Trong ảnh là cô gái Hà Nội Dương Vân Mai tại phi trường Cần Thơ trên đường đi phỏng vấn tù binh cộng sản năm 1965
Lúc này Mai đang làm việc cho RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu có hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ. Công việc khá đặc biệt đó là phỏng vấn và nghiên cứu về các tù binh Cộng sản với mục tiêu giúp người Mỹ tìm hiểu về những người ở phía bên kia. Thật trớ trêu, những tù binh này là đồng chí của chị gái Mai.
Mai là diễn giả trong phim Vietnam War, nói về tâm cảnh của 1 gia đình gốc Bắc chia hai vì ý thức hệ, có chị gái là cộng sản.
Mai còn tác giả cuốn sách "Cây liễu thiêng" được Nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành năm 1999 và sau đó được đề cử giải Pulitzer 2000
Số phận kỳ lạ của Dương Vân Mai
Sau khi kết hôn với con trai một giáo sư nổi tiếng của Đại học Harvard (Mỹ), Mai đã quay lại Việt Nam. Đối diện với Mai lúc này là những tù binh Việt Cộng, đồng chí của chính người chị ruột Mai.
Mai Elliott tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 11.2012 - Ảnh: Trường Sơn |
Trở về từ phía bên kia
Chúng tôi tình cờ “phát hiện” ra Mai Elliott (Dương Vân Mai) khi chị có mặt tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học được tổ chức tại Hà Nội hồi cuối tháng 11.2012. Thoạt đầu, khi được hỏi chuyện, chị khiêm tốn và nhỏ nhẹ nói rằng mình chỉ đi theo chồng chứ không phải là một chuyên gia hay nhà nghiên cứu về Việt Nam. Suốt ba ngày hội thảo, chị chỉ ngồi khiêm nhường ở phía sau chồng mình, Giáo sư David W.P.Elliott, dự trọn các phiên thảo luận tại tiểu ban về các vấn đề quốc tế.
Người phụ nữ tưởng như ngoại đạo và có bề ngoài trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thất thập ấy hóa ra từng tốt nghiệp ngành ngoại giao tại Đại học Geogretown từ thập niên 1960. Và điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn khi biết chị là hậu duệ đời thứ tư của hai danh sĩ, và cũng là hai anh em ruột, sống cuối thế kỷ 19 là Dương Lâm và Dương Khuê, thuộc dòng họ Dương nổi tiếng tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây xưa. Cụ Dương Khuê chính là nhân vật trong bài thơ nổi tiếng Khóc Dương Khuê của nhà thơ Nguyễn Khuyến.
Câu chuyện về dòng họ Dương, khởi đầu với một thầy phong thủy đã giúp cụ tổ của dòng họ Dương hồi cuối thế kỷ 18 cải vận cho đến những ly tán của gia đình Mai Elliott sau năm 1975, được chị kể lại trong cuốn hồi ký biên niên “The Sacred Willow, Four Generations in the life of a Vietnamese Family” (Cây liễu thiêng, Bốn thế hệ trong cuộc đời của một gia đình Việt Nam).
Cây liễu thiêng được Nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành năm 1999 và sau đó được đề cử giải Pulitzer 2000. Sách hiện đã trở thành một trong những tài liệu tham khảo “không thể không đọc” trong các giáo trình về lịch sử Việt Nam được sử dụng tại các đại học của Mỹ.
Cây liễu thiêng được ấp ủ từ thời ấu thơ khi Mai còn là một cô bé theo học trường Pháp ở Hà Nội từ thập niên 1940. Trong bữa cơm gia đình, cô thường hỏi bố chuyện đời trước.
“Đó cũng là thời gian mà nước Việt Nam liên tục trải qua những biến động, nên tôi thấy chuyện nhà mình cũng hay. Tôi đã hỏi bố tôi sao bố không viết sách kể lại chuyện gia đình. Bố tôi cười, bố viết thì ai đọc”, Mai Elliott nhớ lại.
Ước mơ viết một cuốn sách về lịch sử gia đình đeo đẳng Mai hàng chục năm trời. Sau khi người cha tạ thế năm 1979, sự thôi thúc về cuốn sách càng trở nên mạnh hơn.
Nhưng mãi đến năm 1993 cuốn sách mới may mắn được khởi động bắt nguồn từ chuyện… suy thoái kinh tế Mỹ. Ngân hàng địa phương nơi Mai Elliott làm việc do thua lỗ nên đã cho hơn 5.000 nhân viên nghỉ việc, trong đó có chị. “Người Mỹ có câu “Every cloud has a silver lining”, có nghĩa là trong cái rủi có cái may. Thế nên tôi nghĩ đây là cái rủi nhưng cũng là dịp tôi có thể thực hiện cuốn sách”, Mai Elliott kể lại.
Ngay trong năm ấy, chị trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau 20 năm xa cách. Chuyến đi ấy cũng là cuộc trở về cố hương Hà Nội sau hơn 40 năm kể từ cuộc di cư của gia đình họ Dương.
“Đó là một chuyến đi vô cùng xúc động. Sau gần nửa thế kỷ, tôi mới được gặp lại chị ruột mình. Năm 1954, khi gia đình tôi quyết định vào Nam thì chị ấy vẫn đang hoạt động ở vùng Việt Minh. Khi chị vào tiếp quản Hà Nội thì chúng tôi đã lên đường. Và rồi vì những biến động của lịch sử mà mãi đến lúc đó tôi mới được tái ngộ chị”, Mai Elliott nói.
Gia đình Mai Elliott tại Hải Phòng năm 1950 - Ảnh trích từ cuốn sách Cây liễu thiêng |
Mai Elliott đã mất 5 năm để hoàn thành cuốn sách. Ngoài chuyến trở lại Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn để thăm những nơi ngày xưa gia đình từng sống, gặp lại và phỏng vấn những người họ hàng, chị đã phải nghiền ngẫm hàng trăm cuốn sách về lịch sử Việt Nam qua các thời đại.
“Với hầu hết người Mỹ, Việt Nam chỉ là một cuộc chiến tranh. Nghĩ đến Việt Nam, họ chỉ nghĩ đến chiến tranh. Họ thực ra không hiểu rõ lịch sử Việt Nam ra sao, gia đình, phong tục tập quán, những điều mà người Việt trải qua các thời đại như thế nào. Mục tiêu viết sách của tôi rất giản dị, sách được viết cho chính những người Mỹ bình thường, ít hiểu biết về Việt Nam”, chị chia sẻ.
Biết rằng nếu viết về lịch sử một cách khô khan sẽ khó hấp dẫn người đọc hoặc nếu có đọc sẽ khó nhớ, Mai Elliott đã chọn cách tái hiện lịch sử qua chính câu chuyện của gia đình mình. “Người Mỹ vốn thích đọc sách về lịch sử các gia đình. Cuốn sách của tôi cũng có thể đọc dưới nhiều góc độ. Các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, còn những độc giả bình thường có thể đọc câu chuyện về số phận của một gia đình Việt Nam”, Mai Elliott nói.
Câu chuyện về sự ly tán của gia đình họ Dương là một ví dụ tiêu biểu cho những nỗi đau cá nhân mà nhiều gia đình người Việt đã trải qua trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động. Cha của Mai Elliott thuộc thế hệ giao thời khi nền văn hóa Nho giáo chuyển sang Tây học. Mặc dù không thực bụng muốn theo nhưng vẫn phải làm việc cho chính phủ bảo hộ của Pháp. Khi biết Thăng, con gái cả của mình cùng chồng hoạt động Việt Minh, ông và gia đình đã không hề phản đối.
“Gia đình tôi là một gia đình miền Bắc rất cổ truyền, cả nhà đùm bọc yêu thương nhau, không gì thay đổi được. Khi chị Thăng cùng chồng đi theo kháng chiến, bố mẹ tôi đã chấp nhận dù bố tôi rất sợ Việt Minh. Mẹ tôi nói đã là người Việt, lấy chồng rồi thì phải theo chồng. Anh ấy đi Việt Minh thì chị cũng nên theo chứ không thể nào bỏ nhau riêng lẻ được”, Mai Elliott cho biết.
Năm 1946, vợ chồng chị Thăng bí mật rời Hà Nội. Mãi đến năm 1950, vì nhớ gia đình quá nên chị đã từ vùng Việt Minh trở về Hà Nội, lúc đó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Pháp, để thăm nhà rồi lại quay lại vùng kháng chiến. Lúc ấy Mai Elliot không ngờ rằng phải 43 năm sau mới có dịp gặp lại chị gái mình.
“Mặc dù đang sống cuộc đời thoải mái của một gia đình khá giả ở thành phố, nay sống trong rừng, nhiều khó khăn gian khổ trong suốt 9 năm kháng chiến nhưng anh chị vẫn theo đến cùng. Đó là điều mà bố mẹ tôi rất khâm phục. Không chỉ có anh chị mà rất nhiều người trong họ hàng tôi cũng vậy. Chuyện buồn và cũng là điều duy nhất là cha mẹ tôi ân hận đến tận lúc mất là không được gặp lại chị”, Mai Elliott cho hay.
Năm 1954, ngay trước khi Việt Minh vào tiếp quản Hà Nội, gia đình Dương Vân Mai đã theo dòng người di cư vào Nam vì bố chị sợ việc mình đã từng làm cho chính phủ bảo hộ thì khi chính phủ mới vào gia đình sẽ không được yên ổn. Quãng thời gian đầy khốn khó ấy đến giờ vẫn in đậm trong ký ức của Mai Elliott khi gia đình vốn đang khá giả bỗng chốc trở thành tay trắng, vào đến Sài Gòn thì rơi vào cảnh vô gia cư, không nghề nghiệp. “Bố tôi lúc đó cũng không có việc làm, cảm giác của tôi lúc đó rất lạc lõng, tương lai thì mù mịt không biết sao”, Mai Elliott nhớ lại.
Thậm chí, với cô bé Mai, lúc ấy 13 tuổi, để hiểu được giọng nói của người miền Nam cũng đã là điều vô cùng khó khăn. Năm 1960, Mai là một trong số 15 học sinh Việt Nam giành được học bổng của Mỹ. Vốn là học sinh trường Pháp nên gia đình muốn cô sang Pháp học nhưng Mai nhất quyết chọn nước Mỹ. Sau 3 tháng học tiếng Anh, cô bắt đầu trở thành một sinh viên ngành ngoại giao tại Đại học Georgetown với ước mơ sẽ làm việc trong ngành này.
Năm 1961, Mai đã gặp người chồng tương lai, David Elliott, tại một bữa tiệc Giáng sinh dành cho những người Việt xa xứ ở Washington DC. Đó là cuộc gặp gỡ, như Mai nói, đã “thay đổi cả cuộc đời tôi”. Sau này, Mai phát hiện ra gia đình David cũng có những câu chuyện thú vị giống như gia đình mình. William Yandell Elliott, cha của David, là một học giả nổi tiếng tại Đại học Harvard và cũng chính là thầy của những sinh viên sau này trở thành Tổng thống J.F.Kennedy và Ngoại trưởng Henry Kissinger.
Khi quyết định tiến tới hôn nhân và làm đám cưới tại Sài Gòn, hai người đã gặp không ít rắc rối. Với Mai, việc kết hôn với một người nước ngoài, đặc biệt lại là một người Mỹ, là chuyện tày đình. Còn với David, việc lấy vợ Việt Nam cũng đòi hỏi những hy sinh cá nhân. “Ước mơ của David lúc đó là sẽ làm việc trong ngành ngoại giao của Mỹ nhưng việc kết hôn với một người nước ngoài vào thời điểm đó khiến cho mong muốn của David sẽ rất khó thực hiện được”, Mai Elliott nói.
Vượt qua tất cả, lễ cưới cuối cùng đã diễn ra vào năm 1964. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Mai Elliott cùng chồng quay lại Việt Nam và làm việc cho RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu có hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ. Công việc của vợ chồng Mai Elliot tại RAND khá đặc biệt. Đó là phỏng vấn và nghiên cứu về các tù binh Cộng sản với mục tiêu giúp người Mỹ tìm hiểu về những người ở phía bên kia. Thật trớ trêu, những tù binh này là đồng chí của chị gái Mai.
Mai Elliott tại Vân Đình (Hà Tây cũ) trong chuyến trở về Việt Nam năm 1993 - Ảnh nhân vật cung cấp |
Sợi dây gắn kết
Năm 1968, Mai rời Việt Nam và định cư hẳn tại Mỹ. Năm 1973, Mai về thăm gia đình. Đây là chuyến về lần chót trước khi chiến tranh chấm dứt. “Sau khi người Mỹ rút lui, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn còn rất mạnh, quân đội có tới hơn một triệu người. Thành ra tôi nghĩ chắc chiến tranh sẽ còn kéo dài không biết bao giờ mới kết thúc. Nhưng không ngờ, chính phủ ông Nguyễn Văn Thiệu là chính phủ trống rỗng, khi Mỹ rút đi rồi thì không còn sức lực”, Mai Elliott nói.
Năm 1975, vào những giờ phút cuối cùng trước khi quân đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, gia đình Mai Elliott được đưa khỏi miền Nam và tới Mỹ trước khi ly tán khắp nơi.
Sau khi Cây liễu thiêng ra đời và trở nên nổi tiếng, cuộc sống của Mai Elliott không có nhiều thay đổi. Sự thay đổi lớn nhất là cuốn sách đã mang lại cho chị là cơ hội đi khắp nước Mỹ để nói chuyện về lịch sử của gia đình mình, lịch sử của dân tộc Việt Nam. Mai nói, với nhiều người Mỹ, Việt Nam chỉ là một cuộc chiến tranh và cuộc chiến ấy đã kết thúc từ 1975. “Thế nhưng họ không biết rằng cuộc chiến ấy thực ra vẫn còn tiếp diễn ngay cả khi họ đã rút đi và còn kéo dài đến mãi sau này trong nhiều thân phận, nhiều gia đình người Việt”, Mai Elliott nói.
Điều quan trọng hơn, với Mai Elliott, là việc chị đã giúp người Mỹ phần nào hiểu được về thế giới bí ẩn và sự liên kết bền chặt của những gia đình Việt Nam.
Sự trớ trêu của lịch sử đã đưa những người con của dòng họ Dương cũng như bao gia đình khác theo những ngả đường khác nhau, thậm chí vào những hoàn cảnh nghiệt ngã “huynh đệ tương tàn”. Nhưng cuối cùng, không điều gì có thể khiến họ làm đứt sợi dây gắn kết tưởng chừng như rất mong manh ấy.
Nguyên Phong
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử
© 2024 | Thời báo ĐỨC