"Dịch phông bạt"

Khi một số người "phông bạt" cuộc sống sang chảnh lên mạng xã hội, sẽ tạo áp lực lên nhiều người khác cũng phải thể hiện. Thế là người người nhà nhà trở nên sang chảnh trên mạng xã hội. Rồi "dịch" phông bạt trí tuệ, quan hệ, bằng cấp, địa vị, công việc, trải nghiệm… cũng tràn ngập mạng xã hội.

Theo các nghiên cứu về "hành vi tiêu dùng" gần đây của một số tổ chức uy tín thì gen Z (những người sinh từ 1995 đến 2015) trên thế giới trung bình dành 3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, nhiều nhất so với các thế hệ khác. Gen Z gần như làm mọi thứ ở trên mạng xã hội, nhiều nhất là Tiktok, Instagram và Youtube.

Mạng xã hội là kênh khám phá sản phẩm số 1 của gen Z, với 43% mua đồ trên các nền tảng mạng xã hội trong 3 tháng qua. Ngoài ra, gen Z sử dụng mạng xã hội cho giải trí, giáo dục, và giao tiếp xã hội.

Gen Z rất tin tưởng vào những người có ảnh hưởng (influencers) trên mạng xã hội. Họ tin vào influencers hơn cả vào bạn bè và gia đình. Họ dõi theo các influencers bởi vì có tính kết nối, sự đồng hành, và truyền cảm hứng. Họ không chỉ bị influencers ảnh hưởng về hành vi tiêu dùng mà còn bị ảnh hưởng về quan điểm cá nhân và thế giới quan.

1 Dich Phong Bat

Một số người có hình ảnh trên mạng xã hội và ngoài đời thực khác xa nhau (Ảnh minh họa tạo bởi AI).

Trước hết cần khẳng định rằng nhiều influencers là những người có ảnh hưởng tích cực, do vậy tôi không dám nói là tất cả, tuy nhiên thực tế cũng có những người đạt đến vị trí influencers nhờ "phông bạt", từ tiền bạc, địa vị, quan hệ, công việc, phong cách sống … cho đến tình yêu, hôn nhân, gia đình. Báo chí đã đăng tải những ví dụ cụ thể tôi xin không nhắc lại ở đây.

Những influencers này sẽ tạo ra rất nhiều áp lực lên các bạn gen Z. Hơn thế nữa, họ đưa ra rất nhiều "lời khuyên" và "chân lý" trên trời dưới đất làm các bạn gen Z chạy theo, mất phương hướng và bị xa rời thực tế.

Còn bản thân các influencers "phông bạt" thì phải phát triển và duy trì vị trí ảnh hưởng của mình, càng ngày càng phải tạo ra nhiều nội dung "phông bạt" các kiểu trên trời dưới đất. Mà như thế thì lại càng có nhiều người theo dõi. Các bạn trẻ nếu cứ "tiêu dùng" loại nội dung này thì càng ngày càng hoang mang lạc lối. Càng hoang mang lại càng đi kiếm các influencers để học hỏi. Cái vòng xoáy này không biết sẽ đi về đâu?

Vừa qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê mới lộ ra nhiều người "phông bạt" ngay cả khoản tiền cứu trợ bão lụt đồng bào. Tôi không nghĩ là có nhiều người ban đầu muốn "phông bạt" như vậy đâu. Nhưng khi họ thấy những con số quá lớn (họ đâu biết đó là "phông bạt") được chia sẻ trên mạng xã hội, họ bị áp lực cũng phải làm gì đó cho bằng chị bằng em. Mà điều kiện không đủ, thế nên họ phải đành chỉnh sửa sao kê của mình, thế nên "phông bạt" nhiều khi có tính "truyền nhiễm" như bệnh dịch vậy.

Rồi nhan sắc cũng không thoát. Nếu giải phẫu thẩm mỹ tốn kém và nguy hiểm quá thì đã có filter (bộ lọc), rồi thì chỉnh sửa nhờ trí tuệ nhân tạo (AI). Ai trên mạng xã hội nhìn cũng lung linh cả.

Rồi cơn dịch này lây lan sang cả tình yêu, hôn nhân, gia đình. Nhiều cặp yêu thương nhau thắm thiết, tâm đầu ý hợp, hạnh phúc tràn trề ở trên… mạng.

Có những bạn trẻ trải nghiệm còn thiếu, mà lại xem mạng xã hội nhiều quá, nhìn qua nhìn lại thấy sao mọi người đẹp quá, giỏi quá, thành công quá, giàu quá, làm chuyện tốt nhiều quá, tình yêu hôn nhân gia đình viên mãn quá…, đâm ra thấy mình sao tệ quá. Một số bạn cố gồng lên cho có "phông bạt" với người ta. Một số khác lại đâm ra tự ti mà thấy mình yếu kém rồi dằn vặt bản thân.

"Dịch" phông bạt có tác hại đến con người và xã hội nhiều hơn là chúng ta tưởng.

Bản thân bạn, cuộc sống của bạn, tình yêu của bạn, công việc của bạn, gia đình của bạn có thể là không lung linh lấp lánh như những thứ "phông bạt" bạn thấy trên mạng (và thậm chí là cả ở ngoài đời nữa, ngoài đời không thiếu phông bạt đâu nhé) nhưng nó là thật, nó là của bạn.

Cuộc sống thật sẽ có nhiều khó khăn, nhiều khiếm khuyết nhưng nếu bạn cố gắng mỗi ngày thì mọi thứ sẽ dần tốt lên. Tôi tin là như vậy.

Tác giả: 

Tiến sĩ Hồ Đắc Nguyên Ngã hiện là Phó Giáo sư Marketing tại Đại học San Francisco State, Mỹ.

Ông lấy bằng Tiến sĩ ngành Marketing tại Đại học Utah, Mỹ, Thạc sĩ ngành Kinh doanh Quốc tế tại Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan, và Kỹ sư ngành Xây dựng tại Đại học Bách Khoa TPHCM.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày