Giáo sư Thuyết nói các bài “Lừa và ngựa”; “Ve và gà”; “Cua, cò và đàn cá”, đều phỏng theo tác phẩm của các tác gia lớn La Fontaine, Lev Tolstoy. Sở dĩ, phải “phỏng” ngụ ngôn “Ve và kiến” ra “Ve và gà” là vì học sinh mới học vần “à” chưa học vần “iến”, nên thay kiến bằng gà!
Như vậy, Giáo sư Thuyết không biết cách dàn dựng tuyến nhân vật trong ngụ ngôn của phương Tây. Đó là các con vật theo mối quan hệ giống loài một cách hợp lý. Ví như con ve và kiến – đều là côn trùng (theo sinh học là những “con tương cận”) cùng giống, loài, nhưng dị biệt về tập quán kiếm ăn, giao phối (kiến tha mồi suốt ngày thì ve đực mải gọi bạn tình). Cái tương phản đó làm nên ngụ ngôn.
Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều lại xào xáo những “con tương cận” thành những “con cận chiến” (còn gọi là thiên địch) như ve với gà, quạ và chó! Cái tương phản “một mất một còn” giữa 2 con không thể làm nên một ngụ ngôn đạo đức!
Thậm chí cùng loài như “Hai con ngựa” nhưng ngụ ngôn chỉ xúi người khác làm bậy! Tôi khẳng định chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và đám giáo sư viết sách không biết triết lý về “trí dục” và ” đức dục”!
Viết đến đây, tôi nhớ cố Giáo sư Nguyễn Chung Tú (1922-2014, cựu Khoa trưởng Khoa học Đại học đường Sài Gòn). Khoảng năm 2000, Uỷ ban MTTQ TP.HCM lấy ý kiến góp ý Luật Giáo dục, Giáo sư Tú đề nghị Bộ ấn định khung thời lượng dạy Trí Dục (kiến thức), Đức dục (đạo đức) và Thể dục. Thí dụ, bậc tiểu học: 30% trí dục, 50% đức dục, 20% thể dục. Bậc Trung học cơ sở: 50% trí dục, 30% đức dục…
Có người hỏi trí dục là những bài học cụ thể về ngữ vựng, văn phạm, chánh tả, tập đọc, tập làm văn, còn 50% đức dục gồm những bài gì mà thời lượng nhiều vậy? Giáo sư Tú nói ngoài các bài ca dao tục ngữ, ngụ ngôn, đức dục phải lồng trong các bài tập đọc, học thuộc lòng, sử ký (noi gương tiền nhân), địa lý (yêu đất nước, thiên nhiên), vạn vật (yêu loài vật), công dân (tuân theo pháp luật)…
Năm 1960, Giáo sư Tú tốt nghiệp tiến sĩ vật lý về “Hiện tượng phát huỳnh quang của CdI2 (Pb)” tại Đại Học Rennes (Pháp) hạng tối danh dự! Là nhà quang học hàng đầu miền Nam, Giáo sư Tú có triết lý sư phạm cấp cơ sở, nhưng không viết sách tiểu học như Giáo sư Thuyết!
P/S: Xin tạ lỗi hương linh Giáo sư Nguyễn Chung Tú, vì con so sánh với Giáo sư Thuyết là so sánh không cùng đại lượng!
Mai Bá Kiếm
© 2024 | Thời báo ĐỨC