Có những thứ quan trọng hơn sách giáo khoa

Khi tôi hỏi nhanh về chương trình và sách giáo khoa (SGK) của cấp tiểu học với một vài người bạn Na Uy để hoàn thành bài viết này, phần lớn câu trả lời mà tôi nhận được khá bất ngờ: không phải là chọn loại SGK nào hay SGK nào tốt hơn SGK nào.

132 1 Co Nhung Thu Quan Trong Hon Sach Giao Khoa

Học sinh tiểu học ở Na Uy - Ảnh: Aschehoug Undervisning

Điều mà đa số phụ huynh và được cả hệ thống giáo dục Na Uy tập trung trong giai đoạn tiểu học là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, là việc "thúc đẩy tri thức" và khuyến khích năng lực học tập của từng đứa trẻ, nhắm tới mục tiêu học tập trọn đời.

Mỗi tuần học 1 chữ cái

Phổ cập giáo dục ở Na Uy được bắt đầu từ 250 năm trước. Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở dựa trên nguyên tắc giáo dục bình đẳng và thích nghi cho tất cả mọi người, trong một môi trường hội nhập. Các chương trình giảng dạy nhấn mạnh vào những kỹ năng cơ bản trong việc học sinh có thể thể hiện bản thân mình bằng lời nói, bằng văn bản thông qua việc học đọc, học toán và sử dụng các công cụ kỹ thuật số.

Cách đây 2 tuần tôi có ghé chơi một người bạn có con năm nay vào lớp 1. Anh chị cười bảo: "Nó học như đi chơi ấy mà, chẳng khác mầm non là mấy, mỗi tuần chỉ học 1 chữ cái thôi". Lớp 1, bọn trẻ ở đây dành cả ngày để chơi các trò chơi giáo dục, học kỹ năng xã hội và giáo dục cơ bản (học bảng chữ cái, cộng trừ và tiếng Anh cơ bản). Một tuần, trẻ sẽ có 1 ngày đi ra ngoài cả ngày để học về tự nhiên và vận động.

Từ lớp 2 đến lớp 7, trẻ được dạy nhiều môn học hơn từ toán học đến thể dục dụng cụ, từ tiếng Anh nâng cao tới nghiên cứu xã hội, tôn giáo, thẩm mỹ, âm nhạc, thực phẩm, sức khỏe, địa lý, lịch sử... Suốt giai đoạn tiểu học, trẻ không được chấm điểm chính thức, chỉ có giáo viên nhận xét và có những điểm số không chính thức về các bài kiểm tra để đánh giá sự tiến bộ.

Nhiều thứ quan trọng hơn thay vì chỉ tập trung vào SGK

SGK ở Na Uy cũng được xã hội hóa, tức là không chỉ có bộ sách duy nhất. Nội dung SGK phải có chất lượng cao để giáo viên không cần phải dành thời gian không cần thiết trong việc xây dựng giáo trình, đảm bảo chất lượng dạy và dành thời gian tương tác nhiều hơn với học sinh. Đồng thời, SGK cũng đảm bảo sự tiến bộ về mặt giáo dục theo chương trình giảng dạy.

Mục tiêu giáo dục

Mục tiêu cao nhất trong cấp tiểu học và trung học cơ sở ở Na Uy là trẻ em và thanh thiếu niên phải học được những kỹ năng cơ bản nhất định, các kiến thức chung về văn hóa, các giá trị cơ bản và kinh nghiệm làm chủ cũng như biết cách đối phó với những thách thức khác nhau trong cuộc sống, học tập.

 

SGK quan trọng nhưng điều còn quan trọng hơn là đối thoại giữa phụ huynh và nhà trường. Việc giao tiếp và cập nhật thông tin giữa phụ huynh với thầy cô ở Na Uy được coi là gần gũi hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Ngoài họp phụ huynh 2 lần một năm, giáo viên và phụ huynh cũng có những cuộc trao đổi trực tiếp để tìm hiểu và làm rõ các vấn đề của hai bên cũng như liên quan tới sự tiến bộ về mặt kỹ năng của những đứa trẻ. Các cuộc trao đổi này không chỉ để thông báo về sự tiến bộ của con em ở trường, mà còn là để phụ huynh đưa ra các quan điểm của họ về sự phát triển của con em mình.

Chương trình giáo dục của Na Uy có đưa ra quy định về các giờ học linh hoạt. Mỗi bộ môn đều có lượng giờ học linh hoạt nhất định (bên cạnh những giờ học cố định được triển khai đồng bộ trên toàn quốc) và được từng trường học quyết định dựa trên nhu cầu của từng địa bàn, từng địa phương hoặc phụ huynh. Tôi cho rằng "sự linh hoạt" trong cách tiếp cận với SGK mới ở Việt Nam là điều cần thiết. 

Quan trọng không phải là so sánh, khen chê sách nào tốt hơn sách nào mà là nội dung của sách sẽ được áp dụng linh hoạt ra sao ở từng địa phương, từng trường học. Quan trọng hơn nữa không phải chỉ có nhà trường mới có nhiệm vụ đào tạo giáo dục học sinh, mà phải có sự tham gia nhiệt tình và hợp tác của phụ huynh, của cha mẹ.

Giáo dục bình đẳng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và hội nhập Jan Tore Sanner đương nhiệm của Na Uy từng phát biểu: "Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng có một khởi đầu tốt. Chúng ta cần có các trường học nơi trẻ được học bình đẳng với nhau bất kể nền tảng, nguồn gốc hay nơi các em sinh sống".

Mục tiêu của các trường học là nâng cao chất lượng, cung cấp cho học sinh và xã hội những điều kiện cần thiết để tạo ra được các giá trị và giúp các em phát triển bền vững trong tương lai, dựa trên nguyên tắc giáo dục bình đẳng và tùy chỉnh cho tất cả mọi người.

 

LINH PHAN (từ Trondheim, Na Uy)

Nguồn: tuoitre.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày