Tôi nghĩ trong mỗi gia đình nhỏ bé của chúng ta, của tôi và của các bạn ở trên nước Đức này, dù ít hay nhiều đều phải trải qua những giờ phút đắng cay và tủi nhục ở một mức độ khác nhau.
Tôi xin phép được mạo muội phỏng thơ của cố thi sỹ Xuân Diệu để viết vui, lấy cớ làm phần mở bài cho câu chuyện không kém phần ly kỳ, có thật này.
- Đố ai định nghĩa được chữ yêu
- Có khó gì đâu một buổi chiều
- Gặp anh bán thuốc, em „tăm“ chỗ
- Rồi cùng kết hợp thế là yêu.
Vâng thưa các bạn, đó là tình yêu của một cặp vợ chồng đã từng bán thuốc lá lậu ở quận Hellersdorf-Berlin.
Họ đến với nhau không được như bao đôi uyên ương khác trong cảnh trời mây sông nước hay trăng thanh gió mát, lãng mạn lả lơi.
Con đường và „nghề“ bán thuốc lá phạm pháp ngày ấy đã vô hình biến thành nhịp cầu „nối những bờ vui“ để liên kết hai mảnh đời tị nạn đơn chiếc ấy; Tương lai của họ ngày đó thì thật là mờ mịt xa xăm.
Để cùng nhau tồn tại, họ đã bắt tay nhau, rồi dần dần trao cho nhau những nụ hôn đằm thắm, cùng nhau trả tiền chỗ cho một băng nhóm bảo kê, rồi kết hợp bằng cách: Anh là đấng Nam nhi, thì phải bất chấp mọi hiểm nguy, xấu xa và nhục nhã ra nơi „sa trường“.
Trong người anh, trái „bộc phá“ là vài ba cây thuốc, „nhãn mỏ“ khác nhau, đứng phơi mặt ra để chào mời hàng một cách khôn khéo và trong đầu chất chứa nhiều thủ đoạn.
Lúc nào mắt cũng phải đảo liếc để ý từng người đến gần mình, rồi bằng cảm giác cùng kinh nghiệm mà tùy cơ ứng biến chạy hay đứng lại, vũ khí của anh là một con dao nhíp, hộp xịt hơi cay và chiếc điện thoại di động.
Chi thì được phân công ở „tuyến sau“ phụ trách „tổng kho“ và cai quản „nhà Bank“.
Ngày nào họ cũng đi từ sáng sớm và tối đêm mới về, cùng ngủ với nhau trong một căn hộ cũ kĩ mà người nhà của chị thuê giùm. Mấy năm họ vật lộn làm ăn bất hợp pháp cũng gom góp được chút tiền.
Để cho an toàn, chị đã mang tiền kiếm được của cả hai người nhờ người nhà của chị giữ giùm.
Tuy chưa có điều kiện tổ chức cưới xin, nhưng cuộc sống của hai người thể hiện qua tình cảm và „nền kinh tế chung“, thì người ta biết ngay đó là một cặp vợ chồng thực thụ.
Họ có ý định đủ tiền là sẽ qua dịch vụ làm giấy tờ hợp pháp để cùng nhau ở lại.
Các bạn ơi, đời người phát sinh biết bao nhiêu chuyện. Ai đâu học được chữ ngờ.
Bình thường thì con người càng vất vả thì tình yêu càng nồng, nhưng trường hợp này éo le lại „chơi khác người“, nên ngược lại.
Chuyện là thế này: Để „hậu phương“ luôn luôn có đủ nguồn hàng phục vụ cho ngoài „tiền tuyến“ nên chị đã giấu thuốc ở nhiều địa điểm, sao cho dễ quan sát và độ an toàn cao như có thể.
Một chỗ mà chị cho là hết ý nhất lại nằm trong một bụi cây bốn mùa lá không rụng, cạnh một nhà anh người Đức
. Anh này góa vợ đã lâu mà lại rỗi rãi vì thất nghiệp.
Anh có nhà ngay đó. Ngày qua, tháng lại, anh thấy người phụ nữ châu Á còn trẻ lại phây phây như mỡ treo trước mũi mèo.
„Miếng mồi“ ngon, thèm đến rỏ rãi cứ khêu gợi, lúc nhòa, lúc tỏ.
„Của thơm tho“ ấy lại xuất hiện hàng ngày trước căn hộ của mình. Không biết Trời có cho hay không mà tay anh cứ muốn vồ cho được.
Anh ước ao một ngày có nàng, lòng anh thầm yêu trộm nhớ. Anh để ý nên thừa biết chị giấu thuốc ở đó.
Thay vì anh gọi điện báo cảnh sát đến, thì anh lại dùng tình cảm che chở và mon men tìm cách tiếp cận với „đối tượng“.
„Của ngon, vật lạ“ đang hiển hiện trước đôi mắt đầy thèm thuồng làm anh khao khát trông chờ.
Mặc dù chị không biết nhiều tiếng Đức, nhưng bằng cử chỉ, thái độ, cách cư xử và nhất là qua ánh mắt và nụ cười của anh chàng „Tây“ to cao, tuy đã ngoài ngũ tuần làm chị bồi hồi và xao xuyến.
Thỉnh thoảng người ta thấy chị còn lén lút lên nhà của anh chàng „Tây“ kia hàng tiếng đồng hồ, rồi mới trở về „trực chiến“.
Hai người Âu Á cứ qua lại dấm dúi một cách tình cảm như vậy, trong khi ngoài kia – nơi „Tiền tuyến xa xôi“, anh chàng xấu số bé nhỏ gầy đen và nhiều khi mặt cắt không ra máu ấy không hề hay biết.
Anh cứ „chiến đấu và chiến thắng“, một cách oanh liệt, vượt qua mọi hiểm nguy của cảnh sát, bọn thù địch với người nước ngoài và những kẻ khinh bỉ, nhổ những bãi nước bọt trước mặt anh….
Anh cứ có tiền là nộp vào „nhà Bank“ để vợ mang đi gửi.
Cuộc tình tay ba ấy kéo dài một thời gian, cho đến một ngày nọ, phát hiện thấy vợ quan tâm chăm sóc sắc đẹp hơn trước và thấy xuất hiện trong ngăn kéo của nàng có một số quà tặng như nước hoa, kem phấn và sôcôla… nên anh đã nảy sinh nghi ngờ và có hôm sẵn sàng bỏ „mặt trận“ âm thầm về „hậu phương“ để theo dõi.
Để có bằng chứng anh còn chụp được cả ảnh của đôi Á Âu đang thơm môi nhau cạnh bờ dậu thưa rồi rủ nhau vào nhà.
Thu thập được đủ bằng chứng, tối về anh tra hỏi chị và đã đánh chị đến tím cả mặt.
Từ đó hai người không còn bán thuốc nơi đó nữa mà chuyển đi chỗ khác xa hơn.
Mặc dù vậy, họ vẫn cứ phải ở bên nhau, tình cảm tuy không còn, nhưng khó chia chác được kinh tế chung, vì tiền chị gửi người nhà của chị mà chỉ chị mới rút ra được.
Chị dại gì mà rút để chia đôi.
Nếu phải chia tay, anh sẽ bị đuổi ra khỏi nhà, tiền chưa hẳn đã lấy được, anh sẽ mất tất cả.
Đành lòng vậy, cầm lòng vậy họ phải gắn vào nhau, phải thành vợ thành chồng.
Anh thì ấm ức, ngậm bồ hòn làm ngọt mà sống. Trời thì cao thăm thẳm mà hận thì chẳng biết bao giờ cho nguôi.
Rồi cuối cùng họ cũng lo được giấy tờ và ở lại Đức. Hai người đã sinh được hai con.
Giờ họ đã có một cửa hàng Imbiss nhỏ là một Container đặt cạnh đường.
Thu nhập cũng chỉ đủ ăn, nhưng cái hay là „Tiền tuyến“ và „Hậu phương“ luôn ở bên nhau, anh yên tâm mà lắc chảo, không phải mất thì giờ vô bổ là cầm máy ảnh chạy lăng xăng như thám tử ngày xưa nữa.
Nhưng các bạn ơi, mỗi lần vợ chồng lục đục, anh lại gợi chuyện của chị ta ngày xưa để chửi rủa chị, thật là một sự nhục nhã cho cả hai phía. Quá khứ bi kịch ấy sẽ khắc sâu mãi mãi trong tâm trí của người chồng, có thể đến tận lúc anh phải nhắm mắt xuôi tay, phó mặc cho trần gian cay đắng này.
Tôi nghĩ trong mỗi gia đình nhỏ bé của chúng ta, của tôi và của các bạn ở trên nước Đức này, dù ít hay nhiều đều phải trải qua những giờ phút đắng cay và tủi nhục ở một mức độ khác nhau.
Quá khứ và những chuỗi ngày không nên có ấy, có gia đình giữ thầm kín như một hũ mắm tránh ruồi và tránh mùi, nhưng cũng có gia đình lại mở lòng ra chia sẻ, để sẵn sàng đạp lên quá khứ, vững bước tiến lên „rũ bùn đứng dậy sáng lòa“.
Nhiều người muốn rũ nhưng không rũ được, quả thực xóa bỏ bộ nhớ trong Laptop còn dễ, chứ trong đầu của các bạn và của tôi, những chuyện đại loại như thế không phải dễ chút nào mà xóa đi cho đặng, phải không các bạn ?
Tôi nghĩ chúng ta nên thông cảm cho anh chàng xưa kia bán thuốc mà nay đang hàng ngày úp mặt vào chảo dầu, nơi góc phố vắng người kia, chứ đừng nên kết án anh là kẻ „thù dai“.
Về nước thăm thân, nhiều người thể hiện như một Việt kiều oai hùng, nhưng xem chừng trong lòng những người „chiến sĩ năm xưa“ trong đó có thể là bạn, là tôi còn chứa đựng biết bao điều xót xa và đầy bí ẩn, khói đen âm ỉ không thành lửa mà cứ cháy mãi không thôi.
Chúc các bạn một ngày mới vui tươi và có thể trào ra nước mắt vì đó đây còn tiềm ẩn những quá khứ đắng cay của một thời „oanh liệt“.
Berlin, 17.07.2016
Nguyễn Doãn Đôn (Facebook)
© 2024 | Thời báo ĐỨC