Vì sao siêu bão xuất hiện ngày một nhiều?

Siêu bão Yagi chỉ là một phần của loạt hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới phải đối mặt trong vài năm qua dưới tác động của biến đổi khí hậu.

1 Vi Sao Sieu Bao Xuat Hien Ngay Mot Nhieu

Gió giật mạnh từ siêu bão Beryl gây khó khăn cho các sĩ quan cảnh sát khi giải quyết vụ một xe đầu kéo bị lật tại Freeport, Texas - Ảnh: REUTERS

Theo Đài Euro News, dù có sức tàn phá dữ dội, siêu bão Yagi mới chỉ là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai trong năm 2024. Xếp thứ nhất là siêu bão Beryl - cơn bão càn quét khắp châu Mỹ hồi đầu tháng 7.

Hai cơn bão trên, cùng loạt siêu bão có sức tàn phá cao trên toàn thế giới hồi năm 2023, cho thấy các hình thái thời tiết cực đoan đang ngày càng khắc nghiệt hơn.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định thực chất số lượng bão nhiệt đới trên thế giới khó có thể tăng trong tương lai. Tuy nhiên, cường độ của chúng sẽ tăng lên mức cao nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu khiến bão mạnh hơn

Yếu tố quan trọng trong việc hình thành các cơn bão nhiệt đới là luồng không khí nóng, ẩm.

Tại các vùng biển nhiệt đới gần xích đạo với nước biển đủ ấm (thường cần ít nhất 27°C), nhiệt độ cao làm bốc hơi lượng lớn nước và tạo ra không khí nóng ẩm trên bề mặt đại dương.

Khi luồng không khí này bốc lên, nó mang theo năng lượng từ mặt biển vào khí quyển, để lại một khoảng không khí trống gần mặt biển và tạo ra khu vực áp suất thấp. 

Không khí xung quanh bị hút vào khu vực áp suất thấp này. Sự chuyển động trên tạo ra luồng khí xoáy tròn quanh khu vực áp suất thấp.

Nếu các điều kiện thuận lợi được duy trì, bao gồm nhiệt độ mặt biển cao, cơn bão sẽ tiếp tục mạnh lên và có thể phát triển thành bão nhiệt đới.

Khi cơn bão di chuyển vào đất liền hoặc vùng nước lạnh hơn, nó mất nguồn năng lượng chính từ nước biển ấm. Điều này làm cho cơn bão suy yếu dần và cuối cùng tan rã.

Dẫn lời nhiều nhà khí tượng học, đài Euro News cho rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đại dương ấm lên, qua đó cung cấp thêm năng lượng để bão phát triển.

Bên cạnh đó, việc khí quyển ấm hơn cũng khiến độ ẩm tăng và lượng mưa nhiều hơn. Điều này khiến hiện tượng lụt lội trở nên phổ biến và nặng nề hơn.

Châu Á chịu tác động khí hậu nặng nề nhất

2 Vi Sao Sieu Bao Xuat Hien Ngay Mot Nhieu

Cảnh lụt lội tại Myanmar ngày 14-9 do bão Yagi gây ra - Ảnh: AFP

Hồi cuối tháng 7, ĐH Rowan (Mỹ), ĐH Nanyang (Singapore) và ĐH Pennsylvania (Mỹ) cùng công bố kết quả nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu lên cường độ bão ở Đông Nam Á.

Dựa trên phân tích 64.000 mô hình bão trong quá khứ và tương lai, trải dài từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 21, nhóm phân tích nhận thấy các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á đang thay đổi theo một xu hướng: hình thành gần bờ hơn, tăng sức mạnh nhanh hơn và duy trì cường độ khi vào đất liền lâu hơn.

Điều này khiến nhiều đô thị ven biển của Đông Nam Á đối mặt rủi ro với bão lớn hơn, trong đó có Hải Phòng, Yangon và Bangkok.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Á là khu vực chịu tác động của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan nhất thế giới trong năm 2023.

Nhiệt độ trung bình bề mặt biển của cả châu Á năm 2023 ở mức cao thứ hai trong lịch sử, cao hơn 0,91oC so với giai đoạn 1991 - 2020 và 1,87oC so với giai đoạn 1961 - 1990.

Nhiệt độ khu vực mặt biển ở tây bắc Thái Bình Dương cao nhất lịch sử, trong khi cả Bắc Băng Dương cũng phải đối diện hiện tượng sóng nhiệt đại dương.

Thậm chí, hiện tượng ấm lên tại tầng mặt của đại dương (từ 0 - 700m dưới mặt biển) cũng diễn ra nhanh gấp ba lần mức trung bình của thế giới tại khu vực tây bắc biển Arab, biển Philippines và các vùng biển phía bắc Nhật Bản.

NGỌC ĐỨC

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày