Vì sao Olympic không có các môn thế mạnh của Việt Nam?

Các môn thể thao chỉ được đưa vào chương trình thi đấu Olympic sau khi vượt qua hàng loạt điều kiện ngặt nghèo từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).  

Tại sao môn thể thao này có mặt ở Olympic, môn thể thao khác lại không? Một môn thể thao cần vượt qua những điều kiện ngặt nghèo nào để có tên ở Thế vận hội? Vì sao nhiều môn thế mạnh của thể thao Việt Nam không có tên?

Nhiều người hâm mộ có lẽ đã thắc mắc khi theo dõi Olympic Tokyo 2020.

1 Vi Sao Olympic Khong Co Cac Mon The Manh Cua Viet Nam

Vovinam chưa được đưa vào chương trình Olympic do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo quy định, các môn thi đấu tại một kỳ Thế vận hội bắt buộc phải nằm trong chương trình Olympic. Để được góp mặt trong chương trình Olympic, môn thể thao nào cũng phải đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện đặt ra từ IOC.

Yếu tố đầu tiên, một môn thể thao phải được xuất hiện rộng rãi trên cả 5 châu lục. Các nội dung của nam phải được phát triển ở ít nhất 75 quốc gia, các nội dung nữ phải ở ít nhất 45 quốc gia.

Ở kỳ đại hội nhiệm kỳ 2 (2017-2022) của Liên đoàn Vovinam Thế giới, chỉ có 60 đại biểu đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Liên đoàn Đá cầu Thế giới (ISF) đang hoạt động với 22 thành viên. Cả hai đều là những môn thể thao mạnh của Việt Nam.

Yếu tố thứ hai, môn thể thao đó phải có ít nhất 5 giải vô địch thế giới đã được tổ chức.

Yếu tố cuối cùng là bộ luật thi đấu phải đảm bảo tính khách quan, công bằng. Ở nhiều môn thi đấu, việc chấm điểm vẫn dựa vào cảm tính của giám khảo. Điều này không được khuyến khích tại Olympic, vốn đề cao sự công bằng và trung thực. IOC không muốn có những nội dung cảm tính, dễ bị can thiệp ở Thế vận hội.

Pencak silat là một ví dụ. Tại các kỳ đại hội thể thao khu vực và châu Á, pencak silat liên tục là chủ đề của các vụ bê bối trọng tài, thiên vị thành tích. Tại Asian Games 2018, cặp đôi VĐV Indonesia đang thực hiện phần biểu diễn đơn nữ thì bất ngờ bị dừng bài thi dù thời gian chưa kết thúc. Tuy nhiên, họ vẫn giành HCV với 574 điểm.

Cũng tại kỳ Á vận hội thứ 18, võ sĩ Nguyễn Duy Tuyến, người vô địch SEA Games, vô địch châu Á và thế giới, bị "đè ngửa" xử ép và thất bại tức tưởi tại bán kết hạng cân 85-90 kg đối kháng trước võ sĩ chủ nhà Pamungkas. Võ sĩ Jamari (Malaysia) tháo giáp, nhận thua ở chung kết hạng cân dưới 70 kg nam. Phía Malaysia tố cáo các trọng tài cho nhảy điểm võ sĩ đai đỏ của chủ nhà (Adi Putra) vô tội vạ.

2 Vi Sao Olympic Khong Co Cac Mon The Manh Cua Viet Nam

Karate nổi tiếng trên khắp thế giới nhưng phải tới Olympic 2020 mới được đưa vào chương trình thi đấu. Ảnh: IOC.

Một điểm khác cần lưu ý, một môn thể thao đã vào chương trình Olympic vẫn có thể bị gạch tên tại Thế vận hội trong tương lai nếu không duy trì được sự phát triển trên phạm vi thế giới.

Tại Olympic Tokyo 2020, 4 môn lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu gồm trượt ván, leo núi trong nhà, lướt sóng và karate. Nước chủ nhà mất rất nhiều thời gian và công sức để đưa môn thế mạnh vào đại hội. Song, đến Olympic 2024, karate bị loại khỏi chương trình thi đấu.

Trước Karate, nhiều môn thể thao khác rơi vào tình cảnh tương tự. Polo và kéo co thậm chí bị gạch khỏi danh sách các môn thể thao Olympic. Bóng chày xuất hiện từ Olympic 1992 đến 2008 rồi bị gạch tên. Đến Olympic 2020, môn này mới trở lại chương trình thi đấu.

Bắn cung hay tennis cũng tương tự. Chúng từng xuất hiện, rồi bị loại khỏi chương trình thi đấu và được đưa trở lại. Bắn cung là môn thể thao Olympic từ năm 1900 đến 1920, sau đó bị ngừng thi đấu do thiếu cơ quan quản lý quốc tế. Liên đoàn Bắn cung Thế giới thành lập năm 1931 nhưng phải đến 1972, môn thể thao này mới được đưa trở lại chương trình Olympic.

Lịch sử Olympic chứng minh vovinam hay pencak silat, các môn thế mạnh của Việt Nam, sẽ còn cần thêm nhiều thời gian để có mặt ở Thế vận hội.

Đỗ Hải

Nguồn: zingnews.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày