PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng thương mại hóa các cuộc thi sắc đẹp
Hoa hậu Doanh nhân toàn cầu (Miss Business Global) Nguyễn Thị Thảo (giữa) bị ban tổ chức cuộc thi tước vương miện, thu hồi các vật phẩm đăng quang vì lý do “không hoàn thành nhiệm vụ”. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng nhiễu loạn thi hoa hậu Việt. Phải chăng đó là hậu quả của việc buông lỏng tổ chức thi hoa hậu?
- PGS-TS BÙI HOÀI SƠN: Thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến khá nhiều câu chuyện lùm xùm liên quan đến các cuộc thi người đẹp. Tôi cho rằng đây là hậu quả của việc buông lỏng trong công tác quản lý và tổ chức các cuộc thi này.
Nhu cầu làm đẹp và tôn vinh sắc đẹp là có thực trong xã hội. Khi đã là nhu cầu xã hội thì các sự kiện liên quan đến tôn vinh sắc đẹp được tổ chức, đáp ứng những nhu cầu đó cũng sẽ là tất yếu. Các công ty tổ chức sự kiện đã nhận thấy nhu cầu này và biến việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thành cơ hội thu lợi nhuận.
PGS-TS BÙI HOÀI SƠN
Đối với văn hóa Việt Nam, tôn vinh bất kỳ lĩnh vực gì, chúng ta cũng luôn nghĩ đến "tài đức vẹn toàn". Trong lĩnh vực sắc đẹp cũng vậy. Những giá trị "công - dung - ngôn - hạnh" của phụ nữ cũng phải được soi xét đối với những danh hiệu người đẹp.
* Năm 2022 có tới 30 hoa hậu đăng quang. Ông có nghĩ việc cấp phép quá dễ dàng, chỉ cần ý kiến của các sở quản lý văn hóa đã dẫn đến tình trạng này?
- Nhu cầu tổ chức các cuộc thi sắc đẹp đã khiến các công ty tổ chức sự kiện tìm mọi cách để tổ chức các cuộc thi này. Họ có thể chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện nhưng lại thiếu tinh tế trong việc đào tạo, chuẩn bị tâm thế cho những người đẹp tham gia cuộc thi, đặc biệt là những người đoạt vương miện để gánh vác trách nhiệm xã hội, phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhiều người đoạt vương miện đã có những ứng xử, phát ngôn chưa chuẩn mực, thể hiện sự thiếu hướng dẫn, đào tạo từ các công ty tổ chức sự kiện.
* Nhiều ý kiến cho rằng tổ chức thi hoa hậu ở các địa phương là để kích cầu du lịch giới thiệu văn hóa. Tuy nhiên, nếu không tổ chức bài bản, nghiêm túc thì sẽ dẫn đến tác dụng ngược, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tổ chức thi hoa hậu có thể được sử dụng như một cách phù hợp để giới thiệu văn hóa và tăng cường du lịch ở một địa phương cụ thể. Tuy nhiên, nếu cuộc thi không được tổ chức bài bản và nghiêm túc thì nó có thể gây tác động ngược và góp phần làm mất đi giá trị và ý nghĩa của hoạt động này; thậm chí ảnh hưởng đến lòng tin của công chúng, thương hiệu của sự kiện và địa phương.
Ngoài ra, việc coi trọng ngoại hình mà thiếu đi sự cân nhắc đến tri thức và cả những giá trị khác trong một cuộc thi hoa hậu có thể gây ra áp lực và tổn hại đến hình ảnh cá nhân, đặc biệt là với các thí sinh trẻ. Vì vậy, việc tổ chức cuộc thi hoa hậu nên được thực hiện một cách cẩn thận, tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn đạo đức, tôn trọng các giá trị chung để bảo đảm rằng cuộc thi sắc đẹp có thể góp phần tích cực vào việc giới thiệu văn hóa và phát triển du lịch.
* Để xảy ra những ồn ào, theo ông, cần đánh giá trách nhiệm của ban giám khảo, những đơn vị tổ chức và rộng hơn nữa là vai trò quản lý nhà nước đối với các cuộc thi hoa hậu như thế nào?
- Để định rõ trách nhiệm trong việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, cần xem xét vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm ban giám khảo, các đơn vị tổ chức và cả các cơ quan quản lý nhà nước. Ban giám khảo cần làm việc một cách công bằng và minh bạch, không để bị ảnh hưởng bởi áp lực hay sự chi phối từ bất kỳ bên nào. Các đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu cần bảo đảm quy trình tổ chức cuộc thi được thực hiện một cách nghiêm túc và tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn đạo đức.
Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là bảo đảm các cuộc thi hoa hậu được tổ chức theo quy định và tiêu chuẩn. Trên cơ sở Nghị định 144, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các địa phương cần thực hiện tốt vai trò quản lý, thanh tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh, mang tính làm gương đối với các hoạt động liên quan đến cuộc thi hoa hậu.
Tổ chức cuộc thi hoa hậu là trách nhiệm chung giữa ban giám khảo, đơn vị tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và sự nhất quán trong việc thiết lập và áp dụng các quy tắc, quy định và tiêu chuẩn nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch và chất lượng của cuộc thi.
* Đại diện một đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu cho rằng nên coi cuộc thi hoa hậu là một chương trình giải trí, hoa hậu là nhân vật giải trí, thuộc nền công nghiệp giải trí nên đừng kỳ vọng quá nhiều. Quan điểm của ông ra sao?
- Theo tôi, quan điểm này là một quan điểm cá nhân và cũng đáng để xem xét. Một trong những lý do để coi cuộc thi hoa hậu là một chương trình giải trí là vì các cuộc thi hoa hậu thường được tổ chức và quảng bá như một sự kiện giải trí. Tuy nhiên, nhận thức về việc cuộc thi hoa hậu là một chương trình giải trí không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Một số người cho rằng việc gắn nhãn hoa hậu như một nhân vật giải trí có thể làm giảm giá trị và ý nghĩa của cuộc thi, cũng như ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về vai trò và trách nhiệm của hoa hậu trong xã hội.
Việc coi cuộc thi hoa hậu như một chương trình giải trí phụ thuộc vào cách nhìn nhận của từng người. Trong quá trình tổ chức, các đơn vị cần phải chịu trách nhiệm đối với cách tiếp cận, xây dựng một hình ảnh tích cực và đáng tin cậy cho cuộc thi hoa hậu.
* Việc tổ chức thi hoa hậu hiện nay được đánh giá là quá dễ dãi, theo ông, có nên siết lại việc cấp phép thi hoa hậu, người đẹp?
- Tôi đồng ý với việc cần sớm có những giải pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh lại việc cấp phép thi hoa hậu, người đẹp.
HOÀNG LAN ANH thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động
© 2024 | Thời báo ĐỨC