Hàng nghìn giáo viên biểu tình trước Quốc hội ở Seoul để yêu cầu được pháp luật bảo vệ nhiều hơn (Ảnh: Getty).
"Chúng đấm đá nhau túi bụi, ném bàn ghế khắp nơi", cô Kang nhớ lại và cho biết thêm mình đã bị thương khi cố gắng can thiệp.
Trong suốt 2 năm, cô giáo Kang luôn đau đầu mỗi khi muốn kỷ luật học sinh do lo sợ gặp phải phản ứng từ phụ huynh. Hiệu trưởng ngôi trường cô giảng dạy không giúp đỡ mà chỉ nói rằng "hãy nghỉ một tuần", Kang kể và cho biết thêm rằng sự căng thẳng khiến mình từng có ý nghĩ tìm tới sự kết thúc.
Cô giáo Kang không hề đơn độc.
Hàng chục nghìn giáo viên Hàn Quốc đã tham gia mít tinh trong những tháng gần đây để kêu gọi xã hội tăng cường bảo vệ nhà giáo. Một cuộc biểu tình ở Seoul vào tháng trước đã thu hút 200.000 người, theo số liệu từ nhà tổ chức, buộc chính phủ phải chú ý và hành động.
Cuộc mít tinh diễn ra sau vụ tự sát của một giáo viên lớp 1 mới ngoài 20 tuổi vào tháng 7 tại Seoul. Cảnh sát đề cập đến một học sinh có vấn đề và áp lực từ phụ huynh khi nói về trường hợp của cô giáo này.
Dữ liệu chính phủ cho thấy 100 giáo viên trường công ở Hàn Quốc đã tự sát từ tháng 1/2018 đến tháng 6, trong đó có 11 trường hợp xảy ra trong nửa đầu năm nay. Dữ liệu không nêu rõ yếu tố dẫn đến những cái chết này.
Lễ tưởng niệm và biểu tình ở Seoul tưởng niệm một giáo viên chết sau khi cho biết cô bị phụ huynh quấy rối. Cảnh sát đang điều tra sự việc như vụ tự sát (Ảnh: Reuters).
Lo sợ bị kiện
Các giáo viên nói luật chống lạm dụng trẻ em năm 2014 là một trong những lý do chính khiến họ ngại kỷ luật học sinh. Họ lo sợ sẽ bị một số ít phụ huynh kiện vì gây ra "đau khổ tinh thần" cho học sinh.
Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju Ho ban đầu cảnh báo các giáo viên rằng đình công hàng loạt là bất hợp pháp. Nhưng sau đó, nhà chức trách đã có thái độ thông cảm hơn và đưa ra một loạt sửa đổi pháp lý, được Quốc hội thông qua vào ngày 21/9.
Một sửa đổi lớn là việc bảo vệ giáo viên khỏi bị kiện nếu việc kỷ luật được coi là hoạt động giáo dục hợp pháp. Ngoài ra, trách nhiệm giải quyết các khiếu nại và kiện tụng của nhà trường do phụ huynh đưa ra giờ đây thuộc về hiệu trưởng.
Luật mới cũng sẽ bảo vệ thông tin cá nhân của giáo viên, như số điện thoại di động, và yêu cầu phụ huynh liên hệ với nhà trường nếu có thắc mắc hoặc khiếu nại.
Một cuộc mít tinh kêu gọi bảo vệ giáo viên tại một trường học ở Seoul (Ảnh: Getty).
Áp lực không ngạc nhiên
Một số ý kiến cho rằng xã hội Hàn Quốc thường coi trọng thành tích học tập nên không có gì ngạc nhiên khi giáo viên và cả hệ thống giáo dục chịu áp lực lớn.
Vào ngày thi tuyển sinh đại học quốc gia, máy bay sẽ tạm dừng cất hạ cánh trong 30 phút để thí sinh làm bài nghe ngoại ngữ, giờ đi lại cũng được điều chỉnh để đảm bảo không tạo ra sự quấy rầy.
"Chúng ta có nền văn hóa mà trong đó cha mẹ thường chỉ có một con và họ sẵn sàng đổ mọi nguồn lực tài chính và cơ hội cho con", Sung Youl Kwan, Giáo sư giáo dục tại Đại học Kyung Hee, nói. "Áp lực hay nỗi ám ảnh về học tập không phải là môi trường tốt cho giáo viên (vì) họ phải chịu áp lực từ phụ huynh".
"Trong các chính sách giáo dục, phụ huynh được coi giống như người tiêu dùng, còn trường học và giáo viên được coi là nhà cung cấp dịch vụ", Giáo sư Sung chỉ ra và nói thêm rằng phụ huynh tin là họ "có quyền yêu cầu nhiều thứ từ trường học".
Ở Hàn Quốc, mức độ hài lòng của giáo viên rất thấp. Một cuộc khảo sát của Liên đoàn Lao động Giáo viên vào tháng 4 cho thấy 26,5% giáo viên được hỏi cho biết họ đã phải đi điều trị các vấn đề tâm lý do công việc. Khoảng 87% cho biết họ đã cân nhắc chuyển việc hoặc bỏ việc trong năm qua.
Theo CNN
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC