Ngày 16/2/1979, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, lúc đó là cán bộ của Phòng Phiên dịch, Bộ Ngoại giao nhận được điện thoại phân công đưa một nữ hạ nghị sĩ Mỹ lên Lạng Sơn. Chuyến đi được tổ chức rất nhanh gọn nhằm cung cấp bằng chứng về tình hình phức tạp ở biên giới do phía Trung Quốc liên tục gây hấn. Đoàn chỉ có bà Hồi, một cán bộ của Vụ châu Mỹ BNG và bà nghị sĩ, đi chiếc xe com-măng-ca lên Lạng Sơn.
- Dừng lại! Trở về thôi!
Đến rạng sáng ngày hôm sau, 17/2/1979, Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam.
Đúng 5 giờ chiều cùng ngày, một cuộc họp báo quốc tế được tổ chức để thông tin về việc Trung Quốc tấn công Việt Nam. Họp báo được tổ chức ở Câu lạc bộ Quốc tế - nay là Trung tâm Hội nghị quốc tế, 16 Lê Hồng Phong - lúc đó là địa điểm duy nhất gặp mặt, tiếp xúc với người nước ngoài.
Bà Hồi tiếp tục được giao nhiệm vụ phiên dịch cho ông Nguyễn Cơ Thạch, chủ tọa buổi họp báo. Phóng viên trong và ngoài nước chật kín hội trường, tất cả mọi người đều đứng.
Khi bước vào cuộc họp báo, ông Nguyễn Cơ Thạch khẳng định đây là một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc.
Có mấy phóng viên đứng tít mãi cuối hội trường đặt câu hỏi: "Trung Quốc đã tiến vào lãnh địa Việt Nam bao xa?"
Có rất nhiều câu hỏi như vậy, vì một số phóng viên nước ngoài vẫn chưa tin đó là một cuộc xâm lược được tính toán kỹ. Họ vẫn tưởng đó chỉ là một cuộc xung đột biên giới và không nghĩ là lính Trung Quốc lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam, Đại sứ Hồi kể lại.
Ông Thạch từng làm Tổng Lãnh sự ở Mumbay, Ấn Độ, ông tự học tiếng Anh và những năm sau này ông có thể trao đổi bằng tiếng Anh mà không cần phiên dịch. Nhưng hôm đó hội trường đông người, phóng viên đặt câu hỏi lại đứng ở quá xa, nghe không rõ, nên ông quay sang hỏi: "Họ hỏi cái gì đấy?"
Bà Hồi nhắc lại câu hỏi. Vừa nghe dứt, ông Thạch một lần nữa khẳng định mạnh mẽ, rằng đây là cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam. Phóng viên nước ngoài hỏi rất nhiều, cuộc họp báo được tận dụng trở thành diễn đàn tố cáo tội ác của Trung Quốc.
Thế nhưng, cuộc đấu tranh với Trung Quốc không chỉ dừng ở năm 1979 hay trên tuyến đầu phía Bắc, mà diễn ra căng thẳng suốt nhiều năm sau đó, trên nhiều "mặt trận" khác, đặc biệt là lĩnh vực ngoại giao.
Sau năm 1979, dù đã tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế, Trung Quốc vẫn liên tục tổ chức các cuộc tấn công, xâm lấn qua biên giới Việt Nam. Mặt khác, họ, cùng một số nước phương Tây, lại đổi trắng thay đen, rêu rao về cái gọi là Việt Nam "xâm lược" Campuchia, khiến chúng ta rơi vào thế bị bao vây cấm vận.
Lập trường của chúng ta là không thừa nhận vai trò "đại diện" của Khmer Đỏ ở các diễn đàn quốc tế. Trong các phát biểu, chúng ta đều vạch rõ chân tướng diệt chủng của lực lượng này. Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh cam go phức tạp vı̀ đứng sau các đoàn của Khmer Đỏ bao giờ cũng là các đoàn của Trung Quốc.
Năm 1982, bà Hồi tham dự Hội nghị Dân số và Phát triển do ESCAP (Uỷ ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương của LHQ) tổ chức. Mặc dù đây là một hội nghị về chiến lược phát triển dân số của Liên Hợp Quốc, nhưng đoàn Khmer Đỏ vẫn lợi dụng để tuyên truyền sai trái về Việt Nam. Sau đoàn Khmer Đỏ, đoàn Trung Quốc cũng phát biểu với cùng một luận điệu.
Tất cả đều e ngại cho đoàn Việt Nam vì chỉ có 2 thành viên, trong khi đoàn Campuchia dân chủ có 4-5 người, còn đoàn Trung Quốc thì tới gần 20 người. Lập tức bà Hồi đăng ký phát biểu. Đêm trước đó, bà đã suy nghĩ kỹ về những gì sẽ phát biểu để phía Trung Quốc nhất định phải "cứng họng". Vì là Hội nghị về dân số, nên trước cử tọa, bà nêu câu hỏi mạnh mẽ: "Campuchia Dân chủ đã làm gì? Thành tích là gì? Không có gì khác ngoài giết gần 2 triệu người của chính dân tộc mình. Những con người đó có tư cách gì để đại diện nói về chính sách dân số?"
Khi tới đoạn lên án các tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, bà Hồi bất thình lình đập mạnh tay xuống bàn. Điều này không có trong những gì bà đã lên kế hoạch từ trước. Cái đập tay làm chiếc micro hơi rung lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Lúc đầu khán phòng lặng im vı̀ bất ngờ. Nhưng sau đó có nhiều tiếng nói nhỏ xen lẫn tiếng cười đồng cảm. Lúc này, bà Hồi xuống giọng: "Thưa ông Chủ tịch, chắc ông và mọi người đều biết ai đứng đằng sau tất cả những chuyện đó". Quả nhiên, phía Trung Quốc không phản ứng được gì.
Cho đến giữa những năm 1980, quan hệ Việt - Trung vẫn hết sức căng thẳng do phía Trung Quốc không ngừng các hoạt động gây hấn. Những người Việt Nam công tác tại Trung Quốc thời kỳ này phải làm việc trong bầu không khí rất ngột ngạt, thậm chí nguy hiểm rình rập.
Nhà báo Kiều Tỉnh, người được phân công sang tác nghiệp tại phân xã của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ở Bắc Kinh năm 1984 kể lại: "Tôi sang Bắc Kinh đúng vào ngày 26 Tết Quý Hợi (tức 28/1/1984), khi ở Hà Nội, mọi người đang nô nức sắm Tết thì gia đình tiễn tôi trong tâm trạng bùi ngùi, sụt sùi nước mắt. Khi tôi vừa đến Bắc Kinh, thì cũng là lúc Trung Quốc đẩy mạnh bắn phá, tấn công nhiều địa điểm của ta, mà ác liệt nhất là ở Vị Xuyên. Thư từ qua lại với nhà do vậy càng khó khăn, có khi 6 tháng trời có người về mới nhận được thư nên tâm trạng không tránh khỏi lo lắng".
Là phóng viên, nhiệm vụ của ông Tỉnh lúc đó chủ yếu là thu thập thông tin trên báo chí công khai cũng như trong tiếp xúc với người dân Trung Quốc để đánh giá tình cảm giữa nhân dân Trung Quốc đối với Việt Nam có còn được phần nào như thời gian hai nước hữu nghị hay không...
Theo ông Tỉnh, truyền thông chủ lưu của Trung Quốc các năm đó bình quân một tháng đăng ít nhất 10 - 12 bài phê phán Việt Nam, tuyên truyền "tẩy não" rằng Việt Nam vong ơn bội nghĩa…
Chính sách của Trung Quốc lúc đó mở cửa với phương Tây, nên phóng viên phương Tây có thể đi các địa phương tác nghiệp rất thuận lợi, nhưng riêng phóng viên Việt Nam thì đi tiếp xúc với người dân cũng bị theo dõi, hạn chế. Có những cuộc họp báo có phóng viên nước ngoài dự, khi ông Tỉnh đến, bảo vệ đã hô sẵn từ cửa: "Có phóng viên TTXVN tới đấy"; các hoạt động đông người đều có người theo kèm.
"Vì tôi có thể sử dụng tiếng Trung khá tốt nên nhiều người đôi khi cũng nghĩ tôi là người Quảng Đông. Nhưng khi tôi nói tôi là người Việt Nam, phóng viên Việt Nam thì họ đưa mắt nhìn xem có cảnh sát theo dõi không", ông Tỉnh nói thêm. Lúc đó, những người giúp đỡ cho ông tác nghiệp lại là các phóng viên từ các đài phương Tây như Nhật Bản, Mỹ…
Một nhà báo của hãng tin Mỹ VOA tại Bắc Kinh từng có lần thể hiện sự khâm phục với ông Tỉnh rằng, khi đó, chỉ có Việt Nam đủ can đảm "say No" ("nói Không") với Trung Quốc hung hăng, ngang ngược.
Đến những năm 1988 - 1989, truyền thông Trung Quốc bắt đầu cho thấy một số tín hiệu của sự thay đổi. "Đến lúc đó, trong số mấy trăm bài viết về Việt Nam, các bài phê phán đã giảm đi khoảng 40%, còn các bài đưa tin khách quan hoặc không có bình luận gì tăng lên rõ rệt. Các phóng viên nước khác cũng chia sẻ với tôi cảm nhận này", ông Tỉnh kể lại.
Thông thường, vào kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc diễn ra vào 5/3 hàng năm, ông Tỉnh đều có công văn đề nghị phỏng vấn một số địa phương giáp biên giới với Việt Nam như Quảng Tây nhưng đều bị từ chối. Đến năm 1990 thì được chấp nhận.
Trong cuộc trao đổi với lãnh đạo Quảng Tây, họ thông báo sẽ mở các chợ biên giới và đảm bảo hệ thống giao thông để người Việt Nam sang giao thương buôn bán. Ông Tỉnh đưa tin về cho TTXVN và nhận định, đây là một động thái chuyển biến rõ ràng. Thực tế, sau sự kiện Thiên An Môn, Trung Quốc bị cô lập nghiêm trọng, kinh tế suy thoái. Tình hình trong nước cùng với một số thay đổi lớn về chính trị thế giới khiến Trung Quốc có nhu cầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ông Tỉnh nói.
Năm 1990, Trung Quốc tổ chức Á Vận hội tại Bắc Kinh. Để xoa dịu chỉ trích của dư luận thế giới, họ tổ chức rất trang trọng, mời nhiều lãnh đạo và quan khách các nước tới dự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khách mời và Việt Nam cũng cử một đoàn thể thao sang dự, đi theo đường bộ qua Hữu nghị quan. Đây là sự kiện đầu tiên diễn ra kể từ khi quan hệ hai nước căng thẳng, gây được tiếng vang rất lớn trên trường quốc tế cũng như với dư luận Trung Quốc.
Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước qua đường nhựa kẻ vạch phân định Trung Quốc và Việt Nam, ông là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam ở thời điểm đó bước qua biên giới hai nước, một chỉ dấu cho việc bình thường hóa quan hệ sau này vào năm 1992.
Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
© 2024 | Thời báo ĐỨC