Xin người Việt ở Đức đừng làm người Việt xấu hổ!

Chúng tôi xin giới thiệu một Góc nhìn về Cuộc sống của Người Việt tại Berlin nói riêng.

Gần đây nhiều bài báo trên mạng đã dám mạnh dạn đề cập đến những mặt trái của một số ít người Việt sống ở đất nước văn minh này.

Họ là số ít nhưng hệ lụy lại lớn lao khôn lường.

Xin người Việt ở Đức đừng làm người Việt xấu hổ!  	 - 0

"Chợ" Đồng Xuân - một xã hội Việt Nam thu nhỏ.

Chẳng hạn trong khu chợ Đồng Xuân, ngày càng có nhiều khách người Đức và người nước ngoài vào mua bán. Ở đây, mặc dù ban quản lý chợ đã có nhiều cố gắng trong khâu chấn chỉnh trật tự và vệ sinh, nhưng người Việt vẫn vứt rác hôi thốiđổ nước bẩn ra quanh khu nhà.

Xe đỗ thiếu ý thức làm tắc nghẽn giao thông; Hội hè tổ chức thì quá đông, ồn ào, thiếu văn minh và bất lịch sự, vì tưởng lầm như thế là oai, là hay, là đàn anh, đàn chị…

Trên tầu xe, thì người Việt nói tiếng Việt oang oang, nói tẹt ga cho sướng cái mồm, nói như ở chỗ không người.

Tư thế ngồi không ngay ngắn, quấn áo lôm nhôm, giày dép bẩn, có người còn đi nhầm đôi tất không đồng màu, để lộ rõ, chân bốc mùi hôi hám, làm cho khách ngồi cạnh phải bịt mũi quay đi, hay lánh sang chỗ khác ngồi.

Có người còn cho tay lên ngoáy tai, ngoáy mũi, sì mũi không có khăn, ho nhiều lần không bịt miệng, bắn nước miếng vào người khác, mở nhạc và nói  chuyện trên điện thoại quá to. Có rất nhiều cái xấu nhãn tiền mà không giấy bút nào tả cho thấu và cho hết được.

Nhục và xấu hổ lắm !

Một số bà mẹ trẻ thì rủ nhau đẩy xe trẻ con, hai cái xe đã to và cồng kềnh lại đi dạo thành hàng ngang, sóng đôi choán hết phần đường của người đi xe đạp và đi bộ. Đã vậy họ còn nói chuyện và cười to vang cả một vùng. Cứ làm như đây là „Nam quốc sơn hà Nam Đế cư“ vậy.

Đi làm giấy tờ trong công sở, tiếc tiền không thuê phiên dịch, tiếng Đức đã  kém, không biết cách trình bày, cộng thêm  sự không hiểu biết, tính khí nóng nảy, cái đầu lại quay quay nên dẫn tới nhiều trường hợp chửi nhau với nhà chức trách và nghiêm trọng hơn còn đánh họ gây thương tích.

Thật là ngu ngốc, tàn bạo và là sự nhục nhã, xấu hổ  cho cộng đồng.

Nước mình có, không ở, sang nước người ta, ăn nhờ, ở đợ vào xã hội tươi đẹp của họ, do ông cha họ tạo dựng nên từ bao nhiêu thế kỷ; Thế mà không biết điều. Nhiều trường hợp, nếu  dùng từ cho chuẩn là họ đang ăn bám.

Một số người tự hành nghề, khi nộp thuế tự khai đã không chính xác, họ làm mấy chục năm mua bao nhiêu đất ở Việt Nam, chưa bao giờ nộp thuế thu nhập cá nhân, ấy vậy đến lúc bất đắc dĩ phải nộp vài trăm thuế doanh thu đã huênh hoang, lên mặt, vỗ ngực  là ta đây có công đóng góp to lớn cho nhà nước Đức, rồi tiếc mấy đồng thuế đó tìm  cách này, cách  khác để lấy lại.

Một số người tận dụng „hết công suất“ của xã hội, cố tìm và moi móc ra những kẽ hở để khai thác và lợi dụng. Lòng tham ở một số người thật vô đáy, vô cùng.

Người Việt mới sang chúng ta còn châm chước, nhưng một số vị sang Đức này „ từ lúc tóc còn xanh, nay họ đã phơ phơ đầu bạc“.

Họ đã thành „cộng mốc“ lâu rồi mà xem chừng chỉ vì say mê đào tiền quá mà „bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh“ hai chữ hội nhập vẫn mơ màng, chưa tỉnh ngộ.

Có người trả bảo hiểm cho cửa hàng vài năm, không bị phá, bị cháy. Lẽ ra phải mừng mới phải, đằng này họ lại tiếc, cho là mình trả bảo hiểm phí quá !!!???. Sao họ không nghĩ là nếu họ ốm đau phải qua một ca mổ tốn kém đến vài trăm nghìn, mà trong khi đó bảo hiểm ốm đau, họ chỉ phải trả có vài trăm hay vài chục và thậm chí không phải trả vì do ăn theo hoặc có thu nhập thấp?

Con người hơn con vật là do có ý thức về Xã hội và cộng đồng.

Người Đức họ hơn ta phải chăng họ có „Đức tính“ còn chúng ta có „VIỆT TÍNH“ chăng?

Tôi thiết nghĩ đã đến lúc cộng đồng ta phải chấn chỉnh ngay những điều không đẹp mắt và những việc làm xấu của một số người. Ngay từ khi nước Đức thống nhất, chúng ta đã mang tiếng xấu liên quan tới „mafia thuốc lá“, người Việt giết người Việt.

Giờ đây lại thêm người Việt trồng cần sa, buôn ma túy, người Việt đánh hay giết người Đức nữa;

Một số người Đức còn cho rằng:

Người Việt buôn bán trốn thuế nên vào chợ Đồng Xuân thấy nhiều xe sang đỗ khắp nơi…Chỗ nào cũng nhan nhản quán xá của người Việt, làm ăn nhỏ lẻ, chộp giật mà thuế nộp quá là „khiêm tốn“.

Trước đây đất nước ta trải qua chiến tranh khốc liệt, người Đức nhất là phía Đông Đức đã giúp đỡ rất nhiều và cũng rất có cảm tình với người Việt chúng ta. Họ thương chúng ta vì chúng ta nghèo và hiền lành…

Tại sao giờ đây họ lại giảm yêu, tăng ghét với người mình? Dù chúng ta có ngụy biện thế nào đi chăng nữa là do điều kiện khách quan hay chủ quan thì theo tôi, lỗi lớn vẫn là do từ phía mình là chính.

„Tiên trách kỷ, hậu trách nhân“.

Mong cộng đồng chúng ta hãy gạn đục khơi trong, để lấy lại thiện cảm của người dân bản xứ. Hãy cùng nhau đấu tranh và góp ý về những việc làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt của người Việt, nếu không thì „con sâu làm rầu nồi canh“, từng người trong cộng đồng chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn vì những ảnh hưởng xấu đó.

Chúng ta có điều bất lợi là một số không ít người Đức, khi đọc trên báo hay nhìn thấy những điều chướng tai gai mắt nào đó của người Việt gây ra là y như rằng họ „vơ đũa cả nắm“. Người châu Âu với nhau, về hình thức còn khó phát hiện là người nước nào. 

Còn người Việt Nam mình, do ngoại hình và màu da, màu tóc, nên cái hay hoặc cái dở bị họ phát hiện ngay từ xa và rất nhanh. Khi vào „bộ nhớ“ của họ rồi thì rất khó mà tẩy xóa được.

Mong mọi người đừng để LÒNG THAM vô đáy và cái VÔ MINH của mình gây ảnh hưởng xấu người khác.

Đó là bổn phận của từng người dân sống ở nước ngoài. Vì ta không phải chỉ sống một mình.

 

Nguyễn Doãn Đôn

Bài viết thể văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là người sống ở thành phố Berlin. 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày