Khảo sát gây sốc của Trung Quốc: Dân trí càng thấp càng dễ tin và ủng hộ tuyên truyền

Gần đây, một báo cáo khảo sát của Đại học Nhân Dân Trung Quốc cho thấy, những người ở tầng lớp xã hội thấp hơn và có trình độ học vấn thấp hơn thì càng dễ tin vào những tuyên truyền chính thức như “Đông thăng Tây hạ” hoặc “Trung Quốc dẫn đầu về công nghệ”…. Do số lượng người ở tầng lớp thấp đông, nên loại cảm giác về “quốc gia hùng mạnh” cũng trở nên phổ biến hơn.

1 Khao Sat Gay Soc Cua Trung Quoc Dan Tri Cang Thap Cang De Tin Va Ung Ho Tuyen Truyen

Vào ngày 6/9, Trung tâm Khảo sát và Dữ liệu Trung Quốc thuộc Đại học Nhân Dân đã công bố một báo cáo có tên “Khảo sát nhận thức về đổi mới công nghệ quốc gia”. Khảo sát này được cho là thực hiện vào tháng 7, với đối tượng là 3.114 cư dân từ 31 tỉnh thành trên toàn quốc, chủ yếu từ 18 đến 60 tuổi.

Nội dung khảo sát bao gồm nhận thức của công chúng về tình hình đổi mới công nghệ, những thách thức và động lực của “đổi mới công nghệ”, khả năng và các yếu tố ảnh hưởng đến “đổi mới công nghệ” của doanh nghiệp, v.v.

Nhiều cơ quan truyền thông của ĐCSTQ đã đưa tin về báo cáo này, nhưng người dùng Weibo phàn nàn rằng chỉ thấy những bài viết “tích cực” từ chính phủ mà không tìm thấy văn bản gốc của báo cáo, “giống như việc bác bỏ tin đồn, nhưng không nói rõ bác bỏ cái gì”. Một số người dùng còn chế giễu, “chính phủ lo ngại rằng nếu công bố nội dung, họ sẽ không kiểm soát được góc nhìn giải thích”.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông tự do trong nước của Trung Quốc đã phát hành nhiều bài viết phân tích từ các góc độ khác nhau, bao gồm thông tin “hơn 90% người được hỏi cho rằng hệ thống giáo dục cần cải cách sâu sắc”, “96,15% người được hỏi cho rằng cần học hỏi và giao lưu với bên ngoài”, “điểm số đổi mới của doanh nghiệp nhà nước khá thấp”, v.v.

Một trong những góc nhìn được chú ý là “người có trình độ học vấn thấp hơn thường lại tự tin hơn”, “những người tin rằng họ đang dẫn đầu thường nằm ở tầng lớp xã hội thấp”.

Báo cáo cung cấp các biểu đồ cho thấy, trong lĩnh vực “thành tựu đổi mới công nghệ”, mức độ công nhận của công chúng đối với ba lĩnh vực: Internet công nghiệp, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, cùng với sinh học dược phẩm, đều thấp nhất, tổng điểm đều dưới 4 điểm, và người có trình độ học vấn cao hơn thì đánh giá càng thấp.

Lấy trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn làm ví dụ, người được hỏi có trình độ “trung học cơ sở trở xuống” cho điểm 4,12, nhưng khi trình độ học vấn tăng lên, điểm số bắt đầu giảm mạnh, người có trình độ học vấn cao nhất là “tiến sĩ” chỉ cho 3,45 điểm. Điểm số trong lĩnh vực sinh học dược phẩm cũng có phân bố tương tự.

Một người dùng mạng xã hội đã chế giễu:

“Có thể thấy rằng trình độ học vấn thấp hơn thì tự tin hơn, càng nhiều kiến thức lại càng giống phản động. Báo cáo cho thấy những người có trình độ học vấn thấp cho điểm cao hơn, nhưng mong muốn mua sắm và giới thiệu lại không cao. Đây có lẽ chính là cái gọi là ‘cơ thể rất trung thực’” (ý nói ngoài miệng có thể nói thế này, nhưng hành động của cơ thể lại thế khác, như chửi mắng Mỹ là công việc còn sang Mỹ là mục đích sống vậy).

Cũng có một bài viết tự do phân tích một dữ liệu khảo sát khác, chỉ ra rằng “những nhóm ở tầng lớp xã hội thấp thường có xu hướng công nhận logic ‘dẫn đầu’ hơn.”

Khảo sát này đã thiết kế hai quan điểm trái ngược về vấn đề gọi là “phát triển và an ninh.”

Một quan điểm là: “Phát triển là nền tảng của an ninh, không phát triển là sự không an toàn lớn nhất. Trình độ công nghệ của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách với phương Tây, cần phải đuổi kịp, và chính sách quản lý nên khuyến khích hơn là hạn chế.” Quan điểm khác là: “An ninh là bảo đảm cho phát triển, không có an ninh thì không có phát triển. Thà công nghệ có phần tụt hậu một chút cũng phải bảo đảm an ninh trước”.

Một bài viết tự do phân tích rằng, trước hết, các doanh nhân tư nhân là nhóm tỉnh táo nhất, họ cho điểm cao nhất cho quan điểm một, và giáo viên đại học hoặc học giả từ các viện nghiên cứu cho điểm thấp nhất cho quan điểm hai, điều này cho thấy những doanh nhân tham gia trực tiếp vào cạnh tranh thị trường và những người làm nghiên cứu hiểu rõ rằng công nghệ của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách với các nước phát triển.

Thứ hai, nhóm người thất nghiệp hoặc không có việc làm cho quan điểm một điểm số thấp nhất, cho thấy họ chủ yếu tin rằng Trung Quốc đã “dẫn đầu xa” so với phương Tây, vì vậy họ coi an ninh là ưu tiên hàng đầu.

Thứ ba, tầng lớp tinh hoa trong bộ máy nhà nước có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của phát triển công nghệ, nhưng thiếu động lực cải cách.

Thứ tư, điểm số của giáo viên trung học cơ sở, phổ thông và học sinh đang theo học gây thất vọng, họ là hai nhóm có điểm số cao nhất cho quan điểm hai. Hơn nữa, một dữ liệu khác trong báo cáo cho thấy, thanh niên từ 18 đến 24 tuổi có mức độ công nhận đổi mới của doanh nghiệp tư nhân rất thấp. Điều này cho thấy họ không rõ động lực phát triển thực sự của Trung Quốc là gì, mà chỉ bị giới hạn trong nhận thức theo ngữ cảnh tuyên truyền.

Nguyên nhân nằm ở chỗ, các trường học ở Trung Quốc ngày càng tách rời với xã hội, ngày càng khép kín, và chức năng giáo dục đang chuyển sang “rèn luyện tư tưởng” cho học sinh một cách nhanh chóng.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày