"Giăng bẫy" khắp nơi
Ảnh: hanoimoi.vn
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện có một số doanh nghiệp thông báo tuyển dụng ứng viên điều dưỡng đi làm việc tại Đức theo diện thực tập sinh. Cục đã làm việc với các cơ quan của Đức để siết lại việc cấp visa cho những đối tượng này. Dù vậy, tại nhiều website, việc tuyển dụng lao động làm điều dưỡng tại Đức rất công khai và tiêu chuẩn đặt ra dễ dàng.
Trên trang thông tin của Công ty H.L đưa ra, người lao động chỉ cần tốt nghiệp THPT; dưới 30 tuổi; chưa có bất kỳ chuyên môn nào; mong muốn định cư tại Đức...
Chỉ cần người lao động đồng ý, doanh nghiệp có thể sắp xếp học tiếng Đức để nhận chứng chỉ A2, thời gian học và hoàn thiện thủ tục xin visa chỉ từ 2 đến 4 tháng.
Trong khi đó, điều kiện mà Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa ra:
Chỉ có ứng viên đã tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng (3 năm) hoặc đại học điều dưỡng (4 năm) mới đủ tiêu chuẩn đăng ký tham gia chương trình; có tuổi đời 20-25. Vì vậy, từ những yêu cầu đơn giản của một số doanh nghiệp đưa ra khiến người lao động bị "sập bẫy".
Điển hình như vụ việc đối tượng Vũ Việt Dũng (TP Huế) đã lừa hàng chục người ở các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế với số tiền 2,3 tỷ đồng. Dũng tự giới thiệu mình là Giám đốc Công ty TNHH Detonon, trụ sở tại Hà Nội, nếu người lao động muốn sang Đức làm việc thì cần chi 7.000 USD. Dũng ký kết hợp đồng, có khắc một con dấu với nội dung “Công ty TNHH Detonon đã thu tiền" khiến nhiều người "mắc bẫy". Cơ quan chức năng đã truy tố, xét xử và tuyên phạt Dũng 8 năm 6 tháng tù giam.
Hay như mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố 2 đối tượng Nguyễn Hoàng Triều, Hoàng Niêm nhận tiền của 4 lao động tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) sang Đức trái phép. Và trên thực tế, người lao động được đưa sang Nga, sống vất vưởng 3 tháng thì bị đưa về Việt Nam. Cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, các đối tượng đã trả lại cho người lao động số tiền đã thu trước đó. Đây chỉ là một trong rất ít trường hợp được trả lại tiền, nhưng cũng là bài học cảnh tỉnh do quá nôn nóng đi nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp.
Siết chặt cấp visa và xử lý nghiêm sai phạm
Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, đến nay có 325 điều dưỡng viên được tuyển dụng, đào tạo để sang học tập, chăm sóc người bệnh tại Đức; trong tháng 8-2017 tiếp tục có 125 điều dưỡng sang Đức làm việc. Từ năm 2018 trở đi, sẽ có khoảng 400 học viên có cơ hội sang Đức làm việc tại các bệnh viện mỗi năm.
Trong văn bản được ký giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức, chỉ có Cục Quản lý lao động ngoài nước và cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) mới được tham gia vào việc tuyển chọn lao động ngành điều dưỡng. Vì vậy, việc các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo và dạy nghề đang lợi dụng danh nghĩa liên kết đào tạo để đưa lao động điều dưỡng sang Đức, theo ông Phạm Viết Hương là hành động trái luật. C
ục sẽ làm việc với Đại sứ quán Đức để có hướng xử lý, ngăn chặn tình trạng tiếp diễn sau này. Nếu Cục phát hiện có hành vi thông qua môi giới trung gian để nộp hồ sơ, gian lận hồ sơ hoặc không chấp hành đúng các quy định, ứng viên sẽ bị loại khỏi chương trình và phải chịu trách nhiệm đền bù mọi kinh phí, tổn thất gây ra. Các ứng viên nếu tự ý dừng chương trình trước thời hạn, vì bất cứ lý do cá nhân nào phải bồi hoàn mọi chi phí phát sinh từ lúc tham gia đến thời điểm dừng chương trình.
Bà Chu Thị Phương Nhung, điều phối viên cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết, đã xảy ra tình trạng người lao động bị lừa sang Đức làm điều dưỡng bằng con đường du học và bị trả về nước, phải kêu cứu đến Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Về thông tin Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức 2 khóa đào tạo chương trình cử nhân dinh dưỡng tiên tiến sang làm việc trong các bệnh viện của Đức, bà Nhung cho rằng đây có thể là chương trình hợp tác do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.
Bà Nhung cảnh báo, có nhiều loại visa để sang Đức, trong đó có visa ngắn hạn cho học viên học tiếng tại Đức. Các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này, bất chấp trình độ của người lao động để đưa chui sang nước này làm việc. Điều này gây khó cho người lao động không biết tiếng, khó xin việc và có thể bị trục xuất về nước.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo, để tránh không rơi vào "bẫy" lừa đảo đưa điều dưỡng viên sang Đức làm việc, người lao động cần kiểm tra doanh nghiệp có được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép, có đủ điều kiện để đưa người đi làm việc ở nước ngoài hay không? Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận hằng tháng được niêm yết tại địa chỉ www.dolab.gov.vn.
Nguồn: Vũ Dung - Báo Hà Nội Mới
© 2024 | Thời báo ĐỨC