Ảnh chụp màn hình
Nhà thơ lớn tự hào: “Việc chọn bài Bắt Nạt vào SGK là một sự tiến bộ của nền giáo dục vì chọn đúng cái hay nhất, tốt nhất cho trẻ em và dám chọn cái mới có thể gây tranh cãi”. Ngài mắng những ai báng bổ ngài là “não ngắn”, “lạc hậu”, “bảo thủ”… Ngài thách: “Nếu chứng minh Bắt Nạt là bài thơ dở, các bạn xứng đáng được trao giải Nobel Văn học”.
Thấy dư luận chê, chửi bài thơ dở. Lại thấy nhiều trí thức Bắc Hà khen hay và cổ vũ nên đưa đề tài “bắt nạt” vào nhà trường, vì đó là vấn đề nóng. Tôi sợ hãi, “kính nhi viễn chi”.
Nhưng nay nghe ngài có đủ uy quyền trao giải Nobel văn học cho ai chỉ ra bài thơ của ngài là dở. Tôi mạo muội học tập sự khiêm tốn của anh Bình Ruồi, chỉ xin nửa giải. Có nghĩa là nếu ngài không đủ uy quyền, nhưng đoạt giải Nobel, thì chia lại tôi một nửa vậy!
Theo tôi, so với thơ cho thiếu nhi, đây là bài thơ dở toàn diện, dở chưa từng có. Dở từ thể thơ, cấu tứ, đến ngôn ngữ.
1. Về thể thơ, bài thơ làm theo thể ngũ ngôn, mỗi khổ 4 câu, kéo dài kẹo kéo đến 8 khổ.
Cũ như miếng giẻ lau nhà. Gọi là kéo dài kẹo kéo, vì ý rất nghèo mà lê thê, dài dòng. Nôm na, có thể túm cái váy lại, rằng bắt nạt là không nên, đứa nào bắt nạt thì bảo nó gặp tao, tao bắt nạt lại cho!
Chỉ có vậy mà kéo dài đến 8 khổ, tổng cộng 32 câu! Nếu một học trò có cá tính, ắt nó như thằng cu Tuẫn trong Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, sẽ đứng lên vặn thầy cô dạy nó: “Có thế mà cũng loằng nhoằng?”. Gặp thầy cô Bắc Hà, học trò đó ăn tát là cái chắc! Học thơ mà không được yêu thương, chia sẻ, lại bị ăn tát thì thà đi chăn bò còn hơn!
2. Về cấu tứ, một bài thơ hay, nói như Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long, hình và ý gặp nhau.
Song le, ở bài thơ này, ý thì nghèo như cái máng đã bị vét khô, mà hình thì lều phều như rác thải không biết tấp vào đâu. Cái hình tổng quát của bài thơ là nhà thơ, nhân vật trữ tình, khệnh khạng ngồi trong đền phán. Trong khi trẻ em bị coi là con mèo, con chó quỳ gối nghe thánh phán. Tiếc là ngài phán như con ngáo ộp! Tóm lại là có ý mà không có hình, trừ thứ rác thải lều phều qua những híp hóp, mù tạt…
Cấu tứ như vậy thì hình tượng, ngôn ngữ cũng chẳng có gì phải bình. Không có chữ nghĩa nào có tính tạo hình. Chỉ có một câu: “Vì bắt nạt rất hôi” có vẻ có chất thơ, nhưng là thơ thẩn, theo nghĩa lẩn thẩn của thằng già giả làm con nít.
3. Tôi đành chỉ bình ý trong từng khổ vậy
Mở đầu bằng lời kêu gọi tỏ vẻ thân thiện: “Bắt nạt là xấu lắm/Đừng bắt nạt, bạn ơi/Bất cứ ai trên đời/Đều không cần bắt nạt/”. Kêu gọi như vậy để bọn trẻ con đổ xô đến xem và nghe ngài phán.
Ngài biết sẽ có đứa lểnh lảng không nghe, ngài vặn:
“Tại sao không học hát
Nhảy híp-hóp cho hay
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt
Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?”.
Nghe ngài mang chuyện hát hò, híp hóp ra dụ, ắt bọn trẻ rất thích. Bởi “thời gian trong một ngày” thầy cô lấy hết bằng bắt ép học chính khóa, học thêm, rồi cả đêm làm bài tập, bây giờ được ngài cho ăn món “trái cấm” ở địa đàng hộp đêm, đứa nào chẳng thích? Hình ảnh này dở ở chỗ, ngài nhổ nước bọt vào mặt thầy cô giáo mà các nhà làm sách lại cho là hay!
Thật dở hơi khi ngài mang mù tạt ra dọa con nít:
“Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yêu làm gì
Sao không trêu mù tạt?”.
Bọn trẻ bây giờ dám đi trên mẻ chai, đi trên lửa than, đua xe ầm ầm nữa kia, chứ mù tạt ăn với tôm sống và lá cải, đứa nào cũng ăn được dễ dàng. Thử thách vậy thì chỉ có đế quốc Mỹ, con cọp giấy, mới sợ, ngài ngáo ạ!
Dở nhất là ngài lại đi khen, đi yêu cái nhút nhát, nền tảng của sự hèn sau này:
“Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn…?”.
Tôi hiểu, ngài khen, ngài yêu sự nhút nhát để sau này bọn trẻ thành kẻ hèn mạt để các ngài dễ bắt nạt? Thường muốn bắt nạt thì người như ngài chỉ bắt nạt đứa nhút nhát, hèn mạt, chứ mà dám bắt nạt đứa gan góc như tôi?
Trẻ em nhút nhát thì tôi thương và dạy chúng tự tin, dũng cảm. Nhưng lớn lên mà hèn thì tôi rất ghét. Thật đấy!
Không chỉ dở mà còn lãng nhách khi ngài tự tin khuyên can như Liên hiệp quốc khuyên can cả thế giới:
“Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn”.
Giời ạ, Liên hiệp quốc lâu nay vẫn khuyên can như vậy nhưng mấy thằng to con lớn xác đứa nào cũng bảo “đ*o thèm nghe!”.
Việt Nam ta “lừng lững năm châu”, cùng với Cu Ba canh giữ hòa bình thế giới mà cũng chỉ khiêm tốn: “rất quan ngại”. Trong khi ngài chỉ là nhà thơ, viết sơ suất chính tả thành “nhà thỏ” mà có uy lực vậy sao? Đã ném bài thơ này vào mặt Tập Cận Bình, Putin hay thậm chí Biden cho họ sợ đái ra quần chưa?
Hết nói chuyện đại sự ngài lại quay sang chuyện con chó con mèo: “Đừng bắt nạt mèo, chó/ Đừng bắt nạt cái cây/ Đừng bắt nạt ai cả/Vì bắt nạt dễ lây”. Có lủng củng và cối xay không?
Thế giới chiến tranh loạn lạc chưa ngăn được, đòi đi ngăn kẻ bắt chó, bắt mèo, chặt cây phá rừng? Sao không đưa bài thơ này đến phố Nhật Tân dạy cho đám bắt trộm chó, bán và ăn thịt chó? Sao không ném bài thơ này vào mặt quan chức và thầy chùa để dọa họ bớt phá rừng phân lô, làm chùa?
Chẳng lẽ trẻ em gây các tội ác như người lớn, nhà quan, nhà chùa hay sao mà phải dạy/dọa chúng?
Kết thúc bài thơ, ngài chính thức thành thánh hiển linh:
“Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay
Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi”.
Diễn nôm cái ý thơ mơ hồ, rối rắm của ngài như sau: “Tớ bị bắt nạt quen rồi, cho nên bây giờ thành thánh, tớ sẽ bắt nạt lại những đứa bắt nạt cho chúng biết tay!” Ngài phán như vậy mà không sợ mất thiêng, rằng ngài cũng hôi như chuột chù? Toàn bài thơ, có lẽ chỉ đọng lại cái tứ của ca dao: “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm!”
Khi phán mấy câu kết thúc đó, chắc là ngài tự tin, nếu là người lớn thì quỳ mọp dưới chân ngài xin ngài tha mạng, còn trẻ em thì đái ra quần? Thơ mà làm cho bọn trẻ đái ra quần thì chỉ có thể là thơ hay của thánh ngáo. Tôi thì thề không cho con cháu tôi học thứ thơ ấy!
Thơ cho trẻ em mà trẻ em không nhìn thấy chính mình, tức tâm hồn trẻ thơ trong đó, chỉ thấy ông thánh ngáo khệnh khạng răn dạy, đe doạ thì chỉ có thể là thơ dở xưa nay chưa từng có.
Bây giờ thì tôi thách ngược lại. Nếu ai khen bài thơ hay, chỉ cần chỉ ra một câu gọi là thơ trong cái bài thơ thánh bắt nạt ấy, tôi giao lại hết phần giải Nobel của tôi! Tôi hứa là tôi chịu trách nhiệm, mà nếu tôi không hứa thì tôi cũng chịu trách nhiệm!
Còn nhớ, khi có người chê thơ Hoàng Quang Thuận đạo văn, dở, ngài Phật thi Hoàng Quang Thuận vỗ mặt người đó: “Ba hôm sau sẽ chết, vì Phật hoàng sẽ bắt tội!” Tôi mong ngài quảng đại tha thứ cho. Ngài đã hứa trao giải Nobel cho tôi thì phải chịu trách nhiệm với lời hứa đấy. Đừng bắt chước đô trưởng Chu Ngọc Anh, cứ hứa như trâu hít l*n rồi phủi mồm nhé!
TS Chu Mộng Long
Tiến sỹ Chu Mộng Long là một giảng viên khoa Khoa học xã hội, trường Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông sinh năm 1968, có học vị tiến sỹ ngữ văn và sáng tác thơ, văn.
© 2024 | Thời báo ĐỨC