1. Nhìn nhân phẩm: Quân tử cầu mình, tiểu nhân cầu người
Người quân tử yêu cầu chính mình, kẻ tiểu nhân lại yêu cầu người khác. Người quân tử cảnh tỉnh chính mình, thời thời khắc khắc xem xét bản thân, có tính cách độc lập, tự cường, tìm chỗ thiếu sót của bản thân để từ đó thay đổi, không ngừng cải thiện. Còn tiểu nhân thì không xem xét chính mình, thường đem sai lầm trách nhiệm đổ lên người khác để rồi cả đời không thể tiến bộ.
2. Nhìn chọn lựa: Quân tử kiên định, tiểu nhân biến loạn
Người quân tử cho dù gặp cảnh khốn cùng hay tuyệt lộ thì vẫn ung dung đĩnh đạc, kiên trì với nguyên tắc làm người của mình. Kẻ tiểu nhân khi gặp khốn cùng thì thường bất chấp quy tắc, lấy lợi làm trọng. Vậy nên có thể giữ vững được bản thân mình trong lúc bần cùng hay không chính là giới hạn để phân biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân.
3. Nhìn bạn bè kết giao: Quân tử không so bì, tiểu nhân chọn người so sánh
Quân tử đoàn kết mà không cấu kết, tiểu nhân cấu kết lại không đoàn kết. Người quân tử khi kết giao bạn bè, bất luận đối với ai cũng là công chính vô tư mà đối đãi với mọi người, không kết bè tạo phái. Tiểu nhân thì thích tiếp cận với những người tương đồng với mình, chọn bạn kết giao, bài xích những người không hợp, lấy tư lợi làm trọng.
Người quân tử khi kết giao bạn bè, bất luận đối với ai cũng là công chính vô tư mà đối đãi với mọi người, không kết bè tạo phái. (Ảnh: tinhhoa.net )
4. Nhìn vào lợi ích: Quân tử trọng nghĩa, tiểu nhân trọng lợi
Bậc quân tử xem trọng đạo nghĩa, còn tiểu nhân xem trọng lợi ích được mất trước mắt. Khi gặp phải vấn đề hoặc khi phải đối diện với lựa chọn, bậc quân tử trước tiên lấy đạo nghĩa đo lường, tiểu nhân thì lại lấy lợi ích để mà cân nhắc. Đây chính là chỗ khác biệt lớn nhất.
5. Xem thị phi: Quân tử giúp người, tiểu nhân ngược lại
Bậc quân tử thành tựu cho người khác, kẻ tiểu nhân thì ngược lại. Phẩm đức cao sang của người quân tử mang trái tim nhân ái, vì người. Phàm gặp bất cứ việc gì, chỉ cần hợp với đạo nghĩa, họ không chỉ vui vẻ tác thành, mà còn nguyện ý giúp đỡ người khác sớm ngày thành tựu. Còn nếu như là việc không hợp đạo nghĩa, bậc quân tử tuyệt đối không làm những việc giúp người hành ác.
6. Xem ngôn hành: Quân tử hoà mà không đồng, tiểu nhân đồng mà không hoà
Trong cuộc sống thường ngày, có những lúc cùng một sự việc nhưng mỗi người lại có những cách nhìn nhận khác nhau, đây cũng là điều dễ thấy. Bậc quân tử là người có thể dung nhẫn những ý kiến trái chiều, đồng thời không che giấu cách nhìn của bản thân, dám đối chiếu ý kiến của mình và người khác. Còn tiểu nhân lại không như vậy! Tiểu nhân một là che đậy ý kiến của bản thân, hai là không có cách nghĩ của riêng mình, thường khi gặp vấn đề thì thuận gió đẩy thuyền, xem ý kiến của người khác rồi ùa theo. Kiểu người này cho dù ý kiến có bất đồng cũng không lộ ra thái độ phản đối, chỉ có bất bình trong tâm.
Khổng Tử dạy chúng ta rằng: “Chủ yếu nhìn khí chất”. Bậc quân tử khí định thần an, không có cảm giác kiêu ngạo. Ảnh: (wikipedia.org)
7. Xem khí chất: Quân tử thắng không kiêu, tiểu nhân kiêu mà không thắng
Hơn 2.000 năm trước, Khổng Tử đã dạy chúng ta rằng: “Chủ yếu nhìn khí chất”. Bậc quân tử khí định thần an, không có cảm giác kiêu ngạo. Tiểu nhân thì kiêu căng tự đại, mang theo bản tính công kích khó chịu, luôn tỏ ra đắc ý với người khác. Khi gặp chuyện vui thì tinh thần sảng khoái, gặp chuyện buồn thì lo âu ủ dột, đây chính là bản tính của con người. Nhưng người quân tử, dù trong hoàn cảnh nào cũng không vì chuyện vui buồn được mất ngoài thân mà khiến bản thân cũng vui buồn theo đó.
8. Nhìn bụng dạ: Quân tử ung dung tự tại, tiểu nhân u sầu ủ dột
Bậc quân tử lòng dạ bình yên, khoáng đãng, tiểu nhân thì tâm sầu bất an. Tâm thái rộng lượng là một trong những tiêu chí để phân biệt quân tử và tiểu nhân? Khổng Tử từng nói: “Nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ” (Tạm dịch: Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi). Người quân tử tâm địa rộng lượng, đối đãi khoan dung với người, sống không có thù oán; kẻ tiểu nhân tâm địa hẹp hòi, trong lòng thường có điều mờ ám, vĩnh viễn bất an.
9. Nhìn chí hướng: Quân tử nhìn lên, tiểu nhân nhìn xuống
Quân tử nhìn lên, thông đạt nhân nghĩa; tiểu nhân nhìn xuống, truy cầu danh lợi. Nhìn lên là hướng thiện, không ngừng sửa đổi những chỗ sai sót của bản thân, truy cầu đạo nghĩa. Nhìn xuống thì không sửa lỗi lầm, không tu thân dưỡng tính. Việc thiện như đèn, việc ác như băng, nhìn lên thì luôn phải đối diện với khó khăn, bởi họ yêu cầu bản thân phải không ngừng thăng tiến, không ngừng vượt qua chướng ngại bản thân để ngày một hoàn thiện chính mình. Nhìn xuống chính là chọn cho mình con đường đi nhẹ nhàng nhất, và cũng là dễ dàng đánh mất chính bản thân mình nhất.
Bậc quân tử có đức cao thượng, mang trong mình hoài bão lớn, có tầm nhìn xa trông rộng, điều họ suy nghĩ là quốc gia đại sự và xã hội thanh bình. (Ảnh: youtube.com)
10. Nhìn truy cầu: Quân tử cầu đức, tiểu nhân cầu tài, quân tử cầu hình, tiểu nhân cầu huệ
Bậc quân tử có đức cao thượng, mang trong mình hoài bão lớn, có tầm nhìn xa trông rộng, điều họ suy nghĩ là quốc gia đại sự và xã hội thanh bình. Còn tiểu nhân chỉ biết danh lợi được mất trước mắt, điều họ suy nghĩ là lợi, thiệt cá nhân. Vậy nên, điều mà quân tử và tiểu nhân suy nghĩ là không giống nhau, hành động cũng không giống nhau, và kết quả cũng vì vậy mà cách xa nhau ngàn dặm.
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC