LTS: Cứ mỗi khi đến mùa xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư lại rộ lên những lùm xùm về một số ứng viên, nhất là phần công bố quốc tế.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.
Giáo sư Tuấn hiện đang là giáo sư y khoa tiên lượng của Đại học Công nghệ Sydney (UTS), giáo sư kiêm nhiệm của khoa Y, Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia đã có một số chia sẻ liên quan các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. Ông là Fellow của Hội đồng Y tế và Y khoa Quốc gia Australia và Viện sĩ Viện hàn lâm y học Australia. Ông đã và đang phục vụ trong các hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư cho nhiều đại học Úc, Hà Lan và châu Âu có chia sẻ về những tác động tiêu cực của tập san "dỏm".
Tiêu đề bài báo do Tòa soạn đặt.
Người viết bài này phục vụ trong các hội đồng xét duyệt đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư đại học.
Qua nhiều năm trong vai trò đó tôi thấy vấn nạn tập san dỏm (predatory journals) và kĩ nghệ xuất bản khoa học dỏm gây nhiễu đến khoa học khá nghiêm trọng. Kĩ nghệ xuất bản khoa học dỏm có thể làm cho hội đồng khoa bảng của các đại học bổ nhiệm hay đề bạt sai người.
Vấn nạn này mang tính toàn cầu, kể cả ở các nước phương Tây có nền khoa học tiên tiến và hệ thống đại học lâu đời.
Hai tuần trước, hội đồng khoa bảng của một đại học lớn ở Úc xem xét bổ nhiệm một ứng viên có một năng suất chỉ có thể mô tả là "khủng". Chỉ trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ mà ứng viên đã công bố hơn 250 bài báo khoa học.
Tính trung bình, mỗi tuần ứng viên công bố 1 bài báo khoa học!
Trong hội đồng bổ nhiệm, có vài người rất ấn tượng với thành tích đó, và muốn bổ nhiệm vào chức vụ "Giáo sư xuất sắc" (distinguished professor).
Nhưng bất cứ ai làm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh đều thấy năng suất đó rất khó tin, vì khó có ai có thể công bố 1 bài báo khoa học mỗi tuần.
Càng khó tin hơn khi ứng viên là người mới tốt nghiệp tiến sĩ, chưa qua giai đoạn huấn luyện hậu tiến sĩ, và không có labo nghiên cứu riêng. Hai thành viên trong hội đồng đọc qua lí lịch khoa học của ứng viên, và thấy tuyệt đại đa số những bài báo đó công bố trên tập san địa phương tiếng Arab và các tập san dỏm.
Tìm hiểu kĩ hơn từ các đồng nghiệp ở Trung Đông, chúng tôi phát hiện có hẳn một kĩ nghệ viết mướn cho những ứng viên có nhu cầu công bố khoa học. Trong kĩ nghệ này, “khách hàng” chẳng cần nghiên cứu gì cả, tất cả đã có công ti viết mướn phụ trách. Công ti chỉ đơn giản xào trộn dữ liệu có sẵn trên mạng và cho ra bài báo khoa học! Công ti thậm chí còn phụ trách luôn phần nộp bài báo và phản biện các bình duyệt. Vì những bài báo loại này thường có phẩm chất quá thấp hay không chính thống, nên họ chỉ chọn các tập san dỏm hay các tập san vô danh để công bố. Mỗi bài như thế, khách hàng trả phí cho công ty từ 500 đến 2000 USD.
Kĩ nghệ viết mướn này còn bán bài báo khoa học cho các ứng viên xin học tiến sĩ ở các nước phương Tây. Cần nói thêm rằng ở các đại học Úc, ứng viên muốn ghi danh học tiến sĩ phải có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, và “bằng chứng” là vài bài báo khoa học đã công bố.
Tôi đã thấy những ứng viên mà hồ sơ liệt kê đến 20 bài báo khoa học!
Đa số cũng là những bài trên các tập san dỏm. Tuy nhiên, khi phỏng vấn thì ứng viên thậm chí nói tiếng Anh không thạo.
10 năm qua, có ít nhất 500 bài báo từ Việt Nam trên các tập san dỏm
Ở Việt Nam đã có nhiều nhà khoa học công bố trên các tập san dỏm. Chỉ cần xem qua vài tập san dỏm bên Ấn Độ sẽ thấy nhiều tác giả với các họ Việt Nam trên đó. Nếu tính cả các tập san dỏm ngoài Ấn Độ, tôi ước tính rằng đã có ít nhất 500 bài báo từ Việt Nam trên các tập san dỏm trong 10 năm qua.
Hiện tượng công bố trên tập san loại này xảy ra đã lâu, nhưng chỉ mới được quan tâm trong vài năm gần đây. Năm 2020, một số nhà khoa học đã đặt vấn đề rằng có gần 40 ứng viên trong ngành y dược "khai gian dối các bài báo khoa học, không xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư" [1] vì có những bài báo trên các tập san dỏm.
Bất cứ ai có kinh nghiệm công bố khoa học, chỉ cần nhìn qua danh sách các tập san đó là biết dỏm ngay. Thế nhưng chỉ 2 ngày sau đó, 21 ứng viên vẫn được thông qua dù không đủ tiêu chuẩn [2]!
Tình trạng công bố khoa học trên các tập san dỏm đã có ảnh hưởng đến quá trình đề bạt các chức danh giáo sư và phó giáo sư ở Việt Nam (ảnh minh họa: VNN) |
Kĩ nghệ xuất bản dỏm đã về đến Việt Nam và đã làm ảnh hưởng xấu đến khoa học Việt Nam. Đã có một số nhóm quảng cáo chuyên viết mướn Việt Nam, y chang như bên Trung Đông và Trung Quốc.
Như vậy, tình trạng công bố khoa học trên các tập san dỏm đã có ảnh hưởng đến quá trình đề bạt các chức danh giáo sư và phó giáo sư ở Việt Nam. Thật ra, con số gần 40 ứng viên có bài trên tập san dỏm trong đợt xét duyệt năm 2020 chỉ là bề nổi của tảng băng chìm được tích luỹ từ nhiều năm trước và các đợt xét duyệt trước.
Tại sao công bố trên tập san dỏm?
Đối với các nhà khoa học có kinh nghiệm và nghiêm túc, không ai nghĩ đến việc gửi bài cho các tập san dỏm. Công bố trên những tập san dỏm đó không chỉ làm tổn hại đến uy tín khoa học của tác giả, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến việc xếp hạng của đại học.
Thế nhưng trong thực tế có nhiều nhà khoa học chọn công bố trên các tập san dỏm. Theo một thống kê chưa đầy đủ, có hơn 5000 nhà khoa học Đức công bố nghiên cứu trên các tập san dỏm. Ở Úc, tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng các tổ chức khoa học ước tính rằng có hàng ngàn nhà khoa học Úc đã là nạn nhân của kĩ nghệ xuất bản khoa học dỏm.
Một ước tính khác cho rằng có hơn 400.000 nhà khoa học toàn cầu là nạn nhân (hay muốn làm nạn nhân) của các cơ sở xuất bản dỏm.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người ta chọn các tập san dỏm để công bố kết quả nghiên cứu khoa học? Tôi nghĩ đến 3 nhóm lí do: áp lực công bố, đạo đức công bố, và chất lượng khoa học.
Lí do 1: Áp lực công bố khoa học
Các đại học ngày nay gây áp lực lên nhà khoa học về công bố khoa học, và xem con số bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn của việc đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Nhiều đại học đặt ra tiêu chuẩn ứng viên phải có bao nhiêu bài báo khoa học cho mỗi chức vụ. Do đó, giới khoa học, đặc biệt là giới trẻ, chạy theo công bố khoa học.
Họ không mấy quan tâm đến uy tín của tập san, miễn là tập san tiếng Anh là đủ.
Dựa vào lỗ hổng về cơ chế này, một số nhà khoa học có động cơ tăng con số bài báo, bất kể chất lượng khoa học cao thấp ra sao. Nhiều người chẳng làm nghiên cứu mà chỉ dùng dữ liệu của người khác đã công bố để tổng hợp thành một “bài báo khoa học” dưới dạng “meta-analysis”.
Tuy gây áp lực công bố khoa học, nhưng các đại học lại không có chính sách về công bố khoa học, có nơi không phân biệt tập san chính thống và tập san dỏm. Ngoài ra, các đại học cũng không có những hình phạt cho những người công bố trên tập san dỏm.
Lí do 2: Đạo đức công bố khoa học
Lí do thứ hai là bản thân nhà khoa học kém kiến thức về đạo đức công bố. Đa số các nhà khoa học không được huấn luyện về đạo đức công bố (publication ethics), nên họ không phân biệt được sự khác biệt giữa tập san chính thống và tập san dỏm.
Ở đây, tôi nghĩ cần phải nói thêm rằng có những tập san nằm ở đường ranh giữa chính thống và dỏm. Đó là những tập san có thể không hẳn là dỏm, nhưng cũng không hẳn là chính thống. Đó là những tập san có sự đóng góp của một số nhà khoa học có uy tín đến từ những đại học nổi tiếng. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào chất lượng khoa học của các bài báo trên các tập san đó thì bất cứ ai làm khoa học nghiêm chỉnh không bao giờ chọn nơi công bố.
Một số người cho rằng hễ tập san có trong danh mục của Scopus là tập san chính thống, nhưng tôi e rằng quan điểm này không đúng. Ngay cả trong danh mục Scopus cũng có tập san dỏm. Scopus dựa vào số trích dẫn phân chia các tập san thành 4 nhóm từ cao đến thấp: Q1, Q2, Q3 và Q4. Một phân tích gần đây cho thấy các tập san dỏm hiện diện khá nhiều trong nhóm Q4 hay Q3. Ngay cả nhóm Q2 cũng có tập san dỏm!
Lí do 3: Chất lượng nghiên cứu khoa học quá thấp
Ngoài những người vô tình là nạn nhân của tập san dỏm vì họ không biết, còn có những người biết tập san dỏm nhưng cố ý chọn các tập san đó. Lí do là vì bài báo của họ bị các tập san chính thống từ chối, nên họ không còn nơi nào khác là các tập san dỏm. Các tập san chính thống có tỉ lệ từ chối dao động từ 50% đến 95%, còn các tập san dỏm thì gần như chẳng từ chối bài nào bởi vì động cơ của họ là kiếm tiền chứ không phải vì khoa học.
Đó chính là lí do tại sao các tập san dỏm trở thành “thùng rác” của các nghiên cứu khoa học có chất lượng quá thấp. Theo một khảo sát, khoảng 35% người trả lời cho biết đã nộp bài báo cho một tập san chính thống và bị từ chối, trước khi nộp cho tập san dỏm vì được tập san dỏm mời công bố và 41% cho biết chọn vì qua các email quảng cáo.
|
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/16-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-bi-to-cao-khai-gian-4180696.html
[2] https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
© 2024 | Thời báo ĐỨC