Hoàng ngái ngủ, quay sang nói trong mơ: “Để sáng mai đi! Đang buồn ngủ lắm!”. Thương tức muốn khóc, lo lắng gào lên: “Anh không dậy thì để em đi một mình. Vỡ ối, con nó sắp chết ngạt rồi còn bảo để đến mai!”.
Nghe vợ dọa thế, Hoàng mới miễn cưỡng dậy mặc áo quần, xách giỏ đồ và gọi taxi đưa vợ vào bệnh viện.
Cái sự vô tâm của Hoàng khiến Thương không thể chịu nổi nữa bắt đầu từ ngày hôm đấy.
Sau ngày mổ, vợ nằm trong phòng hồi sức sau mổ, dài cổ ngóng chồng mang cơm vào mà đến quá bữa trưa cũng không thấy đâu.
Đến lúc chồng vào đến nơi cùng với bà nội, thì nghe bà nội vui vẻ nói: “Thằng Hoàng nó bắt mẹ phải đi ăn phở cho bằng được rồi lại lê la sang ngồi quán café cả buổi…”.
Nghe mẹ chồng thật thà kể thế, Thương tủi thân, bụng tức anh ách chỉ muốn khóc.
Thương vốn là con nhà có điều kiện. Sau khi ra trường, cô được bố mẹ mua hẳn cho một cái nhà chung cư ở gần cơ quan để tiện đi lại.
Hồi đầu, cô sống cùng em trai, nhưng khi lấy Hoàng thì em trai cô lại về quê sống cùng bố mẹ, nhường nhà lại cho vợ chồng cô. Hoàng bước chân về nhà chỉ với một vali áo quần, không hề phải sắm sửa bất cứ một thứ gì cả.
Tiền lương mỗi tháng Thương kiếm được cũng phải gấp đôi, gấp ba thu nhập của Hoàng. Nên cô luôn chủ động mọi vấn đề chi tiêu trong gia đình mà chẳng phải phiền đến ví tiền của chồng.
Thương cũng rất chiều chồng.
Ngay sau khi cưới cô đã đầu tư hẳn hơn chục triệu cho chồng đổi điện thoại mới.
Bất cứ món đồ hàng hiệu nào như đồng hồ, giày dép, áo quần mà Hoàng thích, cô đều lên mạng đặt hàng từ bên nước ngoài về cho chồng.
Vì cô vốn làm thêm cả nghề bán hàng xách tay nữa nên chuyện này rất dễ.
Thương chăm chồng từng li từng tí trong mọi chuyện, lúc nào cũng lễ phép dạ vâng và coi Hoàng như ông vua của đời mình.
Thương nghĩ, thôi thì chồng không có điều kiện mà mình có hơn thì cũng chả sao. Đã là một gia đình thì phải cùng nhau chung tay xây dựng tổ ấm.
Nhưng tính Hoàng lại ích kỷ, cái gì cũng rạch ròi với vợ. Mỗi tháng đưa về cho vợ được khoảng 2 đến 3 triệu thì vênh mặt lên coi như vậy là đã làm tròn nghĩa vụ rồi.
Hễ vợ mua đồ gì về cho con cũng chê đắt, bảo sao không mua thứ rẻ hơn một chút.
Con ốm, Thương đưa con đi khám cũng chê ỏng chê eo sao không ra chỗ gần nhà thôi cho đỡ tốn tiền, cứ chơi sang làm gì.
Mỗi khi đi ra ngoài, Hoàng đều kêu nghèo kể khổ, làm như mình vất vả lắm không bằng.
Nhưng thật ra mọi thứ trong nhà đều vợ lo, hết tiền, vợ cũng đành vác mặt về xin ông bà ngoại chứ chưa bao giờ chồng chủ động đi vay một đồng ở ngoài…
Hoàng lại còn mắc thêm cái bệnh sĩ diện hão, thích ăn ngon, mặc đẹp.
Thỉnh thoảng chẳng ngại ngần gì, cứ mở miệng ra là bảo vợ mua thêm cho anh cái áo, cái quần hay đôi giày thể thao này đi. Lúc nào cũng bắt vợ phải mua sắm cho mình mà không bao giờ nghĩ đến vợ, con.
Nhưng Thương lại luôn nghĩ cho gia đình, nên chẳng so đo tính toán làm gì, cứ coi như đàn ông ai cũng vô tâm như vậy rồi thì không cần bận lòng lại mệt mình.
Thỉnh thoảng cô chỉ nghĩ sao đời mình đen đủi thế, bao nhiêu anh chàng tử tế, đẹp trai và giàu có tán tỉnh hồi trước thì không yêu, lại rúc vào cái ông chuyên ăn bám vợ như Hoàng.
Để bây giờ phục vụ chồng đủ thứ rồi, thỉnh thoảng vẫn còn bị trách: “Em không đổi giúp anh cái xe máy nữa. Chứ anh đi con xe số cà tàng này mọi người cứ mỉa mai suốt”, hay tị nạnh khi ông ngoại đối xử tốt với anh cọc chèo hơn: “Bố thiên vị anh Hưng quá nhiều. Vừa cho tiền mua nhà, lại còn đầu tư cho hẳn vài tỷ để làm nông trại kinh doanh. Chứ bố chả giúp gì cho anh cả!”.
Nhưng như thế chưa là gì so với việc có vài hôm vợ chồng ngồi nói chuyện, Hoàng bỗng ra vẻ trầm ngâm: “Anh nghĩ bố giữ chức đấy trong hai mươi năm thì cũng phải có đến vài chục tỷ trong ngân hàng đấy em ạ!” khiến Thương ngân ngấn nước mắt.
Cô chợt nghĩ có khi Hoàng lấy mình cũng chỉ vì nhìn vào điều kiện gia đình cô có, chứ không phải vương vấn một chút tình yêu nào cả.
Cô nhớ ngày xưa khi còn yêu, Hoàng chiều mình biết bao nhiêu thì nay khi mới cưới được hơn 2 năm, đã dần dần lộ ra bản chất xấu xa như thế.
Thương đã rất muốn mang theo con bỏ về nhà ngoại vì không thể chịu đựng được Hoàng nữa, nhưng rồi nghĩ đến việc muốn con có một gia đình trọn vẹn, cô lại nuốt nước mắt vào trong. Nhưng chuyện đau lòng nhất vẫn chưa dừng lại ở đó…
Cuối tuần, hai vợ chồng đưa cháu về thăm ông bà nội. Đang ngồi lúi cúi trong bếp, Thương nghe mẹ chồng tâm sự: “Từ lúc bố mẹ cho thằng Hoàng 600 triệu để gửi ngân hàng đến bây giờ, các anh vẫn còn tị nạnh với vợ chồng con đấy!”.
Thương há hốc miệng, trợn tròn mắt nhìn mẹ chồng không nói nên lời. Định hình một lúc cô hỏi lại: “Sao hả mẹ? Bố mẹ cho anh Hoàng 600 triệu hồi nào?”.
Mẹ chồng cũng ngớ người, vì không ngờ con trai lại chẳng nói với con dâu điều này.
Bà xua xua tay: “Ôi, coi như mẹ chưa nói gì cả nhé!”.
Thương lật đật đi tìm Hoàng tra hỏi. Chối tội một hồi, cuối cùng Hoàng cũng phải thừa nhận về quỹ đen lớn như thế. Đó là số tiền mà ông bà bán mảnh đất vốn hứa cho Hoàng từ trước, nên mang tiền cho Hoàng đi gửi sổ tiết kiệm.
Thương đắng lòng, cảm giác như có muối xát vào tim đầy đau đớn! Thế mà bao lâu nay Hoàng lúc nào cũng kêu không có tiền, không bao giờ bỏ ra một đồng để nuôi con và giấu nhẹm đi hẳn số tiền lớn như thế…
Thương quay sang hỏi: “Thế rốt cục anh giấu khoản đấy để làm gì?” để chua xót biết bao khi nghe Hoàng trả lời: “Để lo cho tương lai của anh chứ!”.
“Thế em và con không phải là tương lai của anh à?”,Thương hỏi giọng đầy đay nghiến, rồi ngồi thụp xuống.
Cô nghĩ, nếu mình không ly hôn ngay lập tức thì không biết phải sống sao tiếp với gã chồng thích ăn bám, xấu tính và khốn nạn này đây…
Theo Trí thức trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC