Nữ sinh bị sàm sỡ trên xe khách Phương Trang
Im lặng trước những hành vi xấu là tình trạng chung?
Câu chuyện được chính nạn nhân - một nữ hành khách trên chuyến xe của nhà xe Phương Trang từ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đến bến xe Miền Đông (TP.HCM) - chia sẻ lại một cách bức xúc. Cụ thể, cô gái đã bị chính nhân viên của nhà xe này sàm sỡ đến hai lần. Lần thứ hai, chị la lớn lên yêu cầu tài xế bật đèn xe. Tên tiếp viên xin lỗi như không có chuyện gì và ra trước xe ngồi. Khi đến nơi, nạn nhân đã gọi lên hãng xe và phản ánh vụ việc.
Tuy nhiên, không chỉ hành vi đồi bại của tên tiếp viên xe gây bức xúc, điều đáng nói hơn là thái độ của những người cùng có mặt trong chuyến xe khi nữ sinh gặp phải chuyện không may.
Nạn nhân chia sẻ khi yêu cầu tài xế bật đèn xe: "Tôi sốc thật sự, mọi người phát hiện chỉ nhìn tôi xem có khóc không rồi nhìn tiếp viên này, sau đó ngủ tiếp". Tài xế và cả những hành khách có mặt trên chuyến xe không một ai có bất kỳ động thái gì dù đã biết rõ về hành vi của tên biến thái. Mọi người chỉ nhìn một lúc sau đó nghĩ rằng mọi chuyện đã qua thì tiếp tục đi ngủ.
Nhiều người khác cũng chia sẻ lại sau khi biết được câu chuyện cô gái bị sàm sỡ trên xe Phương Trang. Họ cho biết tình trạng hành khách nữ bị quấy rối, đụng chạm trên những chuyến xe đường dài không phải là hiếm gặp. Một câu hỏi được đặt ra, sự lộng hành của những kẻ xấu này phải chăng là được khích lệ của những vô cảm này.
Sự thờ ơ trước hành vi xấu có phải là tình trạng chung?
Không chỉ là những hành vi quấy rối, sàm sỡ trên những chuyến xe khách đường dài như tình huống kể trên, ở những nơi công cộng, trên xe buýt, trên đường phố là đầy rẫy những kẻ xấu lộng hành. Những vụ móc túi, cướp bóc hay sàm sỡ trên xe buýt và những nơi công cộng khác diễn ra nhan nhản ở khắp nơi. Nghiêm trọng hơn là những vụ dàn cảnh, lừa đảo tinh vi để bắt cóc hay chiếm đoạt tài sản.
Những tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều chính bởi những sự im lặng đáng sợ của những người chứng kiến. Họ phát hiện, họ nhìn thấy, họ nhận biết được sự việc nhưng họ không có bất kỳ động thái nào để bảo vệ người bị nạn ngay lúc sự việc diễn ra.
Sự vô cảm đó bắt nguồn từ đâu?
Nguyên nhân là gì khi hành vi xấu diễn ra trước mắt mình mà mọi người lại dửng dưng coi như không có gì và không lên tiếng để ngăn chặn những điều đó? Một phần, bản thân mỗi người chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích của mình và không chú ý đến xung quanh. Về sự việc diễn ra trên xe khách Phương Trang, sau khi nạn nhân hô hoán lên, tên tiếp viên cũng làm như không có gì và bỏ đi. Tâm lý chung của những người trên xe là mọi chuyện có lẽ cũng đã kết thúc, không cần phải lên tiếng thêm khi lợi ích của mình vốn không bị ảnh hưởng.
Nhiều người thơ ơ vì sợ bị vạ lây
Một lý do khác là sự sợ hãi. Trước những vụ móc túi, cướp giật hay dàn cảnh, mọi người dù nhìn thấy nhưng vẫn không có can đảm để dám lên tiếng. Họ sợ những kẻ xấu sẽ quay sang trả thù, họ sợ chính mình sẽ bị vạ lây, ảnh hưởng. Thế nên thay vì lên tiếng để nhiều người cùng bảo vệ nhau và lên án kẻ xấu, họ chọn cách im lặng để bảo vệ chính mình mặc kệ người gặp nạn.
Chính những người đó, họ vẫn cảm thấy bức xúc khi nghe ở đâu đó việc những kẻ xấu lộng hành, thế nhưng khi thật sự đứng trước cái xấu thì họ lại bắt đầu e ngại. Cũng có nhiều người nghĩ rằng nếu không có mình thì sẽ có người khác lên tiếng, cho đến khi điều tồi tệ xảy ra với những hậu quả khó lường đến với nạn nhân thì cũng chỉ có sự im lặng xung quanh.
Sự thờ ơ của một bộ phận người đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Họ thường có suy nghĩ không phải chuyện của mình thì không quan tâm, không dính vào để đỡ rắc rối. Đó là một thực trạng đáng buồn. Nếu như trong vụ việc cô gái bị sàm sỡ trên xe Phương Trang, chính cô gái không đủ dũng khí tự bảo vệ mình, trong khi xung quanh là đám đông vô cảm, không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.
Có thể chính bởi sự im lặng của những người xung quanh mà hành động đồi bại của người nam tiếp viên đó đã liên tục diễn ra trên nhiều chuyến xe trước đó.
Đặt tình huống người bị hại chính là người thân của mình, để lên tiếng chính là cách đẩy lùi những hành vi xấu. Bởi sự im lặng trước cái xấu cũng chính là sự tiếp tay cho cái xấu được tiếp diễn và lộng hành hơn.
Nguồn: Hữu Long/ baophapluat.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC