rằng, chủ nhân của ngôi mộ lớn như thế ắt hẳn là phải người khổng lồ, còn theo suy đoán được ghi tại đây thì nó có thể thuộc về một thủ lĩnh của bộ lạc từng sinh sống tại vùng đất này.
Theo Baodongnai
© 2024 | Thời báo ĐỨC