Những người trẻ với lý do muốn lĩnh hội nền giáo dục hiện đại của thế giới, người già với lý do “vì tương lai con em” hoặc “muốn sống gần con cái”, đã xuất ngoại.
Để thực hiện được giấc mơ này, tất tần tật các yếu tố mang tính chất “phù hợp tiêu chuẩn” đều được vận dụng: Đầu tư kinh doanh, xin học bổng, bảo lãnh, thậm chí là kết hôn giả.
Quyết định rời xa quê hương, tổ quốc, nơi chôn nhau cắt rốn của mình thật không dễ dàng gì. Như thế đủ biết rằng việc được sống ở nước ngoài có một hấp lực ghê gớm thế nào.
Một anh bạn thân, cùng quê miền trung, đã cùng gia đình sang Canada cách đây hai năm theo diện học bổng sau đại học. Bạn ấy có thể xem là một người thành đạt trong các bạn cùng cấp của tôi. Bạn là thạc sĩ, diễn giả, tác giả tương đối có tiếng tăm ở một số hội thảo, bài báo về lĩnh vực môi trường trong và ngoài nước. Ngoài ngôi nhà đang sống, ôtô, bạn ấy còn sở hữu vài bất động sản giá trị khác. Gia tài tri thức và tài sản như thế nhiều người mơ mà không được.
Lý do chủ yếu khi xuất ngoại là “vì tương lai con em”. Bởi lẽ trong tâm sự của anh ấy, đâu đó hàm ý nền giáo dục Việt Nam không tốt.
Vì quan điểm mỗi người một khác nhau, chúng tôi có tranh luận một cách nhẹ nhàng rồi cho qua để giữ tình bạn. Thực ra, chúng tôi cùng trưởng thành từ mái trường làng quê, được hưởng nền giáo dục truyền thống Việt Nam, cùng với nỗ lực của bản thân và công sức của thầy cô mới có được ngày hôm nay, có thể xem là thành đạt trong xã hội.
Ảnh minh họa
Chúng ta từng chứng kiến những tinh hoa giáo dục Việt Nam mang chuông đi đánh xứ người, nào là Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, và gần đây là Ngô Bảo Châu. Mảnh đất này đã nuôi ta khôn lớn từ lúc khó khăn. Dù chưa làm được gì để báo đáp, cũng không nên phủ nhận, chê bai. Đừng lấy quê hương làm lý do thoát ly, tìm nơi tốt hơn theo ý chủ quan.
Vị tổng thống thứ 35 của Mỹ – John Kennedy đã gửi gắm ý tứ của mình trong câu nói bất hủ: “Hỡi những người dân Mỹ của tôi, đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc của mình”.
Việc xuất ngoại sang xứ người định cư tùy thuộc vào quan điểm và mục tiêu của mỗi người. Để cuộc sống hạnh phúc, bên cạnh vật chất thì yếu tố tinh thần đóng vai trò không nhỏ.
Với những trường hợp điều kiện vật chất đầy đủ, nếu không muốn nói là dư dả, thì hà cớ gì phải tìm kiếm hạnh phúc ở xứ người, nơi không thuộc về mình. Luôn có sự khác biệt nguồn gốc, thậm chí cả địa vị xã hội dù chúng ta cố công san lấp khoảng cách.
Quê hương, tổ quốc, xóm làng gắn liền với tuổi thơ đi theo chúng ta qua bao thế hệ, chính là nơi gần gũi nhất, thân thương nhất.
Chẳng cần phải tìm ở đâu xa xôi, được đắm mình trong tình cảm gia đình, bạn bè, người thân để vui sống thì còn gì bằng. Hạnh phúc tinh thần chẳng phải chính là ở đây hay sao?
Gia đình bên vợ tôi, bạn thiếu thời của ba mẹ tôi (thế hệ 4X) đang định cư ở nước ngoài không phải là ít. Chính những người thân thiết như thế mới dám gạt bỏ sĩ diện để chia sẻ thật về cuộc sống hiện tại.
Bạn bố mẹ tôi, năm nay đã hơn 75 tuổi. Nhưng vẫn về thăm quê hàng năm vào dịp Tết bằng tiền dành dụm của con cái cho. Khi ở Việt Nam, bác có rất nhiều bằng cấp, được xã hội nể trọng, nghề hái ra tiền, nhưng theo con cái qua xứ người ở tuổi xế chiều thì phải chịu cảnh thất nghiệp.
Cứ mỗi lần chia tay, bác bịn rịn luyến tiếc với đám bạn già ở quê nhà. Bác ấy cứ tặc lưỡi “bất đắc dĩ phải theo con thôi”. Đôi lúc hạnh phúc cuộc đời do mỗi chúng ta tự quyết định nhưng cũng có lúc do duyên phận nữa phải không?
PV
© 2024 | Thời báo ĐỨC