Chân dung Lugwig van Beethoven (1770 – 1827)
Một nhóm các nhà âm nhạc và lập trình viên đang chạy đua để hoàn thành một phiên bản giao hưởng số 10 còn dang dở của Beethoven bằng AI trước lễ kỷ niệm 250 năm sinh của ông vào năm tới. (Nguồn: AFP)
Một vài ghi chú được viết nguệch ngoạc trong sổ tay - đó là tất cả những gì thuộc về "Bản giao hưởng thứ 10" mà nhà soạn nhạc danh tiếng người Đức Ludwig van Beethoven đã để lại trước khi ông qua đời vào năm 1827.
Giờ đây, một nhóm nhà nghiên cứu âm nhạc và lập trình viên đang chạy đua với thời gian để hoàn tất phục dựng tác phẩm dở dang này với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) trước lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven vào năm tới.
Bà Christine Siegert, Chủ nhiệm Phòng lưu trữ thuộc Bảo tàng Beethoven (Beethoven House) ở thành phố Bonn - quê hương của nhà soạn nhạc người Đức, cho biết: "Tiến trình phục dựng trên máy tính đang diễn ra rất ấn tượng, ngay cả khi chiếc máy tính này vẫn còn nhiều điều phải học hỏi."
Bà Siegert đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng Beethoven nếu còn sống chắc hẳn sẽ rất thích và sẽ chấp thuận ý tưởng thể hiện bản nhạc thông qua AI vì lúc sinh thời ông cũng là một người rất sáng tạo, cụ thể là với các tác phẩm của ông dành cho panharmonicon - một loại đàn organ tái tạo âm thanh của nhạc cụ gõ và tiếng gió thổi.
Trong dự án do Deutsche Telekom tài trợ, phần mềm học máy (machine-learning) đã được "nạp" tất cả các tác phẩm của Beethoven, để rồi sau đó phục dựng "Bản giao hưởng số 10"còn dang dở theo đúng phong cách của nhà soạn nhạc này, dựa trên những dữ liệu rời rạc.
Kết quả cuối cùng của dự án sẽ được một dàn nhạc chuyên nghiệp trình diễn vào ngày 28/4/2020 tại Bonn.
Sự kiện này cũng được xem là tâm điểm cho lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven - nhà soạn nhạc đã mở đường cho kỷ nguyên lãng mạn của âm nhạc cổ điển.
Theo bà Siegert, việc ứng dụng AI trên bản thảo của Beethoven sẽ không gây ảnh hưởng đến di sản của ông, vì trên thực tế dự án này không được tính là một trong số các tác phẩm của nhà soạn nhạc.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học ứng dụng AI để phục dựng các tác phẩm âm nhạc.
Trước đó, sự kết hợp giữa công nghệ AI và các tác phẩm của các nhà soạn nhạc danh tiếng khác như Bach, Mahler và Schubert đã cho thấy kết quả không thực sự ấn tượng.
Trong một dự án hoàn tất đầu năm nay, "Bản giao hưởng số 8" của Schubert thể hiện qua công nghệ AI đã bị các nhà phê bình chê là giống nhạc phim Mỹ hơn là tác phẩm của nhà soạn nhạc người Áo./.
Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC