Nữ du khách tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur - Ảnh minh họa
Dù đã xảy ra khá lâu, tuy nhiên sự việc 1 nữ du khách người Việt bị cơ quan chức năng Malaysia giữ đến 6 ngày tại nước sở tại vì sự cố thông tin trên hộ chiếu đến giờ vẫn là một trong những sự cố hy hữu khiến nhiều người hoang mang.
Theo đó, ngày 23/7/2015, chị Trần Thị Thanh Trúc (TP.HCM) đã bị hải quan Malaysia yêu cầu ở lại làm việc khi đang làm thủ tục tại sân bay Kuala Lumpur để về nước. Chị Trúc đi theo đoàn du lịch gồm 61 người, trong khi những thành viên còn lại của đoàn đều có thể làm thủ tục xuất cảnh thì chị lại bị tạm giữ do bị nghi ngờ con dấu trên sổ hộ chiếu bị làm giả.
Sau 6 ngày bị tạm giữ tại sân bay Kuala Lumpur, đến khi Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tích cực can thiệp, kịch liệt phản đối cách hành xử của nhân viên Cục Nhập cư Malaysia, chị Trúc mới được trở về Việt Nam. Tuy nhiên về phía mình, Cục Nhập cư Malaysia đã không có giải thích về sự việc.
Liên quan đến sự cố của chị Trúc kể trên, nhiều nhân viên du lịch đã lên tiếng cho biết những trường hợp tương tự xảy ra khá nhiều, không chỉ đối với những du khách nhập cảnh vào quốc gia cần thị thực.
Không chỉ đi các nước cần visa, du khách Việt vẫn có thể bị tạm giữ để kiểm tra thông tin rất nghiêm ngặt
Trao đổi với chúng tôi, chị Maika (Công ty du lịch S.T) cho biết, với kinh nghiệm dẫn đoàn khách đi du lịch nước ngoài chị đã gặp nhiều trường hợp du khách bị tạm giữ tại sân bay nước ngoài để kiểm tra thông tin. Những trường hợp này nguyên nhân thường do du khách có tên trùng với tên đối tượng cần lưu ý đặc biệt do cơ quan chức năng nước sở tại đang lưu giữ.
Chị Maika cũng cho biết, không chỉ làm thủ tục nhập cảnh vào các nước cần thị thực, khi du khách Việt Nam di chuyển đến những nước không cần thị thực như Malaysia hay Thái Lan cũng có thể bị tạm giữ để kiểm tra thông tin.
"Những trường hợp xảy ra với khách của mình thì không bị giữ lâu nhưng họ đã bị hải quan bên nước ngoài giữ vài tiếng. Họ có thể bị trùng tên hay thông tin cá nhân với những thông tin của hải quan đang lưu về một ai đó đang bị nước sở tại lưu ý. Điều này không chỉ xảy ra với khách phải làm visa đâu mà xảy ra với khách đi Thái Lan hay những nước không phải làm visa cũng vậy.
Khách bị giữ tầm 3h đồng hồ và được thông báo trùng tên với người phạm pháp tại nước của họ. Thực ra khi khách bị giữ gần như không ai can thiệp được, phía công ty dẫn đoàn đã can thiệp hỏi hải quan vì sao khách bị tạm giữ thì họ đều không trả lời. Bên mình chỉ biết nguyên nhân khi khách được ra ngoài và nói lại thôi.
Nhưng may mắn khách bên mình chưa ai giống bạn Mai là bị giam rồi ra tòa cả" - chị Maika chia sẻ.
Du khách làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay - Ảnh minh họa.
Du khách cần bình tĩnh khi gặp sự cố bị tạm giữ, không biết tiếng Anh có thể là 1 bất lợi
Khi những trường hợp bị tạm giữ tại sân bay xảy ra khá nhiều khiến người dân lo lắng, theo kinh nghiệm của mình, chị Maika cho biết trong tình huống này du khách nên bình tĩnh, liên hệ được với Đại sứ quán và trưởng đoàn là tốt nhất. Ngoài ra, việc không thể giao tiếp bằng tiếng Anh hay ngôn ngữ bản địa cũng có thể là 1 bất lợi đối với du khách trong trường hợp này.
"Trong trường hợp bị hải quan nước ngoài tạm giữ để làm rõ các thông tin thì du khách cần bình tĩnh, xin có phiên dịch hoặc liên lạc với trưởng đoàn, Đại sứ quán... Tuy nhiên, mình thấy tương đối ái ngại với khách nếu họ không biết tiếng Anh.
Những lúc như vậy tìm được trưởng đoàn hoặc phiên dịch để hỗ trợ là điều quan trọng đầu tiên và tốt nhất rồi" - Chị Maika chia sẻ.
Thục Hạnh
Nguồn: ttvn.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC