Tôi là một người mau nước mắt, chuyện nhỏ như con kiến cũng rơi lệ. Và sau rất nhiều lần lấy nước mắt làm đầu câu chuyện thì tôi hiểu rằng, trong con mắt của mọi người, nước mắt của tôi chẳng còn chút giá trị nào nữa. Đơn giản chỉ là biểu hiện của thứ cảm xúc không kiểm soát được lúc bấy giờ mà thôi.
Và có lẽ vị Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắc Lắc cũng là người mau nước mắt. Trước khi bị dẫn giải về nhà để khám xét nơi ở vì có liên quan đến đại án tại Công ty Việt Á, ông đã khóc khi ôm từng nhân viên cơ quan.
Nói ông là người mau nước mắt bởi ông là người thứ 40 bị bắt trong vụ đại án này. Trước ông, chưa có cán bộ nào lúc bị bắt lại thể hiện một cách “giàu cảm xúc” thế. Thậm chí ngay trước khi vướng lao lý, nhiều giám đốc CDC các tỉnh vẫn còn rất bình tĩnh mà khẳng định rằng: “Không nhận đồng nào từ Việt Á”.
Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế – người đã bị bắt, cũng đã nói không chớp mắt: “Đời tôi biết những thứ đó nhạy cảm…nên chẳng bao giờ nghĩ đến “hoa hồng”…. Việt Á dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng”. Đúng là Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế không uống cà phê thật mà ông chỉ ăn “hoa hồng”. Để rồi, câu nói của ông đã “tiên tri” cho chính ông.
Nếu so với các Giám đốc CDC Bắc Giang – người được cho là nhận mức “hoa hồng” cao nhất lên đến 44 tỷ, hay Giám đốc CDC Hải Dương nhận 24 tỷ mà lúc bị bắt vẫn rất bình tĩnh, miệng còn nhếch nhẹ nụ cười trong một khoảnh khắc nào đó, thì nói Giám đốc CDC Đắc Lắc mau nước mắt cũng không sai.
Theo cơ quan điều tra, ông Trịnh Quang Trí (Giám đốc CDC Đắc Lắc) nhận hơn 3 tỷ đồng tiền “lại quả” cho hợp đồng mua sắm với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng. Số tiền này được chia cho 4 đồng phạm, chứ không hẳn ông được “ăn” cả.
Bản án sẽ căn cứ vào mức độ sai phạm của từng cá nhân nhưng dù là nhận “hoa hồng” vài trăm triệu hay đến hàng chục tỷ thì kết cục điểm đến cũng giống nhau… Nước mắt rơi có lẽ vì vậy.
Công ty Việt Á bị khởi tố và mở rộng điều tra từ cuối năm ngoái. 800 tỉ đồng tiền “hoa hồng” đã rơi vào túi cán bộ, giữa lúc nhân dân cả nước khó khăn, nhiều người lâm vào cơn bĩ cực chưa từng có vì dịch bệnh. Những “viên đạn bọc đường” đã hạ gục trên dưới 40 quan chức trong ngành Y và có lẽ chưa dừng lại ở đó…
Thời gian 6 tháng những tưởng đủ để những ai có “tật” không còn giật mình mà sẵn sàng chịu trách nhiệm như cách họ chẳng ngần ngại ngửa tay nhận “hoa hồng” trước đó. Nhưng không, người mau nước mắt vẫn đổ lệ.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh: Suốt cuộc đời này tôi sẽ luôn nói lời xin lỗi. Ảnh: Đình Thành
Như thành một lệ bất thành văn là quan chức Việt Nam lỡ bị nhập kho rồi thì thế nào ra toà cũng ỉ eo khóc lóc. Không thấy ông nào nhảy lầu tự sát vì đã “Làm thất thoát” hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước mà chỉ thấy các ông ấy béo tốt đi ra toà để khóc với để lóc…
Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) trong vụ án Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh
Bị cáo Hùng nhiều lần khóc tại phiên phúc thẩm cuối năm 2017. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Lẽ thường, nước mắt là sự hiện thân của nhiều cảm xúc, ý nghĩa. Nhưng có những giọt nước mắt không làm người ta thương cảm. Như giọt nước mắt của vị “quan” CDC Đắc Lắc dù thể hiện sự hối hận hay đớn hèn, cũng không còn giá trị. Chắc chẳng làm mấy ai xúc động, có chăng chỉ thấy chút hài hước mà thôi…/.
Nguồn: VOV
© 2024 | Thời báo ĐỨC