“Nhà tôi có chín anh em nên ngày trước đói lắm, ít khi cả nhà có bữa cơm ngon. Ngày bé thèm ăn thịt tới mức có khi còn dối cha mẹ trộm gà hàng xóm. Thời gian lang thang vô gia cư ở Đức đã cho tôi thấy tận cùng cái khổ của sự đói, nghèo. Thế nên tôi đã chọn nghề làm bếp”
Duyên nghiệp nghề bếp ở xứ người
Nguyễn Văn Hội sinh ra trong một gia đình ở Nghệ An theo công giáo. Năm 1954, cậu bé Hội cùng cha mẹ di cư vào miền nam, rồi định cư tại xã Nhơn Trạch (Long Thành, Đồng Nai).
Nhà có chín anh em nên khó thoát khỏi cảnh nghèo. Đến tuổi trưởng thành, cũng như nhiều thanh niên thời ấy, cậu bé Hội bị lùa đi lính.
Rồi Sài Gòn thất thủ, Hội hoang mang tột độ, liệu những người chiến thắng trong trận chiến sẽ đối xử với những người lính như anh thế nào. Và, theo dòng người hỗn loạn Hội đã vượt biên trở thành người tị nạn, khi gia đình cứ tưởng anh chết trận.
Cuối cùng, anh đã chọn nước Đức để nương thân.
Không nghề, không bằng cấp, với lưng vốn tiếng Anh học ở quê nhà, anh lang thang nhiều nơi rồi quyết định dừng chân ở thành phố cổ Bayern München.
Hội được đi học dự bị đại học một năm và tám tháng tiếng Đức.
Sau đó anh quyết định học làm bếp khi được chọn ngành nghề. Hội trải qua ba năm học kiến thức về hàng trăm loại lương thực, thực phẩm, cách pha chế thịt, kỹ năng chế biến món ăn, cách chọn ủ bột làm bánh, pha chế đồ uống...
Anh bộc bạch: “Nhà tôi có chín anh em nên ngày trước đói lắm, ít khi cả nhà có bữa cơm ngon. Ngày bé thèm ăn thịt tới mức có khi còn dối cha mẹ trộm gà hàng xóm. Thời gian lang thang vô gia cư ở Đức đã cho tôi thấy tận cùng cái khổ của sự đói, nghèo. Thế nên tôi đã chọn nghề làm bếp”.
Anh đi làm tại các nhà hàng dần tích lũy kinh nghiệm.
Quá trình làm việc, anh luôn tích cực học hỏi và le lói trong đầu những ý tưởng mới. Hội không bỏ sót chi tiết nào trong thao tác bếp núc của các đồng nghiệp người Đức có nghề lâu năm, cùng với những lời dạy của các giáo viên. Một hôm, sếp gọi Hội đến, nói “Hôm nay nhà hàng có tiệc. Anh lập cho tôi một thực đơn mới”.
Đây là cơ hội để anh thể nghiệm những gì mình đã học hỏi và thể hiện sự sáng tạo của bản thân.
Cùng với những ý tưởng trước kia đã ấp ủ trong đầu, Hội điềm tĩnh sáng tạo một số món ăn mới và trình bày thật bắt mắt.
Những món ăn truyền thống và từng mảnh ghép ký ức xa xôi quê nhà và những ngày tháng lang thang phiêu bạt là trải nghiệm kích hoạt anh sáng tạo thành công trong mỗi thực đơn, mỗi món ăn anh trình bày lên đĩa, tạo ra ngôn ngữ mới mẻ, kích thích khứu giác của thực khách.
Đó chính là những thanh âm anh tạo ra trong khuông nhạc ẩm thực.
Ông Nguyễn Văn Hội
Tháng tháng, năm năm trôi qua càng sống bằng nghề bếp, Hội càng thấy yêu nghề. Tinh thần ẩm thực trong anh như lên men, anh say mê tạo ra các món ăn mới phù hợp khẩu vị khách theo từng mùa, từng ý nghĩa của các buổi tiệc.
Khi đã có chút tích lũy, Nguyễn Văn Hội chuyển hướng kinh doanh nhà hàng. Khi nhà hàng anh mua lại hoạt động tốt và có lợi nhuận, có người thích và đề nghị anh sang nhượng lại. Thấy có lời, anh đồng ý.
Từ đó, nếu thấy nhà hàng nào sập sệ là anh mua lại với giá rẻ, cải tạo lại và... bán.
Với sự nhanh nhạy, quyết đoán và một chút may mắn, mười năm sau, Nguyễn Văn Hội lọt vào tốp những người Việt Nam giàu có ở Đức với hàng chục nhà hàng đã qua tay anh.
Rời quê hương lúc ngoài 20 tuổi, Nguyễn Văn Hội mang ký ức tuổi thơ và tuổi trẻ của mình nuôi dưỡng trong tâm khảm suốt 36 năm sống trên đất Đức.
Anh luôn chứng tỏ cho người bản địa thấy rằng người Việt Nam không thua kém người nước ngoài. Anh tâm niệm: Cho dù có cực, có khổ thế nào, nếu con người có tự tin thì sẽ vượt qua bể khổ để đến bờ bến mới.
Tuy vậy sâu xa bên trong, có những nỗi niềm vẫn làm anh trăn trở, đau đáu không yên:
“Lúc tôi cảm thấy mình nhục nhã buồn tủi nhất là nghĩ rằng mình đã mất quê hương, không dám hy vọng được trở về”.
Các giáo viên người Đức đang chấm thi.
Trở về giúp đỡ trẻ nghèo
Khi tuổi xế bóng, nhiều lúc ông Hội tự hỏi:
“Trời cho mình sống được đến tận bây giờ, mình đã làm được những gì cho đời?”.
Dù thành công trên đất Đức, nỗi nhớ quê hương vẫn chưa lúc nào nguôi dịu. Ông ấp ủ kế hoạch trở về Việt Nam. Ông nói:
“Tôi mong cơ hội trở về và muốn dùng quỹ thời gian còn lại trong đời để đóng góp xây dựng quê hương bằng nghề bếp của tôi”.
Ông Hội mang tâm sự của mình nói chuyện với vợ và hai người con gái, và được vợ con ông ủng hộ.
Sau một thời gian dài lên kế hoạch và chuẩn bị, năm 2014, ông thành lập Trung tâm Đào tạo ngành nhà hàng và khách sạn Anre Maisen cho những trẻ em nghèo, không phân biệt giới tính, vùng, miền.
Các em theo học ở trung tâm sẽ được học, được hành, được ăn ở hoàn toàn miễn phí. Thời gian vất vưởng ở xứ người khiến ông thêm nhiều đồng cảm với những số phận kém may mắn. Vì thế, ông muốn trao cho họ một cơ hội để có được cuộc sống tốt đẹp hơn dựa trên chính cố gắng và khả năng của bản thân.
Năm đầu tiên trường chỉ có 26 học viên.
Rồi tiếng lành đồn xa, sau bốn năm hoạt động đến nay trường đã có hơn 100 học viên trên mọi miền Tổ quốc đến đây học nghề.
Vì hầu hết giáo viên ở trường đều là người nước ngoài, các học viên đều được học tiếng Anh để có thể giao tiếp được, sau đó sẽ học nấu các món ăn Âu, Á theo chương trình của Đức.
Mỗi khóa học kéo dài ba năm, khi tốt nghiệp, các em được cấp chứng chỉ của Đức, và được trường giới thiệu vào các nhà hàng, khách sạn thực tập và làm việc.
Ông bảo: Có tấm bằng quốc tế và vốn tiếng Anh căn bản, các em sẽ có thể phát triển nghề nghiệp ở nước ngoài.
Ông Rene Krause, một giáo viên tại trường kể:
“Tôi là giáo viên dạy ngành nhà hàng và khách sạn. Tình cờ tôi đọc được mẩu tin đăng trên một tờ báo ở Đức là Trung tâm của ông Hội đang cần giáo viên người Đức sang Việt Nam giảng dạy cho Trung tâm, tôi đã rất thích thú và tình nguyện sang đây”.
Ở tuổi gần 70, trông ông nhanh nhẹn, quắc thước, cặp mắt nhỏ đen, đau đáu vẫn ánh lên nhiều dự định.
Hằng ngày ông vừa quản lý trường và vừa trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của gần 40 năm trong nghề cho học sinh. Ông vẫn ấp ủ có ngôi trường lớn hơn nữa để có thể giúp được nhiều số phận nghèo khó hơn.
Ông Hội khiến người ta nể trọng với tấm lòng và những điều ông đang làm cho người nghèo Việt Nam mà giá trị của nó không thể cân, đong, đo, đếm được.
Nguồn: TTVD/ Nhandan
© 2024 | Thời báo ĐỨC