Nhà báo thời @ ở Đức

Tại Việt Nam, có thời lưu truyền một câu chuyện về „Tứ đại“ của người Việt, đó là

Ăn đại táo“ (bếp tập thể), „Ở đại gia „ (ở nhà tập thể), „Đi đại xa“ (đi xe buýt) và „Làm đại khái“.

132 content 1 7

Quả thực, người Việt ta vốn học lỏm, bắt chước rất nhanh, nhưng thường chỉ làm đại khái, chứ ít khi chịu khó học hỏi, nghiên cứu làm cho đến đầu, đến đũa.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức tái thống nhất vào năm 1990, một phần lớn người Việt trong diện „Hợp tác lao động“ nhận 3.000 DM tiền đền bù vì bị hủy bỏ hợp đồng lao động trước thời hạn và về nước, nhưng còn khoảng 15.000 người quyết tâm ở lại, đương đầu với thử thách mới và hy vọng vào một tương lai mới xán lạn hơn ở quê hương thứ hai.

Do phần lớn chịu cảnh thất nghiệp, họ quay ra buôn bán và một số sau khi dành dụm được một số vốn, học lỏm được một số kinh nghiệm, sau khi đi làm thuê cho một số nhà hàng, đã đứng ra mở nhà hàng ăn nhanh (Imbiß) rồi sau đó là Bistro rồi Restaurant. Có người chưa từng nấu ăn trong gia đình bao giờ, nhưng rồi như một phép màu, đột nhiên lại trở thành bếp trưởng (Chefkoch) như ai.

Mặc dù không có con số thống kê cụ thể, nhưng ước tính số lượng nhà hàng, cửa hàng ăn nhanh của người Việt ở Đức cũng lên tới vài ngàn, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người được học qua các lớp đào tạo về quản lý nhà hàng, về nấu ăn và phục vụ bàn?

Phần lớn là tự đi làm rồi học lỏm và về tự mở cửa hàng.

lam nails kho cuc

Một cô thợ gốc Việt đang làm móng chân cho khách.- Foto: The New York Times

Cũng tương tự như vậy, người Việt đã dần dần chiếm lĩnh các lĩnh vực cửa hàng bán hoa, cửa hàng Nails… mà việc truyền nghề cũng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính, chứ không qua đào tạo bài bản.

Sau khi cuộc sống tạm ổn, nhu cầu sinh hoạt cộng đồng gia tăng và thế là các hội đoàn cứ liên tục được lập ra, chẳng mấy chốc đã có trên 100 hội đoàn người Việt ở Đức.

Nhưng trong đó, có rất ít hội đoàn được thành lập bài bản, có đăng ký hoạt động với Tòa án Đức, mà chủ yếu là họp lại với nhau, thông qua điều lệ, bầu BCH, gửi Báo cáo lên Đại sứ quán, thông báo cho các hội đoàn có trước, sau đó nghiễm nhiên coi mình đã được thành lập.

Hội đoàn ra đời thì nhu cầu thông tin về sinh hoạt cộng đồng cũng gia tăng và nhiều báo cũng lần lượt ra đời. Xông vào lĩnh vực báo chí, cũng có người từng viết lách cái này, cái kia, nhưng cũng có người chưa biết gì cũng nhảy vào làm báo một cách „đại khái“, chẳng khác gì anh chàng nọ chưa từng nấu ăn cho mình, bỗng nhiên cũng trở thành bếp trưởng vậy.

Thực ra, viết báo không phải là một cái gì cao siêu, ai cũng có thể viết báo, nếu có kiến thức, có óc quan sát, viết đúng chính tả, sử dụng từ ngữ chính xác… để diễn đạt lại cho đúng những quan sát, cảm nhận của mình về những sự kiện trong sinh hoạt cộng đồng hoặc những hiện tượng xã hội. Nếu có năng khiếu nữa thì càng tốt.

Nhưng trong cộng đồng hiện nay có những người không có mấy kiến thức, nhưng lại không chịu học hỏi, tự đặt cho mình một cái chức danh rất oai rồi coi mình như là một „nhà báo nhớn“, cho dù viết thì sai chính tả, viết hoa, sử dụng dấu ngoặc kép hay còn gọi là dấu nháy nháy một cách bừa bãi chẳng theo nguyên tắc nào.

Thậm chí nhiều người còn chưa phân biệt được thế nào là tin, thế nào là bài.

Với sự xuất hiện của Internet, của Facebook, của Blog, trong thời @ này, ai cũng có thể viết suy nghĩ của mình đưa lên mạng, coi như một bài báo, nhiều người viết trên FB của mình mà có ý tưởng hay, câu cú chính xác còn hay hơn cả những bài được gọi là „báo“ của những người tự coi mình như „Lâu đài báo“.

Vì vậy, muốn viết báo tốt phải chịu khó học hỏi, phải tìm hiểu lý thuyết về những yếu tố cần thiết đối với tin, bài, không nhất thiết phải qua trường lớp, đào tạo chính quy, nhưng phải chịu khó tìm đọc và rút kinh nghiệm dần dần.

Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số hiện nay, việc sở hữu và sử dụng một chiếc máy ảnh kỹ thuật số tương đối hiện đại cũng không còn quá khó khăn. Việc mua một chiếc máy ảnh tốt để chụp trong gia đình, khi đi du lịch, rồi đưa lên Facebook… thì không có vấn đề gì.

Nhưng trong thời gian gần đây, việc xuất hiện quá nhiều „Nhiếp ảnh gia“ trong các sự kiện sinh hoạt cộng đồng cũng làm nảy sinh vấn đề.

nhiep anh gia va nhung tinh huong cuc kho do

Có những „Nhiếp ảnh gia“ mang máy ảnh rất to, ống kính rất dài, đi lại rất nghênh ngang, ra vẻ „Profi“, cho dù chẳng biết tốc độ chụp, cửa chập ống kính là gì, ánh sáng, góc độ chụp ra sao… Khi có sự kiện thì bao nhiêu người xô lên, chen nhau chụp ảnh, chổng hết „khu“ vào mặt quan khách, những người quay video thì chỉ ghi được lưng người.

Thông thường, ở các sự kiện lớn ở Đức, người ta có chỗ quy định dành riêng cho phóng viên ảnh, nên việc chụp ảnh không ảnh hưởng tới sự kiện, nhưng các sự kiện cộng đồng của ta thì khác, mọi người chen nhau chụp ảnh rất lộn xộn, nên hầu như không ai chụp được ảnh đẹp theo đúng nghĩa của ảnh báo chí.

Nhiều người lại không có ý tứ nhường nhau, chụp nhanh rồi tránh ra để người khác chụp mà cứ đứng chắn ngang. Có người cứ đứng „hiên ngang“ trước mặt khán giả để chụp chụp, quay quay… che mắt khán giả làm như mình là „nhân vật chính“ của sự kiện vậy. Chụp, quay „hiên ngang“ là vậy, nhưng cuối cùng chẳng biết số phim, ảnh đó được sử dụng ở đâu, chẳng ai được „chiêm ngưỡng“.

Đứng trước xu hướng chẳng mấy hay ho như vậy, rất mong những người làm công tác truyền thông trong cộng đồng chúng ta nên tự trau dồi kiến thức viết và chụp, làm sao cho có những tác phẩm báo chí đúng nghĩa hơn, hay hơn để đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, khi có những sự kiện quan trọng trong cộng đồng thì khi chụp ảnh nên ý tứ, tránh cản trở nhau khi tác nghiệp.

Nguồn: Vũ Văn – thoibao.de


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày