Tham vọng của Nga về một Thung lũng Silicon của riêng mình nằm trên đảo Russky, nối với vùng Vladivostok bằng một cây cầu, cách thủ đô Moskva khoảng 9.000 km. Tại đây, Điện Kremlin kỳ vọng sẽ tạo ra một trung tâm công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh với châu Á và Mỹ.
Người ta đã nghĩ ra một cái tên mới cho nơi này: "Đảo Người máy".
Cầu Vàng ở Vladivostok nhìn từ xa. Ảnh: Washington Post.
"Chúng tôi có một ước mơ", Artur Biktimirov, nhà giải phẫu thần kinh đang hợp tác cùng công ty phát triển chân tay giả công nghệ cao Motorica, cho biết. Biktimirov hy vọng Motorica có thể mở rộng hoạt động trên đảo Russky và dẫn đầu làn sóng bùng nổ công nghệ tại đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vậy. Suốt nhiều năm, ông luôn nhấn mạnh rằng đất nước cần bắt kịp tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Phát biểu trước một nhóm sinh viên năm 2017, Putin tuyên bố "bất kỳ ai trở thành người đi đầu trong lĩnh vực này sẽ thống trị thế giới".
Tại một hội nghị về AI cuối năm ngoái, Tổng thống Nga cảnh báo "lịch sử đã cho thấy nhiều tập đoàn toàn cầu lớn hay thậm chí các quốc gia ngủ quên vì một bước đột phá công nghệ và ngay lập tức bị đánh bật khỏi dòng chảy lịch sử ".
Tuy nhiên, Nga đang gặp không ít thách thức trên đường hiện thực hóa mục tiêu Putin đặt ra. Các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại rót tiền vào Nga vì lo sợ lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nhiều thanh niên Nga đã chọn tìm kiếm cơ hội việc làm lương cao trong lĩnh vực công nghệ cùng các ngành nghề khác ở nước ngoài, làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu chất xám của đất nước.
Vùng Viễn Đông Nga, nằm ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, đã được khai thác để khắc phục những bất cập trên. Moskva đang đầu tư vào hàng loạt dự án, từ chân tay giả của Motorica đến Promobot, công ty chuyên làm ra những robot sống động như thật. Các trường dạy chế tạo người máy ở địa phương dành cho trẻ em đang trở thành xu hướng, giúp ươm mầm tài năng cho quốc gia.
6 năm qua, chính phủ Nga đã nỗ lực thuyết phục người dân chuyển đến sống ở vùng Viễn Đông, thậm chí áp dụng cả chính sách cấp đất miễn phí. Một số khách nước ngoài đến Vladivostok có thể nhận được thị thực điện tử, đơn giản, không mất phí trong tối đa 8 ngày. Ngoài ra, chính quyền cũng có chính sách giảm thuế theo khu vực cho các doanh nhân và nhà đầu tư.
Ilya Chekh, giám đốc Motorica, tại trụ sở của công ty ở Trung tâm Sáng tạo Skolkovo, thủ đô Moskva, Nga, Ảnh: Washington Post.
Năm 2018, Putin thành lập Quỹ Công nghệ cao Viễn Đông để đầu tư vào các công ty công nghệ sẵn sàng chuyển một phần hoạt động của họ đến những vùng đất phía đông xa xôi. Promobot đã không bỏ lỡ cơ hội. Công ty được thành lập năm 2015 và là một trong những nhà sản xuất robot tự động lớn nhất Nga. Ba năm qua, danh mục đầu tư của họ đã mở rộng sang phát triển người máy có mắt xanh và da mềm như thật.
Đây chính là điều đã đưa Peter Chegodayev đến tầng hầm một tòa nhà ở trung tâm Vladivostok, nơi Chegodayev chia sẻ không gian làm việc với một tiệm bánh, khiến phòng thí nghiệm của ông luôn ám mùi bánh mỳ.
Chegodayev tự nhận mình là nghệ sĩ, chính xác là một nhà điêu khắc hơn là một kỹ sư. Tác phẩm của ông gồm những robot có da, tóc, mắt thậm chí cả cơ mặt như con người.
"Chúng ta có xu hướng giao tiếp cởi mở hơn với những thứ trông giống chúng ta", Chegodayev nói. "Vì thế tôi nghĩ những gì tôi làm sẽ giúp ích cho việc chia sẻ thông tin giữa con người và trí tuệ nhân tạo nhằm tận dụng hết khả năng của chúng".
Chegodayev có nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp phim, phụ trách về hiệu ứng hình ảnh. Đối với những người còn lạ lẫm, phòng thí nghiệm của ông trông giống như cảnh tượng trong một bộ phim kinh dị.
Các bức tượng bán thân nằm la liệt trên bàn. Tất cả chúng đều giống nhau, mô phỏng theo dung mạo người đồng sáng lập Promobot Alexei Yuzhakov. Mục đích là để một ngày nào đó, Yuzhakov có thể đứng cạnh robot bản sao của mình mà không ai phân biệt được.
Với những nam châm nhỏ đặt chính xác dưới lớp da silicone, robot của Promobot có thể tái hiện gần như mọi chuyển động trên khuôn mặt con người bình thường. Về cơ bản, chúng có đến 38 trên 42 cơ mặt của con người. Nhưng chúng cũng có thể được lập trình để luôn mỉm cười. Tóc được nối bằng tay theo từng hàng tỉ mỉ, nhiều khi mất đến cả tháng mới hoàn thành cho một robot. Đôi mắt cũng được sơn riêng. Các khuôn mặt thậm chí có cả má lúm đồng tiền.
Theo giám đốc phát triển của Promobot Oleg Krivokurtsev, người máy của họ chủ yếu được các tổ chức giáo dục sử dụng. Ví dụ, các sinh viên y khoa Nga có thể thực hành khám bệnh trên robot. Những phiên bản cũ hơn hoạt động như robot cung cấp dịch vụ khách hàng tại các viện bảo tàng, văn phòng ở Moskva và Perm, nơi công ty đặt trụ sở.
Krivokurtsev cho hay lợi thế của việc mở chi nhánh ở Vladivostok là tại đây có lực lượng lao động giá rẻ hơn thủ đô Moskva và chi phí thấp hơn nhiều so với các cường quốc công nghệ khác.
"Chúng tôi đang có kế hoạch từ Vladivostok tích cực thâm nhập vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông nói. "Chúng tôi đã bắt đầu rồi".
Trên đảo Russky, cách văn phòng của Promobot không xa, một công ty khác cũng đang tập trung phát triển người máy hay "con người của tương lai" như lời Ilya Chekh, giám đốc Motorica, ví von. Họ đang chế tạo tay giả, nhưng Chekh cho biết mục tiêu tiếp theo của họ có thể là nội tạng hay xương nhân tạo.
Những cánh tay sinh học giả do Motorica phát triển sử dụng các cảm biến được kết nối với mô cơ của bệnh nhân, cho phép họ thực hiện một số chuyển động như cầm nắm. Mục tiêu dài hạn công ty hướng đến là ra mắt một cánh tay giả có khả năng mô phỏng hoàn toàn vận động của bàn tay, sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Motorica dự định chuyển đến đảo Russky, biến họ trở thành một trong những công ty công nghệ đầu tiên có trụ sở tại đây. Với dân số chưa đầy 6.000 người, ngoài khuôn viên Đại học Liên bang Viễn Đông mở cửa năm 2013, đảo Russky phần lớn vẫn chưa được phát triển. Đại học này từng là nơi gặp gỡ giữa Tổng thống Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi năm 2019. Họ cũng có chương trình riêng để nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp.
Motorica đã đề xuất biến hòn đảo rộng 98 km2 này thành một đặc khu mà ở đó sẽ loại bỏ hết mọi rào cản về quy định và pháp lý đối với các thiết bị và cảm biến cấy ghép, với mục tiêu tăng tốc phát triển những công nghệ y tế sử dụng chúng.
"Nó sẽ có các quy định riêng, những ủy ban đạo đức được đơn giản hóa, giấy tờ được đơn giản hóa hay khả năng tiến hành một số hoạt động thí điểm mà không cần trải qua thử nghiệm lâm sàng và hơn thế nữa", Chekh nói.
Trụ sở hiện nay của Motorica đặt tại Trung tâm Sáng tạo Skolkovo ở thủ đô Moskva, một địa điểm quy tụ các công ty khởi nghiệp. Motorica có kế hoạch chuyển dần hoạt động sang đảo Russky và tạo thành một cụm công nghệ mới.
"Nếu so với Trung Quốc và Mỹ, Nga đương nhiên kém hơn nhiều trong việc phát triển, nhưng không phải ở tất cả mọi lĩnh vực", Chekh nhấn mạnh. "Với AI, có vẻ chúng ta khởi động hơi muộn nhưng ít nhất chúng ta có những lập trình viên giỏi nhất thế giới".
Tại một lớp học thuộc học viện chế tạo robot tư nhân Robocenter ở Vladivostok, ba em nhỏ 5 tuổi đang đứng bên cạnh một chiếc bàn lớn, trên tay cầm điều khiển từ xa.
Tác phẩm sáng tạo của các em, những robot tự động nhỏ cơ bản được tạo thành từ Lego, đang lao vào nhau.
Một bé gái trong nhóm hào hứng hét lên khi robot "công chúa" do em chế tạo đánh bại robot của những cậu bé. Trong lúc đó, một học viên khác đang gọi điện cho giáo viên nhờ giúp đỡ. "Em không biết lập trình nó như thế nào", cậu nói.
Trong 7 năm qua, Robocenter đã lập chi nhánh tại 7 địa điểm ở vùng Viễn Đông với 2.500 học viên. Khi tốt nghiệp, họ sẽ thành thạo mọi thứ, từ lập trình đến chế tạo robot dưới nước hay mô hình 3D và sẽ tham gia các cuộc thi robot quốc tế.
"Trước đây, học nhảy hay thể thao là xu hướng. Giờ là thời của robot", giám đốc Robocenter Sergei Moon nói. "Tôi biết mọi người thường hỏi nhau 'Bạn có đưa con đến câu lạc bộ robot không?', điều này dường như đã trở thành việc phải làm đối với không ít gia đình".
Nga từ lâu luôn tự hào về những đổi mới công nghệ robot của mình, trong đó có thành tích phóng robot Fedor có kích thước như người thật vào không gian năm 2019. Hồi đầu năm, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết Nga đang bắt đầu "sản xuất hàng loạt robot chiến đấu", thêm rằng chúng là "những robot thực sự có thể xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng với khả năng tự chiến đấu".
Những chiếc đầu robot bằng silicon không đạt chuẩn bị vứt vào thùng rác ở phòng thí nghiệm của Promobot ở Vladivostok. Ảnh: Washington Post.
Nhưng tại Robocenter, Dmitry Sapinsky, 16 tuổi, một trong những học viên giỏi nhất học viện, vẫn nhìn vào công nghệ robot của Mỹ bằng sự kinh ngạc. Em đặc biệt ngưỡng mộ các sản phẩm của Boston Dynamics như robot có khả năng nhảy đồng bộ theo nhạc. Sapinsky ước mơ được học tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, nhưng một đại học ở Moskva hay Petersburg có lẽ khả thi hơn, em nói.
Moskva có tham vọng biến vùng Viễn Đông trở thành một trung tâm công nghệ có khả năng cạnh tranh với phương Tây, song theo giới chuyên gia, họ vẫn còn cả chặng đường dài phía trước.
"Mọi người phải thực sự muốn tới đây", Moon nói. "Chúng ta phải cung cấp cho họ nhà ở vừa túi tiền, mức lương khá và những công ty tốt".
"Chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa những gì nhà chức trách quảng cáo và tình hình thực tế", ông cho biết thêm. "Thực tế là công nghệ robot ở Nga vẫn chưa thực sự phát triển và về lĩnh vực người máy công nghiệp, Nga còn chưa lọt vào top 10 thế giới".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC